Tại các thành phố lớn của Việt Nam, các quán thịt nướng, thịt nướng Nhật Bản, thịt nướng Hàn Quốc mọc lên như nấm sau mưa. Những miếng thịt nướng thơm ngậy ăn kèm kim chi chua chua, cay cay làm nức nòng thực khách, khiến họ mê mẩn, thậm chí là “nghiền” kim chi, thịt nướng.
Nhưng bên cạnh những người yêu thích món ăn hấp dẫn này thì cũng không ít ý kiến cho rằng, ăn thịt nướng, dưa muối, cà muối, nhất là gần đây rộ lên trào lưu ăn thịt nướng Hàn Quốc, Nhật Bản liệu có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư.
Chia sẻ với Gia Đình Mới về vấn đề này, ThS.BS Thân Văn Thịnh, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội cho biết, ăn thịt nướng, dưa muối, cà muối được chứng minh là một trong những nguyên nhân có thể dẫn đến ung thư, vì có rất nhiều chất trong quá trình nướng thức ăn, muối thực ăn được phân hủy tạo thành chất độc gây hại cho cơ thể.
Thịt nướng thơm ngon nhưng giá trị dinh dưỡng của thịt khi nướng bị giảm rất nhiều. Protein trong thịt sẽ bị biến chất khi bị nướng ở nhiệt độ quá cao khiến cho cơ thể con người không thể hấp thụ, chuyển đổi được chất.
Đặc biệt, món thịt nướng bên hè phố lại càng nguy hiểm. Nguyên nhân là do các món thịt nướng trên hè phố chủ yếu được đặt trực tiếp bên ngoài để mọi người chọn nên dễ bị nhiễm bẩn, vi khuẩn từ môi trường.
Thịt nướng bên lề đường sử dụng nhiệt độ thường có thể vượt quá 200 độ C, khi đó chất heterocyclic amines có thể được sản sinh, gây ung thư.
Bên cạnh thịt nướng thì kim chi cũng tiềm ẩn nhiều nguy hại cho sức khỏe. Một số chất trong dưa muối, đặc biệt là dưa cải muối (như kim chi) thì các chất bị chuyển hóa, trong đó có nitrosamin chuyển hóa và ảnh hưởng đến dạ dày, nguy cơ cao gây ung thư dạ dày.
"Điều này cũng phù hợp với thống kê cho thấy, Hàn Quốc và Nhật Bản là 2 nước có tỉ lệ ung thư dạ dày cao nhất thế giới.
Chúng ta thấy nó có liên quan mật thiết đến tập tục ăn uống như vậy, tuy nhiên nó là cả quá trình kéo dài, ăn với số lượng nhiều chứ không phải chỉ ăn một hai bữa thịt nướng, dưa cà muối, kim chi là có thể gây ung thư được" – Bác sĩ Thịnh cho nói.
Bác sĩ Thịnh cũng cho biết thêm, các nhà khoa học cũng đã chứng minh được trong các đồ muối như thịt muối, cá muối có virus gây ung thư vòm rất cao. Vậy nên, ở những nơi có tập tục ăn đồ muối, mắm cáy, mắm cua là nơi có tỉ lệ mắc ung thư vòm cao.
Vậy nên, để phòng ngừa bệnh ung thư, nhất là ung thư đường tiêu hóa, ung thư vòng họng, các chuyên gia đưa ra lời khuyên, nên hạn chế ăn nhiều thịt, chất béo có nguồn gốc từ đạm động vật, hạn chế ăn đồ nướng, đồ chiên rán, hạn chế các món muối như dưa muối, cà muối, kim chi, thịt muối, cá muối, mắm cua, mắm cáy…
Đồng thời, cần bổ sung đầy đủ chất xơ từ lúa mạch, trái cây, rau tươi, các vitamin E, C, và A… và duy trì chế độ sinh hoạt năng động, luyện tập thể dục thường xuyên.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo, những người có tiền sử mắc các bệnh đường tiêu hóa như viêm đại tràng mạn tính, viêm loét dạ dày, trong gia đình có người thân từng mắc ung thư, hoặc khi có triệu chứng sụt cân không rõ lý do, táo bón, đầy bụng, đi tiêu ra máu, ói ra máu … thì nên đi khám ngay để tầm soát, phát hiện và điều trị bệnh kịp thời.
