Rwanda - đất nước nhỏ bé tại Đông Phi đang không ngừng đầu tư phát triển hạ tầng hàng không, trong đó phải kể tới sân bay quốc tế Bugesera quy mô 1,3 tỷ USD được xây dựng theo hình thức hợp tác công tư (PPP). Khi hạ tầng hàng không là bệ phóng nền kinh tế
Rwanda - quốc gia nhỏ bé nằm sâu trong “lục địa đen” – đã “đứng dậy” sau nạn diệt chủng năm 1994 khi xem tái thiết hạ tầng hàng không sẽ là mắt xích quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế, một cây cầu kết nối Rwanda với thế giới và ngược lại.
Nằm kín trong lục địa tại vùng hồ lớn Trung Đông Phi, trong chiến lược Tầm nhìn 2020 được chính phủ phê duyệt năm 2000, Rwanda xác định hàng không là phương tiện giao thương chính với các quốc gia, cầu nối quan trọng thúc đẩy du lịch, dịch vụ - những lĩnh vực được định hướng sẽ là mũi nhọn kinh tế của đất nước. Thành công từ câu chuyện ưu tiên phát triển hàng không, hạ tầng sân bay tiêu chuẩn…đã giúp kinh tế Rwanda thu hẹp khoảng cách với các nước.
Các sân bay của Rwanda trong những năm qua có lưu lượng khách ổn định và thường xuyên được chú trọng nâng cấp. Đây cũng là một sự thúc đẩy lớn đối với chiến lược phát triển du lịch MICE của đất nước châu Phi này. Tới 2016, Rwanda đã tự tin tổ chức Diễn đàn Kinh tế Thế giới và Hội nghị thượng đỉnh Liên minh Châu Phi cũng như các hội nghị, cuộc họp và triển lãm lớn khác, đón hàng triệu du khách đến với đất nước này.
Theo Viện Thống kê Quốc gia Rwanda, ngành dịch vụ năm 2016 đóng góp 48% tổng GDP, trong đó ngành hàng không đã đóng góp không nhỏ vào con số này. Rwanda cũng đã đón hơn 1.300.000 khách du lịch vào năm 2015 và kiếm về 318 triệu USD.
Đến nay, GDP Rwanda năm 2021 đã đạt 30 tỷ USD (trong khi con số này năm 1994 là 753 triệu USD) - tăng gấp gần 40 lần, một sự phát triển đáng tự hào. Sân bay quốc tế Kigali tại thủ đô Kigali – trung tâm của đất nước, dù đã được nâng cấp với tổng giá trị 50 triệu USD, nhưng hiện đã quá tải, đòi hỏi mở rộng, nâng cấp mới.
Đất nước nhỏ bé tại Đông Phi, chỉ vỏn vẹn 26.338 km2 đang không ngừng đầu tư phát triển hạ tầng. Trong đó phải kể tới sân bay quốc tế Bugesera quy mô 1,3 tỷ USD đang được xây dựng theo hình thức hợp tác công tư (PPP) dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 12 năm nay.
Nằm cách thủ đô Kigali 40km, sân bay quy mô lớn nhất Rwanda với công suất đón 7 triệu khách/năm trong giai đoạn 1 là câu trả lời cho sự tăng trưởng hành khách di chuyển hàng không đều đặn hàng năm trong khi tốc độ phát triển của nền kinh tế Rwanda dự kiến sẽ phát triển vượt xa khả năng đáp ứng của Sân bay Quốc tế Kigali hiện tại. Giai đoạn 2 của sân bay quốc tế Bugesera dự kiến hoàn thành năm 2032 nâng công suất lên 14 triệu khách mỗi năm.
Câu chuyện của Rwanda chứng minh một điều, hàng không chính là bệ phóng đưa du lịch tăng trưởng, nền kinh tế cất cánh. Đầu tư đúng cho lĩnh vực này, chính là “chìa khóa” giúp Rwanda rút ngắn khoảng cách chênh lệch với các nước.
