Các bác sĩ khoa Điều trị bệnh ống tiêu hóa, BV Trung ương Quân đội 108 mới đây có tiếp nhận trường hợp bệnh nhân nữ (92 tuổi) tiền sử tăng huyết áp, nhập viện vì đau rát ngực, khó nuốt, khó thở nhiều ngày. Qua khai thác bệnh sử phát hiện bệnh nhân có ăn nhiều hồng xiêm thời gian dài trước đó.
Được biết, trước đó, sau khi phát hiện nuốt nghẹn, khó nuốt, cảm giác vướng trong cổ họng, ăn vào thường nôn ra ngay, bệnh nhân đã đi khám tại một số cơ sở y tế và phát hiện khối dị vật thức ăn lớn ở dạ dày. Khối dị vật thức ăn cứng, tồn tại lâu gây loét niêm mạc xung quanh đã được lấy qua nội soi 1 lần nhưng không thành công, chỉ lấy được một phần nhỏ dị vật, các triệu chứng có giảm.
Gần đây, bệnh nhân thấy các triệu chứng nặng xuất hiện trở lại, kèm theo đau ngực sau xương ức và cảm giác khó thở nhiều, không ăn uống được, nuốt nghẹn hoàn toàn, người gầy sút nhanh.
Bệnh nhân đến BV Trung ương Quân đội 108 và được đánh giá lại qua nội soi, chẩn đoán hình ảnh thấy có khối dị vật thức ăn lớn ở thực quản 1/3 trên, khối gây bít tắc và gây loét thực quản.
Thông qua hội chẩn ban đầu, các y bác sĩ xem xét chỉ định phẫu thuật vì khả năng lấy khối dị vật lớn qua nội soi rất khó khăn. Tuy nhiên, bệnh nhân tuổi đã cao, phẫu thuật nhiều rủi ro nên đội ngũ thầy thuốc đã trao đổi với gia đình bệnh nhân, quyết định tiến hành lấy dị vật qua nội soi.
Ca lấy dị vật tiến hành trong hơn 2 giờ đồng hồ, do khối bã thức ăn rắn và lớn nên không thể dùng các dụng cụ thông thường có sẵn trên thị trường. Kíp kỹ thuật đã tiến hành dùng thòng lọng tự tạo cắt nhỏ khối dị vật sau đó gắp dần ra ngoài. Nhờ sự nỗ lực, tỉ mỉ của kíp kỹ thuật đã lấy thành công dị vật, bảo toàn, không làm tổn thương thêm thực quản. Bệnh nhân hồi phục sức khỏe nhanh, ăn uống trở lại bình thường và xuất viện 3 ngày sau đó.
Qua trường hợp này, các bác sĩ khuyến cáo người dân, cần thận trọng trong ăn uống để tránh xảy ra những điều đáng tiếc, hiểm họa có thể xảy ra ở những điều bình thường nhất.
5 đối tượng không nên ăn hồng xiêm
- Người có vấn đề về tiêu hóa kém: Quả hồng xiêm giàu chất xơ nên nếu ăn nhiều sẽ gây ra các vấn đề về tiêu hóa. Đặc biệt với những người bụng yếu, lượng chất xơ tăng lên sẽ tạo thành lớp màng ngăn chặn quá trình tiêu hóa thức ăn trong dạ dày, từ đó gây ra các tình trạng khó chịu như đầy hơi, khó tiêu, táo bón....
- Người có cơ địa dễ bị dị ứng: Với những người có cơ địa dị ứng, ăn nhiều hồng xiêm có thể khởi phát sự dị ứng trong cơ thể. Trong hồng xiêm có chất tannin, đây là một chất làm se và có thể gây ra cảm giác ngứa ngáy, khó chịu trong miệng, ngứa cổ họng và phát ban ngay sau khi ăn.
- Người bị đau dạ dày: Với những người có vấn đề về dạ dày, nếu thường xuyên ăn hồng xiêm khi đói sẽ ảnh hưởng đến dạ dày, thậm chí gây loét.
- Người đang dùng thuốc trị bệnh: Thành phần tannin trong quả hồng xiêm có thể làm giảm tác dụng của một số loại thuốc. Do đó, những người đang dùng thuốc điều trị bệnh tốt nhất nên ăn hồng xiêm cách thời gian dùng thuốc tối thiểu 2 giờ, để đảm bảo không ảnh hưởng đến tác dụng của thuốc.
- Người bị đái tháo đường: Do lượng đường trong quả hồng hồng xiêm rất cao nên chúng không tốt cho người bị tiểu đường. Nếu ăn nhiều hồng xiêm có khả năng sẽ bị tăng đường huyết.
An AnBạn đang xem bài viết Ăn nhiều hồng xiêm, cụ bà bị khối bã thức ăn lớn gây bít tắc, loét thực quản, 5 đối tượng không nên ăn hồng xiêm dù thèm đến mấy tại chuyên mục Tin y tế của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].