Theo công bố của Tổ chức Y tế thế giới WHO, số ca mắc mới ung thư của Việt Nam năm 2018 đã tăng lên 165.000 ca.
Trong đó, 10 quốc gia có tỉ lệ ung thư cao nhất đều là những nước phát triển: Úc đứng số 1 với tỉ lệ mắc ung thư cả 2 giới ở mức 468/100.000 dân; New Zealand (438/100.000 dân); Ireland (373/100.000 dân); Hungary (368/100.000 dân); Mỹ đứng thứ 5 với tỉ lệ 352/100.000 dân, kế đó là Bỉ, Pháp, Đan Mạch, Na Uy, Hà Lan...
Trong số ca mắc mới tại Úc năm 2018 là gần 200.000 ca/24,7 triệu dân; New Zealand xấp xỉ 36.000 ca/4,7 triệu dân; Mỹ có hơn 2,1 triệu ca mắc mới/326 triệu dân.
Tại Châu Á, Hàn Quốc có tỉ lệ mắc ung thư cao nhất (313/100.000 dân), xếp vị trí thứ 13 trên bản đồ ung thư thế giới; đứng thứ 2 là Singapore (282/100.000 dân, xếp vị trí 42 thế giới); Nhật Bản xếp thứ 3 (248/100.000, vị trí 43 thế giới); Trung Quốc xếp vị trí thứ 9 châu Á và 68 thế giới với tỉ lệ 202/100.000 dân.
Trong khu vực Đông Nam Á, Singapore có tỉ lệ mắc ung thư cao nhất, kế đó là Philippines (163/100/100.000 dân, vị trí 89 thế giới); Thái Lan vị trí 92 thế giới (152/100.000 dân); thứ 4 khu vực là Lào (154/100.000 dân, vị trí 97 thế giới).
Việt Nam xếp vị trí 99/185 quốc gia và vùng lãnh thổ với tỉ lệ mắc ung thư 151,4/100.000 dân, xếp 19 châu Á và thứ 5 tại khu vực Đông Nam Á. Vào năm 2015, Việt Nam xếp vị trí 107 và thời điểm 2013 xếp ở vị trí 108.
Theo thống kê của WHO, số ca mắc mới ung thư tại Việt Nam không ngừng tăng, từ 68.000 ca năm 2000 lên 126.000 năm 2010. Năm 2018, số ca mắc mới tăng lên gần 165.000 ca/96,6 triệu dân, trong đó gần 70% trường hợp tử vong, tương đương 115.000 ca.
Nhìn tổng quan trên bản đồ ung thư thế giới, tỉ lệ mắc của Việt Nam không cao, tuy nhiên tỉ lệ tử vong tương đối lớn, xếp vị 56/185 quốc gia và vùng lãnh thổ với tỉ lệ 104,4/100.000 dân. Vào năm 2016, tỉ lệ tử vong của Việt Nam ở mức 110/100.000 dân.
Tính chung cả 2 giới, 5 loại ung thư có tỉ lệ mắc nhiều nhất tại Việt Nam gồm: Ung thư gan, hơn 25.000 ca (15,4%), kế đó là ung thư phổi (14,4%), ung thư dạ dày (10,6%), ung thư vú, ung thư đại tràng.
5 loại ung thư phổ biến nhất ở nam giới Việt gồm: Ung thư phổi (21,5%(, ung thư gan (18,4%), ung thư dạ dày, ung thư đại tràng; ung thư hầu họng. Ở nữ giới, hàng đầu vẫn là ung thư vú, ung thư đại tràng, ung thư phổi, ung thư gan.
WHO cho biết, ung thư đang là một trong những thách thức sức khoẻ cộng đồng quan trọng nhất của thế kỷ 21. Khoảng 40% trường hợp ung thư có thể được ngăn ngừa bằng cách giảm tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ bao gồm chế độ ăn uống, dinh dưỡng, hoạt động thể chất.