Ăn thịt kho tàu, người đàn ông mắc nghẹn miếng thịt phải đi cấp cứu

Khi đang ăn cơm với món thịt kho tàu cùng người thân, ông N.V.H. (51 tuổi, ở Bình Phước) bất ngờ bị nghẹn rồi sặc ói, khó chịu ở vùng cổ họng, sau đó bệnh nhân đau ở ngực, khó thở rồi ngất lịm phải chuyển đến bệnh viện cấp cứu.

Bác sĩ Lê Xuân Đức, người trực tiếp điều trị cho ông H. cho hay nguyên nhân gây ra tình trạng đau ngực, khó thở ở bệnh nhân này là do một miếng thịt lợn có kích thước khá lớn bị mắc kẹt ở dưới thực quản của bệnh nhân.

Trước đó khi nghe người nhà bệnh nhân kể lại tình trạng bệnh, các bác sĩ đã nghi ngờ bệnh nhân bị hóc dị vật vào đường thở trong lúc ăn cơm. Ngay lập tức, bác sĩ đã tiến hành thực hiện các kỹ thuật cận lâm sàng thì phát hiện một phần thức ăn bị vướng tại 1/3 dưới thực quản của bệnh nhân. Các bác sĩ đã tiến hành nội soi để gặp dị vật ra khỏi thực quản của bệnh nhân.

Các bác sĩ tiến hành nội soi lấy dị vật đường thở cho bệnh nhân

Các bác sĩ tiến hành nội soi lấy dị vật đường thở cho bệnh nhân

Bác sĩ Đức chia sẻ thêm: “Đây là một trường hợp đặc biệt, bởi phần dị vật là khối thức ăn khá lớn đã bị vỡ nát nên gây khó khăn khi thực hiện thủ thuật này. Chúng tôi phải chia dị vật ra thành nhiều phần nhỏ, sau hơn 45 phút ê-kíp bác sĩ đã gắp hoàn toàn phần thức ăn ra khỏi thực quản cho người bệnh.

Dị vật mà chúng tôi lấy ra là một miếng thịt heo có đường kính khoảng 5cm đã bị vữa trong thực quản. Hiện sau khi gắp dị vật ra, bệnh nhân đã nuốt lại bình thường, cảm thấy hết tức ngực sau xương ức, hơi thở đều”.

Qua trường hợp của bệnh nhân, bác sĩ Đức khuyến cáo người dân khi ăn uống phải rất cẩn thận, không được ăn vội vàng, tránh sự căng thẳng trong bữa ăn. Khi mắc phải dị vật không được tự ý dùng các phương pháp dân gian mà phải đưa ngay đến các cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời, hạn chế những rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra.

Đặc biệt, với trẻ nhỏ - những đối tượng dễ bị mắc dị vật đường thở, các bác sĩ khuyến cáo, với các ca hóc dị vật, nếu biết cách xử trí, cách sơ cứu rất đơn giản có thể cứu sống được bệnh nhân. Còn nếu xử trí không đúng, bệnh nhân được chuyển tới viện có thể được cứu sống nhưng chịu di chứng suốt đời vì tổn thương não không phục hồi. 

Điều quan trọng nhất sau khi hóc dị vật, đó là nhanh chóng đánh giá tình trạng của bệnh nhân. Nếu bệnh nhân tỉnh táo, có ho được thì hãy khuyến khích bệnh nhân ho rồi nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất.

Trường hợp bệnh nhân không ho được, ho không có hiệu quả, cần nhanh chóng làm liệu pháp vỗ lưng, ấn ngực. Với trẻ nhỏ, đặt bệnh nhân nằm dọc lên cánh tay, cho đầu bệnh nhân chúi xuống, nghiêng về 1 bên sau đó thực hiện vỗ lưng 5 lần, sau đó quan sát xem dị vật đã ra được chưa.

Nếu bệnh nhân không tỉnh hãy tiến hành đánh giá, mở thông đường thở, nghe bệnh có thở hay không. Nếu không thở cần hà hơi, thổi ngạt theo nguyên tắc hà hơi 5 lần, 15 lần ép tim.

L.Minh

Tin liên quan

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính