Kem là món khoái khẩu của người người trong những ngày hè nắng nóng, tuy nhiên có những đối tượng không nên ăn kem dù thèm đến đâu.
Những đối tượng nào không nên ăn kem?
Kem lạnh là món ăn ngọt dạng đông lạnh được làm từ các sản phẩm từ sữa như sữa và thường được kết hợp với các loại trái cây và các hương vị khác như vani, chocolate….
Kem được làm ngọt bằng đường hoặc các chất ngọt có thể thay thế đường (sữa, mật ong…).
Hỗn hợp này được khuấy đều trong môi trường chân không (không có không khí) và có nhiệt độ thấp để tránh tạo thành những tinh thể băng. Kết quả là kem ở dạng mịn, xốp.
Kem là món ăn ưa thích của nhiều người vào mùa hè, đặc biệt là trẻ nhỏ. Tuy nhiên không phải ai cũng nên ăn kem. Theo các chuyên gia, những đối tượng dưới đây không nên ăn kem vì có thể gây hại cho sức khỏe.
1. Người muốn giảm cân
Kem có chứa một hàm lượng đường và chất béo cao, dễ làm bạn tăng cân. Ngoài ra, một số loại kem có chứa axit béo trans.
Nghiên cứu chỉ ra rằng, axit béo trans là một trong những nguyên nhân chính của bệnh béo phì. Tác dụng chính của nó là để tích lũy chất béo trên bụng. Do vậy, đối với những người muốn giảm cân thì không nên ăn kem.
2. Phụ nữ mang thai
Bà bầu không nên ăn kem do khi mang bầu, sự tiết dịch tiêu hóa và các enzyme tiêu hóa sẽ giảm, khiến chức năng đường tiêu hóa suy yếu.
Nếu bà bầu ăn kem lạnh quá nhiều, sẽ làm cho các mạch máu đường tiêu hóa co lạiđột ngột và dẫn đến những triệu chứng như đau bụng và tiêu chảy.
Bên cạnh đó, kem luôn chứa một lượng lớn đường, chất béo và phụ gia thực phẩm, có thể gây ảnh hưởng không tốt cho sự phát triển của thai nhi.
3. Trẻ em đang trong giai đoạn phát triển
Kem thuộc về thực phẩm có hàm lượng đường và chất béo cao, có thể dễ dàng làm trẻ béo. Ngoài ra, trẻ em dễ bị dị ứng hơn với phụ gia thực phẩm có trong kem.
Hơn nữa, ăn kem quá nhiều trước bữa ăn không chỉ có thể ảnh hưởng đến sự thèm ăn của trẻ mà còn có thể gây kích thích mạnh đến đường tiêu hóa, khiến trẻ đau bụng, khó chịu.
4. Bệnh nhân tiểu đường
Kem có chứa hàm lượng đường cao có thể làm đường huyết tăng nhanh ở bệnh nhân tiểu đường, làm trầm trọng thêm tình trạng của bệnh tiểu đường. Do vậy, các bác sĩ luôn khuyên người có dấu hiệu nên tránh xa món này.
Tuy nhiên trên thị trường hiện nay, có một số món kem được sản xuất dành cho người bị tiểu đường không có đường mà chứa một số chất tạo ngọt như sorbitol và maltitol. Với loại kem này người tiểu đường có thể ăn được.
Lưu ý của bác sĩ khi ăn kem mùa hè
Theo BS Đặng Văn Quế khuyến cáo trên báo Gia đình & xã hội, khi ăn kem vào mùa hè, bạn cần lưu ý những điều sau:
Nên
- Dùng thìa nhôm xúc kem, uống nước lạnh từ từ sẽ giảm bớt được độ lạnh. Thìa kim loại dẫn nhiệt tốt hơn thìa nhựa nên độ lạnh cũng bớt đi.
- Dùng đồ lạnh khoảng 10 độ C trở lên để tránh kích thích tạo cơn đau đầu. Hoặc làm giảm chênh lệch vòm miệng và đồ lạnh bằng cách để trước miệng hà hơi hít thở một lúc sẽ giảm bớt độ lạnh. Hoặc ngậm kem, nước trong miệng một lúc hãy nuốt xuống.
- Dạy trẻ khi thấy cảm giác bị đau đầu thì hãy ngừng ăn kem và đồ lạnh một lúc để vòm họng ấm lên hãy ăn, uống tiếp.
- Nếu xuất hiện cảm giác nhức buốt đầu, hãy xoa bóp, massage vào chỗ đau để triệu chứng sẽ giảm và dứt.
Không nên
- Ăn kem ngay khi vừa đi nắng về. Hãy vào chỗ mát để cơ thể giảm nhiệt rồi mới ăn. Nếu vừa đi nắng đã ăn kem ngay có thể khiến cơ thể bị lạnh đột ngột, gây viêm họng, cảm lạnh.
- Ăn kem vào sáng sớm, lúc dạ dày trống, sau bữa ăn và trước khi đi ngủ.
- Ăn kem thỏa thích, ăn nhiều một lúc vì có thể dung nạp quá nhiều đường; nhiệt độ lạnh gây đau bụng, rối loạn tiêu hóa.
- Ăn đồ nóng ngay sau khi vừa ăn kem vì dễ ảnh hưởng tới lưỡi, răng.