Gần đây tôi liên tục nhận được các câu hỏi của mọi người về thực hư chuyện thuốc NanoDrops chữa được cận thị. Người trong ngành thì hoang mang không biết độ xác thực như thế nào, độ tin tưởng ra sao trong khi bệnh nhân thì tràn đầy hy vọng vào một tương lai có thể không cần đeo kính hay phẫu thuật khi mắc tật khúc xạ.
Đến nay, tôi chưa có bất kì thông tin chính thống nào của ngành Nhãn khoa về vấn đề này. Nhưng qua nghiên cứu và tìm hiểu thông tin thì được biết, trong chương trình hội nghị lần thứ 35 của Hiệp hội các phẫu thuật viên về phẫu thuật khúc xạ và thể thuỷ tinh châu Âu tại Lisbon Bồ Đào Nha tháng 10/2017 có ghi 1 báo cáo của Dr.David Smadja từ Israel với tiêu đề: “Nanodrops for restoring refractive errors”.
Tóm tắt báo cáo có ghi, nghiên cứu thực nghiệm sự thay đổi khúc xạ của 10 mắt lợn trước và sau khi nhỏ thuốc kết quả cho thấy có thể điều chỉnh độ khúc xạ trung bình là 2,24+/-0,07D với cận thị và 1,96+/-0.2D với viễn thị.
Báo cáo kết luận rằng, thuốc nhỏ mắt NanoDrops cho thấy tiềm năng đầy triển vọng trong cuộc cách mạng điều chỉnh tật khúc xạ không xâm lấn.
Tuy nhiên, đây mới là nghiên cứu ex vivo (tức là trên mô sinh học nhưng đã được lấy ra khỏi cơ thể sống và được đảm bảo hoạt động trong môi trường như cơ thể sống). Trong khi 1 loại thuốc muốn được đưa ra thị trường phải trải qua các nghiên cứu thử nghiệm in vivo trên người với rất nhiều giai đoạn và thủ tục phức tạp...
Trong bản tóm tắt cũng chưa nêu rõ cơ chế tác động của thuốc và cách thức tiến hành. Nhưng qua tìm hiểu thì được biết, bệnh nhân sau khi được đo xác định độ khúc xạ sẽ có hệ thống laser in dấu lên giác mạc (laser corneal stamping) dưới dạng mô hình quang học (optical pattern), các hạt nano sẽ kích hoạt mô hình quang học này và làm thay đổi sự hội tụ của tia sáng vào đúng võng mạc.
Các nhà nghiên cứu dự kiến vào cuối năm 2018 sẽ thử nghiệm trên người nhưng báo cáo cũng chưa đề cập được các công việc cần thiết liên quan đến việc tiến hành thử nghiệm.
Như vậy, nghiên cứu này là có thật, nhưng chỉ mới ở mức thử nghiệm ex vivo trên mô, chưa được thử nghiệm trên người.
Hơn nữa, như đã nói thì không phải chỉ có nhỏ thuốc là điều chỉnh được tật khúc xạ mà cần phải có nguồn laser. Tiếp đó là hiệu quả của thuốc được bao lâu, liều thuốc cần đạt tác dụng là như thế nào? Mức độ thường xuyên phải nhỏ thuốc? Độc tính của thuốc với con người cũng chưa được biết đến.
Nói chung đây là một hướng đi mới và chúng ta cứ chờ đợi, hy vọng vào sự tiến bộ của khoa học, chưa biết bao nhiêu năm sau có thể được lưu hành trên thị trường. Còn bây giờ, nếu có tật khúc xạ, hãy trung thành với kính gọng (cổ điển nhất) hay là đeo kính áp tròng mềm, cứng hoặc phẫu thuật Lasik tuỳ thuộc quan điểm của từng người.
ThS.BS Bùi Cẩm HươngBạn đang xem bài viết Bác sĩ nhãn khoa nói gì về ‘thuốc nhỏ mắt NanoDrops chữa cận thị’? tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].