Mặc dù nhiều người rất tự tin khi sử dụng tăm bông để lấy ráy tai, làm sạch lỗ tai, tuy nhiên các chuyên gia y tế khuyến cáo không nên làm như vậy.
Dùng tăm bông ngoáy tai nguy hiểm thế nào?
Các bác sĩ đã chứng kiến rất nhiều tai nạn do sử dụng tăm bông để ngoáy tai như rách màng nhĩ hay làm ráy tai bị đẩy sâu vào trong hơn gây bít tắc tai... Có vô số hệ quả khó lường của việc tự làm sạch tai tại nhà.
Mọi người thường có thói quen sử dụng nhiều loại vật dụng sắc nhọn để làm sạch tai, ngoài tăm bông, nhiều người còn dùng cả ghim tóc, bút, bút chì, nhíp, ống hút, kẹp giấy, đồ chơi,...
Cần biết rằng bạn không nên sử dụng bất kỳ vật gì để cho vào trong tai làm sạch tai. Việc này rất nguy hiểm, có thể ảnh hưởng thính lực, tổn thương ống tai, màng nhĩ,...
Ống tai có các tế bào đặc biệt sản sinh ra cerumen, thường gọi là ráy tai. Tùy vào cơ địa mà ráy tai của mỗi người có thể tích tụ nhanh và nhiều hơn.
Việc này khiến ráy tai có thể lấp lỗ tai, giảm khả năng nghe và đôi khi là gây đau.
Cách đơn giản nhất để xử lý là đến gặp bác sĩ để lấy ráy tai, vệ sinh tai.
Tuy nhiên nhiều người có thói quen tự dùng tăm bông để lấy ráy tai, việc này gây hại nhiều hơn lợi.
Tăm bông rất dễ chạm đến màng nhĩ. Vì màng nhĩ rất yếu ớt nên chỉ cần một áp lực tưởng nhẹ cũng có thể bị làm thủng.
Thủng màng nhĩ không chỉ gây đau đớn, khó chịu, còn có thể bị chảy mủ tai, thậm chí là mất thính lực.
Chúng ta có thực sự cần vệ sinh tai hay không?
Câu trả lời là: có và không. Với phần loa tai bên ngoài thì bạn nên làm sạch thường xuyên. Có thể dùng một chiếc khăn sạch, mềm, thấm nước để lau phần tai ngoài.
Thông thường, ống tai không cần phải làm sạch. Trong khi gội đầu, tắm rửa, nước đi vào tai sẽ làm ráy tai bong dần ra. Ráy tai cũng cơ chế tự nhiên rời khỏi cơ thể từ từ.
Hoạt động nhai và chuyển động hàm của chúng ta đẩy ráy tai từ ống tai ra tai ngoài. Khi ráy tai và da chết bị đẩy đến tai ngoài, chúng khô lại và bong ra.
Thông thường ráy tai sẽ tự bong ra khi chúng ta ngủ. Do đó bạn không cần thiết dùng tăm bông để vệ sinh tai nữa.
Với những người có nhiều ráy tai, ráy tai lấp lỗ tai, hãy đến gặp bác sĩ để họ có thể sử dụng các dụng cụ chuyên dụng giúp bạn loại bỏ ráy tai hoặc chất cặn tích tụ một cách an toàn.
Hoàng NguyênBạn đang xem bài viết Vì sao chúng ta không nên dùng tăm bông để ngoáy tai? tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].