Ba kích có tác dụng gì?
Theo lương y Nguyễn Thanh Thúy, phòng khám Đông y Ích Thọ Đường, ba kích được sử dụng rộng rãi trong nhân dân và y học cổ truyền.
Ba kích có vị ngọt, tính ấm, có công dụng giúp ôn thận, tráng dương, cường tráng cân cốt, khử phong thấp, đặc biệt rất tốt cho xương khớp.
Trong sách “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” của cố giáo sư Đỗ Tất Lợi có ghi, trong rễ ba kích có chất anthraglucozit, rất ít tinh dầu, chất đường, nhựa và axit hữu cơ, rễ tươi có vitamin C.
Theo kinh nghiệm dân gian, ba kích có rễ to, mập, cùi dày, màu tía là loại tốt. Rễ sau khi đào lên rửa sạch đất, loại bỏ rễ con, phơi gần khô dùng chày gỗ đập nhẹ cho bẹp phần thịt (tránh giập nát) để lộ lõi nhỏ bên trong rút bỏ lõi, rồi phơi hoặc sấy tiếp cho thật khô sau đó cắt thành từng đoạn ngắn.
Sau đó dùng ba kích ngâm cùng rượu gạo hoặc rượu nếp, chừng hơn 30 ngày là có thể uống được, để càng lâu rượu càng đặc, càng ngọt. Trong Đông y, tùy bệnh trạng của mỗi người mà thầy thuốc sẽ kết hợp ba kích với các vị thuốc khác để ngâm rượu hoặc sắc uống.
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng hàm lượng chất anthraglycosid, sắt, kẽm, đồng cùng nhiều khoáng chất khác trong ba kích giúp nam giới bổ sung sinh lực, cải thiện chuyện phòng the, hỗ trợ điều trị các chứng bệnh xuất tinh sớm, rối loạn cương dương và giảm ham muốn ở nam giới.
Ngoài ra, thảo dược này còn có tác dụng kích thích tiêu hóa, giúp bạn ăn ngon miệng hơn. Với người già, người yếu ớt, trẻ nhỏ thì sử dụng ba kích giúp tăng cường sức đề kháng để chống chọi với bệnh tật. Cùng với việc giúp tăng cường chức năng xương khớp, giảm đau nhức xương khớp khi thời tiết thay đổi.
Tác hại với sức khoẻ của ba kích
Mặc dù ba kích rất tốt cho sức khỏe nhưng có một số đối tượng không nên sử dụng ba kích kẻo gây hại cho sức khỏe. Đó là những người mắc các bệnh về gan, phải kiêng rượu thì không nên uống rượu ba kích.
Hay như nam giới mắc chứng khó xuất tinh, nếu sử dụng ba kích sẽ gây rối loạn cương dương, tình trạng bệnh trầm trọng hơn.
Với nữ giới đang trong thời kỳ kinh nguyệt hoặc mắc chứng rong kinh, kinh nguyệt đến sớm cũng không nên sử dụng ba kích. Hoặc những người âm hư quá vượng, mắc chứng đại tiện táo bón thì tuyệt đối không nên dùng.
Để an toàn cho sức khỏe, tốt nhất nên tham khảo ý kiến chuyên gia Đông y trước khi sử dụng ba kích.
Lương y Nguyễn Thanh Thúy cũng khuyến cáo, liều dùng ba kích là ngày 8-16g dưới dạng thuốc sắc hay rượu thuốc. Phối hợp trong các phương thuốc bổ thận.
Có thể dùng kết hợp với một số vị thuốc khác sắc uống để chữa đau lưng, tiểu đêm, ù tai do thận hư yếu, chân tay yếu mỏi, hụt hơi…
An AnBạn đang xem bài viết Ba kích có tác dụng gì đối với sức khỏe, đối tượng nào không được dùng ba kích? tại chuyên mục Tư vấn chuyên gia của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].