Mồng tơi tuy bổ nhưng 4 người dưới đây tuyệt đối không nên ăn

Mồng tơi là loại rau ăn phổ biến được ưa chuộng trong những ngày hè. Tuy nhiên, không phải ai cũng ăn được loại rau này.

Xem thêm

Theo Đông y, mồng tơi có tính hàn, không độc, có tác dụng hoạt trung, tán nhiệt, lợi đại tiện. Không chỉ thanh nhiệt khi dùng làm thực phẩm, nếu bị bỏng nhẹ ngoài da cũng có thể dùng mùng tơi giã nát đắp vào vết bỏng làm mát da, giải độc, giúp mau lành vết bỏng.

Ngoài ra, việc dùng rau mồng tơi làm thực phẩm hàng ngày cũng giúp dưỡng da, trị rôm sảy, mụn nhọt hiệu quả, giải nhiệt trong mùa nắng nóng.

Có thể thấy, mồng tơi là loại rau rất bổ dưỡng và hữu dụng. Tuy nhiên, có một số người nên thận trọng khi ăn loại thực phẩm này để tránh mang họa vào người.

Những người không nên ăn rau mồng tơi

Người bị tiêu chảy, đại tiện lỏng

Dân gian thường dùng rau mùng tơi làm rau ăn cho mát, thêm tân dịch, khỏi khô háo và chống táo bón do mùng tơi có tính hàn lại nhuận tràng. Nhưng cũng tính vì đặc tính này mà người đang bị tiêu chảy, đại tiện lỏng không nên ăn. Nếu cố tình ăn phải, mùng tơi sẽ là nguyên nhân khiến cho bệnh càng thêm nặng.   

Người bị sỏi thận

Rau mồng tơi chứa nhiều purin, hợp chất hữu cơ khi đi vào cơ thể sẽ biến thành axít uric làm tăng nguy cơ phát triển của sỏi thận. Các axít oxalic trong rau mồng tơi làm tăng nồng độ canxi oxalate trong nước tiểu, dẫn đến sỏi thận ngày càng phát triển.

Do đó, người bị sỏi thận nên tránh ăn rau mồng tơi.

Người mới lấy cao răng

Rau mồng tơi dễ tạo ra mảng ố bám trên răng, do các axit oxalic trong rau mồng tơi không hòa tan trong nước.

Do đó, những người mới lấy cao răng nên kiêng rau mồng tơi 1- 2 tuần.

Người bị đau dạ dày

Rau mồng tơi có chứa hàm lượng cao chất xơ; một chén rau mồng tơi nấu chín có chứa 6g chất xơ. Mặc dù chất xơ rất cần thiết trong quá trình thúc đẩy tiêu hóa, tuy nhiên nếu ăn quá nhiều cùng một lúc có thể khiến dạ dày khó chịu.

Cũng chính vì đặc tính này của rau mồng tơi nên người Tỳ Vị hư hàn (lạnh bụng), ỉa chảy, đại tiện lỏng nên hạn chế sử dụng. Nếu cố tình sử dụng rau mồng tơi, tình trạng bệnh sẽ càng thêm nặng.

Lưu ý  khi sử dụng rau mồng tơi

- Rau mồng tơi an toàn thường có màu xanh hơi vàng chứ không xanh mướt, xanh đậm như các rau phun thuốc hóa học. Lá có phiến ngắn, dày, phát triển cân đối với phần thân. Thân rau giòn, rắn chắc không bóng mượt như các cây rau được phun thuốc kích thích tăng trưởng.

- Rau mồng tơi khi kết hợp với thịt bò sẽ mất đi tính nhuận tràng, tiêu hóa kém hơn. Những người bị táo bón nếu kết hợp hai thực phẩm này với nhau sẽ khiến bệnh thêm trầm trọng.

- Rau mồng tơi chế biến xong phải ăn hết, nếu thừa đổ đi chứ không để ăn lại vì rất dễ bị ngộ độc.

- Nên ăn cùng thực phẩm giàu vitamin C. Rau mồng tơi chứa hàm lượng cao axít oxalic, một loại chất hóa học liên kết với sắt và canxi khiến cơ thể khó hấp thụ các chất dinh dưỡng trên.

Để khắc phục vấn đề này, có thể ăn kèm các thực phẩm giàu vitamin C bằng cách kết hợp uống một ly nước cam hoặc cà chua. Vitamin C sẽ giúp cơ thể dễ dàng hấp thụ canxi và sắt.


Tin liên quan