Có một nơi chủ sở hữu những căn biệt thự thời Pháp thuộc là những người nông dân chất phác, mà gia đình tôi cũng từng là một hộ dân như thế.
Việt Nam những năm đầu thế kỷ 20 chứng kiến sự giao thoa văn hoá mạnh mẽ giữa văn hoá Pháp với văn hoá Việt trên rất nhiều lĩnh vực điển hình có kiến trúc.
Khi ấy người làng thôn Cựu, xã Vân Từ, huyện Phú Xuyên, Hà Nội lại có nghề may comple cho khách tây, nghề cho thu nhập khá tốt vì người mua đều là người giàu, rồi biết bao người làng phất lên thành ông chủ giàu có đến nỗi người tây nể phục.
Từ đây, một số đón người tây về sống, họ tư vấn nên xây biệt thự kiến trúc Pháp ở cho chắc chắn, thế là một rồi hai và hàng chục biệt thự mọc lên khắp làng như một phố nhỏ của Pháp nằm giữa cánh đồng thôn Cựu.
Theo thời gian, rêu phong mưa gió tạo thêm nét cổ kính cho các biệt thự làng quê truyền hết đời này qua đời nọ. Nhưng “không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời”, nghề may comple Từ Vân đi xuống dần, đặc biệt sau khi đất nước thống nhất, người tây xuất hiện ít ở Việt Nam, mà dân ta ngày đó đâu sính comple, đâu đó vẫn thích mặc áo the khăn xếp ở mọi nghi thức quan trọng.
Nhiều biệt thự đẹp, cổ kính bỗng chốc vô chủ khi chủ nhà bỏ đi nơi khác tha phương, họ cũng không thích nghe dị nghị từ dân các nơi khi sở hữu biệt thự Pháp trong không khí xã hội chủ nghĩa đang dâng cao.
Nhiều ngôi biệt thự khoá trái cửa hàng chục năm, bên trong nhà mạng nhện dầy như mê cung, một số công trình nhỏ xập xệ, vôi ve bong tróc như nhà hoang. Nhiều nông dân nghèo bí nhà ở bèn làm liều vào ở và dần dần nhà đó thành nhà của họ, mua qua bán lại cũng chẳng ai đòi, chẳng ai phàn nàn ý tứ gì.
Tôi còn nhớ như in căn nhà của bố mẹ tôi ngày đó thuộc hàng “vạm vỡ” nhất làng, mấy nhà liên thông nhau cái sân lát gạch chỉ, chúng tôi thường chơi nhiều trò chơi trên cái sân đó trong khoảng không gian làng quê “cách tân”.
Hơi thở của cuộc sống hiện đại tràn về, cuộc sống sôi động ngày nào ở làng biệt thự được sống lại, nhiều hộ dân khôi phục lại nghề cũ khi đất nước mở cửa rộng rãi hơn.
Nhiều ngôi biệt thự được sửa sang, mặc áo mới nhưng về cơ bản vẫn giữ được lối kiến trúc xưa, có nhiều ngôi nhà kiến trúc Gothic nhưng đã mất không còn nguyên vẹn, các biệt thự đa phần chỉ có một tầng, nhưng khá rộng, có sân, có vườn và đan xen một số lối kiến trúc người Việt như giếng nước, mái vút cong, điêu khắc một số linh vật trên mái….
Trở lại làng Cựu trong một ngày nắng ráo, tôi thấy nhịp sống người dân ở ngôi làng biệt thự này rất thanh bình và nhẹ nhàng, tuy giờ nhà tôi đã đóng cửa và đổi chủ nhưng những hình ảnh tuổi thơ đâu đó vẫn lảng vảng trong ký ức.
Độ tháng 5, làng Cựu với con đường làng đầy cây cổ thụ, ven hồ là hoa sen nở bát ngát, anh chàng thợ ảnh đang mải miết chụp ảnh thiếu nữ bên cánh hoa sen thơm mát của làng quê Việt.
Mùa đông lạnh, hoa sen đã tàn nhưng làng nghề như tấp nập hơn với các đơn hàng từ phương xa, các mẫu comple được bày khắp làng, đan xen các ngôi biệt thự đúng như một con phố tây.
Nghe bố kể, căn biệt thự của nhà tôi ngày trước từng là nơi hội họp của các vị lão niên trong làng, vì ông nội tôi là trưởng một họ lớn và là người có uy tín. Không biết lúc đó các cụ có biết đến từ biệt thự như bây giờ không hay nghĩ đơn giản đó là một ngôi nhà để ở, một lối kiến trúc mới làm thay da đổi thịt làng quê Việt Nam.
Một số ngôi biệt thự bị bỏ hoang, rêu phong mạng nhện khá nhiều, nhìn từ ngoài cửa vào chỉ thấy mấy con chuột hoang rúc rích vui chơi chốn không người. Thi thoảng làng vẫn đón các đoàn khách tây nhỏ lẻ, tham quan những ngôi biệt thự, qua đó cũng giúp một phần nhỏ thúc đẩy kinh tế cũng như hình ảnh của làng Cựu.
Nhiều gia đình có kinh tế nhưng không nỡ phá biệt thự cổ ngày xưa đi để xây nhà gác, vì họ cũng biết nếu phá đi là mất hẳn, mất đi một công trình kiến trúc, mất đi một phần gì đó của lịch sử.
Nhiều hộ liền kề nhau vẫn còn thông một lối nhỏ để đi sang nhà nhau cho tiện, dẫu sao cũng tắt lửa tối đèn có nhau bao nhiêu năm nay rồi, bít cái lối nhỏ đó đi dễ bị hiểu lầm là bít luôn tình cảm giữa hai gia đình.
Ngay đầu làng Cựu có treo các khẩu hiệu về xây dựng nông thôn mới nhưng khẩu hiệu nhanh chóng bị quên đi khi nhìn vào thực tế chưa có nhiều sự biến chuyển.
Nếu như tận dụng và phát huy được thế mạnh du lịch làng cổ thì làng Cựu sẽ có nhiều nét đổi mới, hay như hình thành khu trưng bày sản phẩm may mặc comple do những người nông dân làm ra. Nét quê nhẹ nhàng bình yên đôi khi nơi phố thị muốn mà không được:
"Cảnh quê thôn dã điền viên thưởng
Mơ bóng trăng lên trước hiên nhà"
Ông Tiến, một người hàng xóm cũ tâm sự hiện ở làng chỉ có hơn 100 hộ, với hơn 600 nhân khẩu, sinh sống bằng nghề nông nên không có tiền đầu tư chống lại sự xuống cấp của những ngôi nhà là niềm tự hào của người dân.
Hơn thế, 1/3 trong số gần 100 ngôi biệt thự cổ của làng hiện bị bỏ không, thỉnh thoảng mới có người đến quét dọn, nhưng cũng có nhà mấy hộ cùng sở hữu, bán đi bán lại nhiều lần, mạnh ai người ấy làm, cải tạo theo ý riêng khiến cảnh quan, không gian kiến trúc cổ ít nhiều bị biến dạng hoặc mất đi.
Những đồng lúa xanh mướt, những mái biệt thự cổ kính và những gian hàng bày bán đồ may mặc trong không gian làng quê đã hằn in trong tâm thức những người con sinh ra và lớn lên nơi đây, nếu có thể xin những ký ức này là mãi mãi để giữ nơi bình yên trong tâm hồn con người.
Nguyễn Duy Khánh
(Bài dự thi Nơi tôi sống)