Xúc phạm, đánh học sinh bị phạt tiền: 'Nhân phẩm và tiền là 2 thứ không ngang giá'

Chuyên gia tâm lý cho rằng, việc xử phạt giáo viên bằng tiền khi quát mắng học sinh sẽ biến học sinh thành những người mang nhân phẩm bị 'tiền hóa'.

Xem thêm

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) mới đưa ra dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục để lấy ý kiến.

Trong đó, dự thảo có quy định về người có hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự người học có thể bị phạt 10 - 30 triệu đồng, phải xin lỗi công khai và đình chỉ dạy từ 1 – 6 tháng đang gây nhiều tranh cãi.

Trong dự thảo có quy định, người có hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự người học có thể bị phạt 10 - 30 triệu đồng. Ảnh minh họa

Trao đổi với Gia Đình Mới về quy định xử phạt trong dự thảo, chuyên gia tâm lý Trần Thị Mạnh Linh (Công ty THNH Mạnh Linh School Psychology) cho rằng: “Mức phạt đưa ra để xử phạt người dạy như vậy là không hợp lý và làm như vậy sẽ dạy học sinh thành những nhân cách trẻ bị tiền hóa”.

Giải thích rõ hơn về quan điểm của mình, vị chuyên gia này lý giải: “Nhân phẩm và tiền là 2 thứ không ngang giá nên không thể cân đo đong đếm nhân phẩm bằng tiền.

Nếu quy đổi nhân phẩm ra tiền thì nhân phẩm sẽ bị tiền hóa. Chính vì tiền hóa nhân phẩm nên đã sinh ra tham ô, hối lộ, nhũng nhiễu tại các cơ quan từ nhỏ đến lớn.

Và nếu mọi thứ đều được quy đổi thành tiền sẽ dẫn đến tư tưởng, đi đâu, làm gì mà có đồng tiền đi trước (dù là hình thức nào) thì sẽ thuận lợi hơn nhiều. Đừng dạy học sinh thành những người bị tiền hóa như thế!”.

Khi có trường hợp giáo viên xúc phạm nhân phẩm học sinh, vị chuyên gia này cho rằng, cần phải đặt câu hỏi để tìm được lý do là gì?

Trong trường hợp nóng giận mất khôn, động cơ của giáo viên là muốn tốt cho trò nhưng cách diễn đạt không hợp ý trò sẽ dẫn đến học trò chống đối.

Khi mâu thuẫn đẩy lên cao độ thì xảy ra việc thầy xúc phạm trò. Việc xúc phạm là không nên nhưng động cơ đó là thiện chí.

Nếu xử phạt người dạy mà không xử phạt học sinh thì sẽ chẳng ai dám làm giáo viên. Trong khi đó học sinh có rất nhiều kiểu đa dạng như: học sinh hiểu luật, học sinh cố tình làm sai luật, học sinh có nhân cách tốt được rèn rũa trong gia đình yêu thương, nhưng cũng có những học sinh mang nhân cách chống đối, nổi loạn, làm liều nếu được nuôi dưỡng trong những kiểu gia đình hay mắng nhiếc con, bạo hành con, yếu tố hống hách đã tiềm ẩn…

Trong lớp học vẫn thường tồn tại những học sinh nổi loạn, cố tình làm sai quy định. Ảnh minh họa

Phạt tiền khi giáo viên khi xúc phạm nhân phẩm danh dự học sinh nhưng lại không làm rõ trong tình huống nào, như thế nào là “xúc phạm”, căn nguyên tình huống ở đâu... thì những học sinh hư, yếu kém về đạo đức sẽ ngày càng được đà vin vào “luật” để dành thế thượng phong.

Hơn nữa, "khi xét trên yếu tố toàn cảnh thì mọi người thử đặt câu hỏi xem bố mẹ ở nhà có thường tét con khi con làm sai lúc nhỏ, có mắng chửi mắng con khi con mắc sai lầm? Mắng chửi có thường xuyên không? Mức độ mắng chửi trong nhiều gia đình mà tôi được lắng nghe trong hơn 10 năm hành nghề cũng không hề nhẹ.