Đưa khách du lịch đến các quốc đảo xa xôi
Ghi nhận sự phục hồi nhanh thứ 2 trên toàn cầu, lĩnh vực Du lịch & Lữ hành - ngành mũi nhọn và nền tảng của các quốc gia vùng Caribe đang chứng kiến tốc độ tăng trưởng trở lại sau đại dịch.
Báo cáo mới nhất của Hội đồng Du lịch & Lữ hành Thế giới (WTTC) cho biết, năm 2021 Du lịch & Lữ hành Caribe đóng góp vào GDP tăng 36,6%, đạt hơn 39 tỷ USD (đóng góp 9,1% GDP khu vực). Con số này còn khiêm tốn so với năm 2019, khi mà ngành này chưa bị ảnh hưởng bởi đại dịch, mang về 61,5 tỷ USD, đóng góp 13,9% GDP khu vực.
Tuy nhiên, WTTC kỳ vọng rằng đóng góp của Du lịch và Lữ hành Caribe vào GDP của khu vực có thể đạt hơn 100 tỷ USD vào năm 2032, đồng thời ngành mũi nhọn này có thể tạo ra 1,34 triệu làm việc mới trong một thập kỷ nữa.
“Để đạt được sự phục hồi bền vững và dài hạn, các chính phủ Caribe cần tiếp tục tập trung vào kết nối hàng không khu vực, đầu tư cơ sở hạ tầng”, bà Julia Simpson, Chủ tịch & Giám đốc điều hành WTTC khuyến cáo.
Khuyến cáo này được đưa ra khi ngành hàng không thể hiện được tính ưu việt trong kết nối vùng, mang tới nguồn lợi lớn về kinh tế và du lịch. Kết nối hàng không chính là yếu tố quan trọng đối với tăng trưởng và phát triển kinh tế cho các quốc đảo nhỏ của vùng Caribe – một nghiên cứu đăng tải trên trang Aviation: Benefits Beyond Borders của tổ chức toàn cầu Air Transport Action Group (ATAG) khẳng định.
Sự phát triển của hàng không đã kích thích du lịch phát triển, đồng thời hỗ trợ nhiều ngành nghề kinh doanh khác nhau.
Đặc biệt tại các hòn đảo xa xôi, một số chính phủ Caribe đã thực hiện các bước để tăng cường kết nối và vận chuyển hàng không vào các vùng lãnh thổ tương ứng của họ. Island Hopper - tuyến hàng không kết nối Guam và Honolulu, Hawaii là một ví dụ.
Đối với cư dân của Micronesia, Island Hopper là một cứu cánh, bởi nó đi qua một số hòn đảo nhỏ ở Liên bang Micronesia và Quần đảo Marshall. 4 lần một tuần, những chuyến bay chở hành khách là người thân, doanh nhân, du khách cũng như hàng hóa, thư từ, thực phẩm, vật tư y tế, đã mang lại nguồn thu ngoại tệ từ du lịch tới các đảo xa nhanh, thường xuyên và đáng tin cậy hơn so với tàu tiếp tế.
Một phần lớn nền kinh tế của các hòn đảo đã phụ thuộc vào Island Hopper trong 50 năm qua, đặc biệt là ngành du lịch. Chuuk Lagoon là một trong những địa điểm lặn biển tốt nhất thế giới, nhưng nếu không có chuyến bay thường xuyên thì du lịch ở Chuuk là con số 0.
Nhận diện lực đẩy mạnh mẽ của hàng không với nền kinh tế, nhiều quốc gia trên thế giới đã tranh thủ được sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân để xây dựng sân bay, kích cầu cho du lịch tăng tốc.
Các quốc gia nhỏ bé tại châu Phi - Rwanda hay các quốc đảo vùng Caribe cũng đã và đang chứng minh được điều này, khi hàng không phát triển, du lịch và giao thương thêm lực đẩy để bứt phá.