Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa ra quyết định xử phạt hành chính trên 780 triệu đồng với 3 doanh nghiệp sử dụng soda công nghiệp để làm nước mắm, tiêu thụ ra thị trường: Công ty TNHH CBTP Hòa Hiệp; Công ty TNHH thực phẩm Tấn Phát (tỉnh Vĩnh Long) và Công ty TNHH MTV Điều Hương (tỉnh An Giang).
Theo Bộ NN&PTNT, 3 doanh nghiệp này đã sử dụng soda công nghiệp (Na2CO3) làm phụ gia trong sản xuất nước mắm.
Việc 3 doanh nghiệp sử dụng hóa chất công nghiệp sản xuất nước mắm, tiêu thụ ra thị trường khiến người dân vô cùng bức xúc, bởi soda công nghiệp là phụ gia không được sử dụng trong làm nước mắm.
Trao đổi với Gia Đình Mới về tác hại của nước mắm chứa soda công nghiệp, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết: Soda (còn có tên gọi Soda Ash Light - Na2CO3) được dùng trong chế biến thực phẩm nói chung, nước mắm nói riêng nhưng phải dùng soda thực phẩm, chứ không được dùng soda công nghiệp.
Soda công nghiệp chứa rất nhiều tạp chất, nhất là các kim loại nặng hoặc các tạp chất khác. Nếu sử dụng lâu dài, các tồn dư của những kim loại nặng sẽ tích tụ lại trong cơ thể gây nên các bệnh mãn tính, ảnh hưởng lên gan, thận, thần kinh.
Chính vì thế người ta nghiêm cấm sử dụng soda công nghiệp trong lĩnh vực an toàn thực phẩm. Các doanh nghiệp sử dụng soda công nghiệp để sản xuất nước mắm là trái quy định.
Được biết, Na2CO3 được dùng trong ngành sản xuất công nghiệp để nấu thủy tinh, xà phòng, làm giấy, đồ gốm, phẩm nhuộm, dệt, keo dán gương, và điều chế nhiều muối khác của natri như borat, cromat...
Để phân biệt nước mắm sử dụng soda công nghiệp và soda thực phẩm bằng mùi vị rất khó, do vậy, người tiêu dùng không phát hiện ra được mà chỉ khi cơ quan chức năng xét nghiệm mới ra kết quả chính xác loại nước mắm nào sử dụng phụ gia trái phép.
V.LinhBạn đang xem bài viết Ăn nước mắm làm bằng hóa chất tẩy rửa ảnh hưởng thế nào tới sức khỏe? tại chuyên mục Xã hội của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].