“Bất cứ thời điểm nào có cơ hội sử dụng ô tô điện, tôi sẽ chớp ngay lấy, không cần chờ đợi”, ông Trần Thế Trung - một chủ sở hữu xe VinFast VF e34 tại Hà Nội khẳng định trong câu chuyện đặc biệt của mình tại tọa đàm “Người dùng Việt đang sử dụng ô tô điện như thế nào” diễn ra ngày 15/11.
Từ cảnh tượng “hãi hùng” tại châu Phi…
Là người chia sẻ mở màn của tọa đàm, ông Trần Thế Trung (Công ty FPT Smart Cloud) kể, năm 2004, ông có dịp sang một đất nước tại châu Phi. Ông nhớ khoảnh khắc khi đứng ở ngoại ô phía Đông Thủ đô nước này, nhìn về phía mặt trời. Một cảnh tượng “hãi hùng” xuất hiện khi toàn bộ vùng trung tâm của Thủ đô phủ một quầng không khí ô nhiễm đặc quánh màu đen, trong khi ngay bên cạnh là khung cảnh trong lành, sạch sẽ của vùng ngoại ô.
Đi vào trung tâm Thủ đô, ông Trung vẫn nhớ cảm giác khó thở của mùi khói bụi nồng nặc và mùi khét từ các phương tiện giao thông trên đường, đa phần là những chiếc “xe máy bãi”. “Đây là một đất nước nghèo, nơi tiêu thụ nhiều phế thải công nghệ và người dân phải trả giá bằng sức khỏe của chính họ”, ông Trung nhớ lại.
Nhìn khung cảnh ấy, ông Trung lại nghĩ tới quê hương mình, dù phát triển hơn đất nước châu Phi nhưng thực tế vẫn còn nghèo và cũng là nơi tiêu thụ những sản phẩm công nghệ cũ của thế giới. Trong khi đó, nhìn sang các nước Bắc Âu, người dân đã dần chuyển sang các phương tiện sạch, bao gồm cả ô tô điện. “Tôi bắt đầu tìm hiểu về xe điện và thực sự, bất cứ thời điểm nào có cơ hội được sử dụng phương tiện xanh, tôi sẽ chớp ngay cơ hội, không cần chờ đợi”, ông Trung nói.
Đó cũng là lí do ngay khi VinFast ra mắt chiếc ô tô điện VF e34, ông Trung đã không ngần ngại trở thành một trong những người tiên phong chuyển đổi sang phương tiện xanh. Ông Trung cũng chia sẻ vui, hiện ông đang kiêm nhiệm “chức” Hội trưởng Hội những người sử dụng xe ô tô điện tại công ty.
Bày tỏ sự hài lòng với quyết định của mình, ông Trung cảnh báo, nỗi lo nóng lên toàn cầu tưởng chừng xa vời nhưng thực tế liên quan tới tồn vong của loài người. Chìa khóa trong cuộc chiến này theo ông chính là xe điện - phương tiện có lượng phát thải trong cả vòng đời thấp hơn đáng kể so với phương tiện chạy xăng, dầu cùng phân khúc.
Đồng tình, một khách mời khác tại toạ đàm là ông Chu Hữu Thọ, chuyên gia truyền thông lĩnh vực ô tô, thừa nhận, trong bối cảnh ô nhiễm ngày một nặng nề, hàng loạt quốc gia trên thế giới đã công bố lộ trình trung hòa các-bon và ngừng sản xuất xe dùng động cơ đốt trong. “Chuyển sang xe điện là xu hướng tất yếu”, ông Thọ khẳng định.
Tới cuộc cách mạng xanh tại Việt Nam
Nói riêng về những ưu điểm của xe điện từ chính trải nghiệm chiếc VinFast VF e34, ông Trần Thế Trung cho rằng, động cơ điện giúp những chiếc xe xanh có lực kéo và công suất lớn ngay từ vận tốc nhỏ. Điều này mang tới cảm giác lái hoàn toàn khác biệt so với xe sử dụng động cơ đốt trong.
Là người am hiểu về kĩ thuật, theo ông, xe điện còn có ưu điểm lớn với xe xăng nhờ khả năng thu hồi năng lượng khi người dùng sử dụng phanh để giảm tốc độ. Đặc biệt, chi phí vận hành của xe điện tiết kiệm hơn hẳn xe chạy xăng, dầu nhờ không cần thay các chi tiết như dầu máy, bugi…
Cụ thể về chi phí, theo tính toán của ông Trung, với mẫu xe VF e34 ông đang sử dụng hàng ngày, chi phí năng lượng cho xe mỗi tháng không quá 2 triệu đồng, tương đương với tiền xăng ông phải trả với chiếc ô tô chạy xăng cũ. Trong khi đó, chi phí bảo dưỡng xe điện so với xe xăng thấp hơn rất nhiều, thậm chí chỉ cần kiểm tra, hoàn toàn không cần thay thế các chi tiết, bộ phận nếu không hư hỏng. Ngoài ra, giá lăn bánh của xe điện hiện đang thấp hơn xe xăng cùng phân khúc hoặc cùng trang bị, tính năng.
Một vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm là hệ thống trạm sạc cho xe điện. Từ góc độ người dùng, ông Trung cảm nhận, hệ thống trạm sạc của VinFast hiện đã đáp ứng khá tốt nhu cầu người dùng khi có tại đa dạng các địa điểm, từ đường cao tốc tới trung tâm thương mại, siêu thị, chung cư…
Là người từng sở hữu VF e34 và nay là VF 8, ông Chu Hữu Thọ kể, ông đã đi tới một số tỉnh xa như Sơn La, hay nơi địa đầu cực Bắc Tổ Quốc là Hà Giang, và đều thấy sự xuất hiện của những trạm sạc xe điện. Đồng tình với hy vọng hệ thống trạm sạc sẽ được phủ rộng hơn nhưng ông Thọ cũng cho rằng, đa số thời gian sạc sẽ được người dùng thực hiện tại nhà qua đêm hoặc tại văn phòng trong giờ hành chính, và chủ yếu là sạc chậm. Điều này cũng đang diễn ra tương tự trên thế giới, khi tỉ lệ sạc tại nhà thường chiếm đa số.
Với những nỗ lực từ nhà sản xuất cùng sự ủng hộ cụ thể thông qua các chính sách từ Nhà nước, ông Chu Hữu Thọ cho rằng, chân kiềng thứ 3 là người tiêu dùng sẽ đóng vai trò quan trọng trong cuộc cách mạng xanh tại Việt Nam. “Cuộc cách mạng này diễn ra nhanh hay chậm sẽ phụ thuộc vào quyết định và sự sẵn sàng của người dùng”, ông nhận định.