Tết là dịp để sum vầy, đoàn viên cùng gia đình, bạn bè nên không thể tránh khỏi tiệc tùng, cỗ bàn. Nhưng, ăn uống thế nào để vui vẻ mà vẫn đảm bảo sức khỏe trong dịp Tết không phải ai cũng biết.
PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, Nguyên Phó Viện trưởng Viện dinh dưỡng Quốc Gia cho hay, trong những ngày Tết thì hầu hết các món ăn đều giàu đạm và năng lượng, dẫn đến nhiều người mắc phải sai lầm trong ăn uống dịp Tết gây hại cho sức khỏe mà không biết.
Có một sai lầm mà nhiều người Việt hay mắc phải là chuẩn bị bữa ăn ngày Tết thường dư thừa đạm nhưng lại thiếu vitamin và khoáng chất.
Trên mâm cỗ Tết với các món ăn giàu đạm như giò, chả, thịt đông, nem, thịt gà xôi, bánh chưng… nhưng lại thiếu rau, củ, quả.
Ví như bánh chưng có gạo nếp, ba chỉ, đậu xanh… đều là nguyên liệu cung cấp năng lượng nhiều. Một chiếc bánh chưng có có từ 1.500 -1.600 calo. Nếu một người ăn ¼ bánh có khoảng 400 calo.
Trong khi đó, một bữa ăn chính theo tiêu chuẩn chỉ cần 600 - 700 calo là vừa đủ. Đa phần các món ăn trong ngày Tết đều rất dinh dưỡng: giàu chất đạm, chất béo, năng lượng nhưng lại thiếu hụt vitamin, khoáng chất, chất xơ.
Và nếu như trong những ngày Tết ăn uống thả ga, không có tiết chế thì nhiều người sẽ bị tăng cân sau đợt nghỉ Tết.
Truyền thống tiếp đãi khách đến nhà bằng các loại mứt Tết, bánh kẹo ngọt, đồ uống ngọt làm tăng lượng đường trong máu, ảnh hưởng sức khỏe, nhất là những người đang mắc các bệnh đái tháo đường, người thừa cân béo phì…
Truyền thống của người Việt vào những ngày lễ, Tết là thường hay uống rượu, bia để vui vẻ, gia tăng tình cảm.
Nhưng việc đến nhà ai cũng uống làm lượng rượu, bia uống vào thường nhiều hơn so với mức kiến nghị và sẽ ảnh hưởng tới sức khoẻ. Uống rượu bia cũng có thể gây tăng cân, ảnh hưởng đến dạ dày, gan, thận…
Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, nam giới không nên uống quá 2 đơn vị rượu/ lần và chỉ nên uống 5 lần/tuần. Một đơn vị rượu được tính bằng 10g cồn nguyên chất.
Trong những ngày Tết người Việt vẫn tập trung vào những món ăn truyền thống, khẩu phần ăn chủ yếu là thịt, ít rau, củ, quả nên có nguy cơ thiếu chất. Ví như thiếu vitamin C do ăn ít rau xanh, thiết chất xơ và một số vi chất như kẽm, canxi, vitamin D.
Để đảm bảo sức khỏe, dù là ngày Tết vẫn nên duy trì chế độ ăn cân đối có đủ 4 nhóm thực phẩm là nhóm bột đường (chủ yếu từ các loại ngũ cốc), nhóm chất đạm (thịt, cá, trứng, sữa, các loại đậu, đỗ...), nhóm chất béo (mỡ động vật, dầu thực vật), nhóm vitamin và khoáng chất (các loại rau, củ, quả...).
Bên cạnh chế độ ăn uống thì trong những ngày Tết cũng cần duy trì thói quen tập luyện thường xuyên, tập luyện ít nhất 30 – 60 phút/ngày giúp cơ thể khỏe mạnh trong kỳ nghĩ lễ dài.