Đó là thông tin được các chuyên gia nhãn khoa đưa ra tại hội thảo Những trường hợp khó trong việc khám và điều trị tật khúc xạ ở trẻ em, do Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 tổ chức ngày 10/5.
PGS.TS Nguyễn Đức Anh - Giảng viên Bộ môn Mắt Trường Đại học Y Hà Nội - Nguyên Trưởng khoa khúc xạ Bệnh Viện Mắt Trung ương cho biết, ở người trẻ có 3 tật khúc xạ: cận thị, viễn thị, loạn thị; trong đó tật khúc xạ cận thị phổ biến nhất, thường gặp ở độ tuổi học đường.
Biểu hiện của bệnh nhân mắc 3 loại tật khúc xạ khác nhau. Cận thị là trường hợp mắt nhìn xa mờ, nhìn gần bình thường. Viễn thị mắt có thể mờ hay không mờ tùy theo độ viễn thị. Tuy nhiên, người viễn thị hay bị mỏi mắt do mắt phải điều tiết nhiều. Loạn thị là trường hợp mắt nhìn mờ, có thể kèm theo hình ảnh biến dạng.
Dấu hiệu của tật khúc xạ nhiều khi không rõ ràng khiến cho chúng ta chủ quan, không đi khám để được phát hiện và điều trị sớm. Mắt có tật khúc xạ sẽ gây nhiều bất tiện trong sinh hoạt, ảnh hưởng học tập, thậm chí gây ra rối loạn khác ở mắt như bị lác, nhược thị…
Những dấu hiệu của tật khúc xạ có thể là xem tivi, đọc sách, báo phải nhìn gần mới thấy, học sinh ngồi học không đọc được chữ, hay nheo mắt khi nhìn, kết quả học tập, lao động giảm…
Đối với trẻ em cần được kiểm tra mắt sớm để phát hiện tật khúc xạ, điều chỉnh kính kịp thời. Nếu được điều chỉnh kính phù hợp mắt sẽ nhìn rõ hơn, có sự phối hợp 2 mắt tốt, tránh nguy cơ có thể xảy ra trong tương lai.
Đối với trường hợp trên 18 tuổi, khi độ tật khúc xạ ổn định, bệnh nhân có thể lựa chọn phương pháp điều chỉnh tật khúc xạ bằng cách phẫu thuật.
PGS.TS Nguyễn Đức Anh cũng khẳng định: “Cho đến nay vẫn chưa có thuốc chữa khỏi được cận thị. Việc một số cơ sở thời gian gần đây có quảng cáo về thuốc nhỏ mắt chữa cận thị không cần phẫu thuật là thông tin không chính xác.
Cận thị là tật, hiện chỉ có thể dùng kính và phẫu thuật để điều chỉnh tật khúc xạ này. Trên thế giới cũng có những nghiên cứu về việc dùng thuốc chữa cận thị nhưng mới chỉ dừng lại ở nghiên cứu mà chưa có kết quả cụ thể.
Những người bị tật cận thị cần đến các cơ sở nhãn khoa uy tín để được thăm khám và điều trị theo chỉ định của bác sĩ. Không nên tự ý sử dụng các sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc, không kiểm chứng được chất lượng, không được nghiên cứu và công bố rõ ràng… vì sẽ gây hại cho mắt, thậm chí có thể dẫn đến mù mắt”.
L.LinhBạn đang xem bài viết Khoảng 3 triệu trẻ em mắc tật khúc xạ: Dấu hiệu bệnh không rõ ràng khiến cha mẹ chủ quan tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].