Đa phần là có, đôi khi là có thường xuyên, có ở mức độ nặng nhưng họ không kiện tụng chính họ, còn giáo viên chỉ cần có lời nói, hành vi mà học sinh, phụ huynh cho là không đúng sẽ bị kiện tụng, xử phạt, đình chỉ dạy, như vậy liệu có hợp lý? Có giải quyết đúng tận gốc của vấn đề hay xử phạt chỉ mang tính chất “hớt váng” - chuyên gia tâm lý Mạnh Linh chia sẻ.

Bên cạnh đó, mọi người cần hiểu rõ công việc của giáo viên là giảng dạy, nghĩa là phải giao tiếp. Mà đã là giao tiếp thì phải có va chạm, có hướng phù hợp hoặc không phù hợp đó là lẽ thường tình.

Một bàn tay cũng có mặt úp mặt ngửa, một con người cũng có mặt tốt và mặt xấu. Vì vậy, việc giao tiếp có và chạm có thể diễn ra theo 2 hướng dương tính hoặc âm tính là lẽ tự nhiên có thể xảy ra.

Nếu động một chút là phạt tiền sẽ làm giáo viên lo lắng, sợ mắc lỗi, không còn để tâm vào việc giảng dạy. Khi sợ va chạm với học sinh thì sẽ không có giao tiếp, không có hoạt động học tập hoặc hoạt động học tập diễn ra không hiệu quả.

Theo chuyên gia tâm lý Mạnh Linh, là giáo viên, ai cũng mong học trò của mình tiến bộ. Tuy nhiên, không phải ai cũng có đủ kĩ năng để xử lý mâu thuẫn, giữ được bình tĩnh để xử lý sự việc, xử lý tình huống sư phạm.

Khi mâu thuẫn xảy ra, giải quyết bằng yêu thương vẫn tốt hơn nhiều so với phạt tiền. Yêu thương cả thầy cô và học sinh, họ đều có lý do của họ, họ có khó khăn của họ, đôi khi còn là bế tắc.

Khi mẫu thuẫn chẳng may xảy ra, nên giải quyết bằng yêu thương thay vì phạt tiền. Ảnh minh họa

Vậy nên, điều quan trọng là trước hành vi sai lầm của giáo viên thì nên tìm nguyên nhân, trang bị thêm các kĩ năng cho giáo viên thay vì phạt tiền.

Số tiền đó nên dùng để yêu cầu hoặc mong muốn họ đi học các khóa kĩ năng ngắn hạn. Mỗi giáo viên cần có kiến thức về lĩnh vực tâm lý học đường ở mức độ nhất định, có thể hiểu như mỗi họ là một nhân viên tâm lý học đường sơ cấp. Nếu giáo viên có được kiến thức và kĩ năng tâm lý học đường thì tự khắc sẽ giảm hiện tượng mâu thuẫn. Khi đó, việc dùng tiền phạt là không có nhiều ý nghĩa.

Ngoài ra, chính các bậc phụ huynh cũng cần được tập huấn các lớp nuôi dạy con cái để dạy dỗ con đúng cách, bỏ thói quen bênh vực con một cách vô lối trước sự nghiêm khắc của thầy cô.

Con cái là tài sản vô giá nhưng không nên nuôi dạy con theo bản năng và kinh nghiệm. Hầu hết xã hội ta đi học để phục vụ mục tiêu kiếm tiền nhưng mấy ai học các khóa đào tạo cơ bản để nuôi con dạy con trước khi sinh. Đó là bất cập mang tính chất chung của xã hội mà chúng ta cần phải thay đổi.

Con cái là sản phẩm chung của cả gia đình, nhà trường và xã hội. Vì vậy cả gia đình, nhà trường và xã hội đều mong muốn con phát triển tốt, không ai muốn làm con tổn thương.

Tổn thương có thể xảy ra trong quá trình nhưng nhiều phần nó không xuất phát từ lương tâm của họ, chỉ là do họ thiếu kĩ năng xử lí tình huống, thiếu kĩ năng kiểm soát cảm xúc – hành vi mà gây nên.

Vậy dùng tiền phạt chỉ là cho họ trở nên ngây dại chìm trong cảm xúc oan ức, tức giận và thổi bùng cơn phẫn nộ đang nằm trong họ chứ nó không phải là cách tốt.

Linh Nhi/giadinhmoi.vn

Tin liên quan