Thông tin mới nhất về chấn thương của cầu thủ Hùng Dũng

Tiền vệ Hùng Dũng của CLB Hà Nội bị gãy chân, được chuyển đến bệnh viện cấp cứu. Cầu thủ này bị gãy 1/3 dưới xương cẳng chân phải, gãy cả xương mác và xương chày.

Tối 23/3, trong trận đấu bóng đá trên sân Thống Nhất, tiền vệ Đỗ Hùng Dũng đã bị chấn thương nặng trong pha va chạm bóng với cầu thủ Hoàng Thịnh của đội bạn.

Chấn thương của Hùng Dũng được xác định gãy 1/3 dưới xương cẳng chân phải, gãy cả xương mác và xương chày. Sáng nay, Hùng Dũng phẫu thuật.

Giới chuyên môn và người hâm mộ lo lắng về mức độ chấn thương của cầu thủ này. Dự kiến, sau khi cuộc phẫu thuật kết thúc, Hùng Dũng sẽ nằm lại tại bệnh viện trong 3 ngày trước khi được chuyển về Hà Nội để tiếp tục chữa trị và bắt đầu quá trình hồi phục.

BS Võ Tường Kha, Giám đốc Bệnh viện Thể thao Việt Nam cho biết với chấn thương của Hùng Dũng, cầu thủ này cần phải phẫu thuật để kết hợp xương, thường 3 tháng xương sẽ liền nhưng để ổn định cần khoảng 9 tháng, sau đó tiến hành tháo đinh, tập phục hồi chức năng.

Do đó, sẽ cần một khoảng thời gian để Hùng Dũng có thể quay trở lại sân cỏ.

  Hùng Dũng cố gắng nén đau để trấn an người hâm mộ.

Hùng Dũng cố gắng nén đau để trấn an người hâm mộ.

BS Kha cũng nói về các trường hợp bị gãy xương tùy theo mức độ mà có xử trí phù hợp, gãy hở hay gãy kín, gãy nhiều mảnh hay ít mảnh, gãy có di lệch không…

Những trường hợp gãy mà chưa di lệch thì chỉ cần bó bột, nhưng nếu có thì phải phẫu thuật đóng đinh, bắt nẹp. Tùy theo mức độ chấn thương mà thời gian phục hồi có thể vài tháng, một năm, thậm chí vài năm.

Theo BS Kha, xương gãy sẽ cần thời gian để liền, khoảng vài tháng, với trường hợp gãy xương phải kết hợp đinh, nẹp vít thì cần khoảng 9 tháng để xương liền, ổn định sau đó mổ lấy đinh ra. Chấn thương gãy xương không nguy hiểm đến tính mạng nhưng mất thời gian để phục hồi.

Theo ghi nhận, hình ảnh mới nhất từ bệnh viện cho thấy Hùng Dũng đã phần nào lấy lại được sự tỉnh táo sau khi được sơ cứu. Tiền vệ quê gốc Gia Lâm, Hà Nội đã giơ tay ra dấu hiệu “OK” để trấn an người hâm mộ.

Gãy xương chày, xương mác thường được phân loại tùy thuộc vị trí gãy (xa, giữa, gần); hình dạng vết gãy. Dựa trên những yếu tố đó, gãy xương chày, xương mác được chia thành 5 loại:

 - Gãy ngang: Vết gãy là một đường thẳng nằm ngang, đi qua trục xương chày.

 - Gãy xiên: Vết thương có đường xiên ngang trục.

 - Gãy xoắn ốc: Đường đứt gãy bao quanh trục như các đường sọc, nguyên nhân là lực xoắn gây ra, đây cũng là loại phổ biến của các cầu thủ, va chạm khi chơi thể thao.

 - Gãy thành 3 mảnh trở lên.

 - Gãy hở/kép: Các mảnh xương nhô ra qua da hoặc xiên vào nhau. Loại này thường gây nhiều tổn thương cho các cơ, gân và dây chằng xung quanh. Bệnh nhân có biến chứng cao hơn, đặc biệt là nhiễm trùng, mất nhiều thời gian để chữa lành.

 Khi bị gãy xương cẳng chân, bệnh nhân sẽ không thể đi lại, biến dạng ống chân. Nếu gãy hở, phần xương sẽ nhô ra trên da tại vị trí chấn thương. Ngoài ra, người bệnh cũng sẽ phải chịu nhiều đau đớn, mất cảm giác ở bàn chân.

Minh Thu

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính