Vượt qua giới hạn thể chất và những ánh nhìn nghi ngờ
Tháng 2/2020, chỉ với một ba lô nhỏ, vài bộ quần áo và đôi chân trần quyết tâm, Vũ Duy Hoàn (SN 2000, quê Nam Định) hoàn thành hành trình đi bộ xuyên Việt từ mũi Cà Mau trong bối cảnh cả nước đang đối mặt với dịch bệnh.
Suốt gần 900 ngày rong ruổi, Hoàn vượt qua hơn 3.000 km đường rừng núi, đồng bằng, cao nguyên và miền biển. Nhưng khó khăn lớn nhất không phải là những con dốc hiểm trở hay cái rét miền núi, mà là sự cô đơn và những ánh mắt nghi ngờ từ người đời.
“Có những lúc mình mệt rã rời, chân đau, người đói, lại bị từ chối khi xin làm việc đổi bữa ăn. Nhiều người không tin câu chuyện của mình. Họ nghĩ mình lừa đảo hay đi kiếm sự nổi tiếng”, Hoàn nhớ lại.

Sau 3 năm, chàng trai trẻ Duy Hoàn mới hoàn thành hành trình xuyên Việt của mình.
Suốt hành trình ấy, Duy Hoàn đã xin ngủ ở trạm xăng, vỉa hè, dưới mái hiên nhà dân. Có những đoạn đường dài không có hàng quán, anh nhai mì khô sống qua bữa, uống nước mưa hứng trong chai. Thể chất bị bào mòn nhưng chính tinh thần mới là thứ cần chống đỡ mạnh mẽ nhất.
Tuy vậy, Duy Hoàn cho biết, người dân Việt Nam mình rất có tinh thần “lá lành đùm lá rách”. Không phải nơi nào cũng khép cửa mà vẫn có đôi bàn tay dang rộng, giúp đỡ anh.
Một kỉ niệm đáng nhớ khi một cô chủ quán nhỏ cho anh ở lại ba ngày, chăm sóc anh như con trai khi chân chấn thương. Một lần trên đường vượt đèo tại Bình Định, bác xe ôm đã vào tay ổ bánh mì rồi bảo: “Cố lên cháu nhé, phía trước ít hàng quán cho cháu dừng lại lắm”. Chính những khoảnh khắc ngắn ngủi ấy đã vực dậy tinh thần anh trong thời điểm tưởng chừng muốn buông xuôi.
“Mỗi lần nhớ tới những lời động viên, ánh mắt cổ vũ của người dân mình gặp gỡ, mình lại quên sạch đi mệt mỏi. Mình chỉ muốn hoàn thành được hành trình và chứng kiến Việt Nam mình đẹp như thế nào”, Duy Hoàn nói.

Người tốt trên khắp đất nước vẫn dang tay giúp đỡ chàng trai trẻ.
Lòng tốt không hiếm, chỉ cần đủ chân thành để nhìn thấy
Trên hành trình gần 3 năm, Hoàn không chỉ đi thăm thú cảnh đẹp của đất nước, mà đi sâu vào tâm hồn mình. Trước chuyến đi, anh từng nghĩ xã hội lạnh lùng, con người thực dụng, nhưng trải nghiệm thực tế đã khiến anh thay đổi hoàn toàn góc nhìn.
“Chính trong những nơi khó khăn nhất, mình lại thấy sự tử tế rõ ràng nhất. Người dân vùng cao, dù nghèo, vẫn chia sẻ phần cơm ít ỏi. Trẻ con dúi cho mình chai nước, cụ già mời bát cháo buổi sáng… Những điều nhỏ thôi, nhưng khiến mình xúc động mãi”, Hoàn kể.
Với anh, hành trình này là cuộc đối thoại với lòng kiên trì và sự biết ơn. Nó dạy anh cách chậm lại, lắng nghe và sống tử tế hơn. Nếu như trước đây, hạnh phúc là những gì lớn lao, thì nay, đó chỉ là một chỗ ngủ an toàn, một nụ cười tin tưởng từ người lạ.

Lòng tốt của những người dân lam lũ đã thay đổi nhận thức của Duy Hoàn.
Sau khi hoàn thành chuyến đi tại cột cờ Lũng Cú (Hà Giang) vào tháng 8/2022, Hoàn không chọn quay về với cuộc sống cũ. Anh bắt đầu kết nối lại với những địa phương từng đi qua, triển khai các dự án thiện nguyện nhỏ cho trẻ em vùng cao – như một lời cảm ơn những nơi đã đùm bọc mình trong suốt hành trình.
“Những gì mình nhận được nhiều hơn mình tưởng. Tình người là thứ không thể đo đếm. Mình chỉ muốn lan tỏa lại phần nào, dù nhỏ bé”, Hoàn nói thêm.
Trong tương lai, Duy Hoàn mong muốn có thể tạo nên nhiều chuyến đi trải nghiệm hơn cho bản thân. Đồng thời, anh cũng tham gia gắn kết nhiều bạn trẻ tham gia các hoạt động thiện nguyện tại những khu vực vùng sâu vùng xa, khó khăn trên cả nước. Đối với anh, quyết định 3 năm đi bộ xuyên Việt Nam đó là hành trình đẹp đẽ nhất cuộc đời.
Yen AnhBạn đang xem bài viết Bài học về lòng biết ơn sau 900 ngày đi bộ dọc Việt Nam với chiếc túi rỗng tuếch của chàng trai trẻ tại chuyên mục Cuộc sống Muôn màu của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: bankhoahoc@giadinhmoi.vn.
Tin liên quan
