Vàng là tài sản đầu tư ít rủi ro, tuy nhiên, giá vàng biến động lên xuống do nhiều yếu tố tác động mà các nhà đầu tư cần cân nhắc để đưa ra quyết định đúng.
So sánh với giá vàng đầu tuần, các nhà phân tích nhận định lực cầu đối với vàng đã tăng nhẹ, tuy nhiên kì vọng về việc giá vàng phục hồi có thể vẫn còn sớm.
Thực tế, giá vàng trong nước ngày 11/9 giảm nhẹ ở tất cả các thương hiệu. Cụ thể:
Thời điểm 9 giờ sáng nay, giá vàng SJC tại Hà Nội được Công ty CP SJC Hà Nội niêm yết giao dịch ở mức 36,52 – 36,71 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), đi ngang ở cả chiều mua vào, chiều bán ra so với chốt phiên trước đó.
Giá vàng SJC tại Bảo Tín Minh Châu niêm yết giao dịch tại 36,58– 36,66 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), giảm 10.000 đồng/lượng ở cả chiều mua vào, chiều bán ra so với chốt phiên trước đó.
Giá vàng trong nước được DOJI niêm yết giao dịch tại 36,58 – 36,68 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), giảm 10.000 đồng/lượng ở chiều mua vào, bán ra so với giá chốt phiên giao dịch trước đó.
Giao dịch mua bán vàng trên thị trường trong nước vẫn khá trầm lắng, dù rằng việc mua vào đang tăng tại thị trường châu Á, đặc biệt là Ấn Độ, Trung Quốc.
Những yếu tố nào sẽ tác động tới giá vàng trong ngắn hạn?
giá vàng trong nước tháng 9 nhìn chung vẫn chịu tác động của quy luật cung cầu, tuy nhiên theo các nhà phân tích vẫn có những điểm cần lưu ý trong ngắn hạn.
Đồng USD tăng giá: Giá vàng đã giảm xuống dưới 1.200USD/oz vào giữa tháng 8, chạm mức thấp nhất 18 tháng vào ngày 18/8. Đây là lúc nhà đầu tư nhận thấy xu hướng tăng giá tại thị trường chứng khoán Mỹ và triển vọng đồng Đôla mạnh.
Giá vàng thế giới ngày 11/9 ở dưới mức 1,200USD/oz, mức giảm 8,2% trong năm và giảm 0,98% trong tháng trước.
Giá vàng luôn có xu hướng điều chỉnh ngược chiều với đồng USD. Do vậy, trong tình huống nền kinh tế Mỹ khởi sắc, tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất trong nhiều thập kỷ, lãi suất có khả năng tăng... nhiều triển vọng giá vàng sẽ khó tăng trong ngắn hạn.
Những yếu tố địa chính trị: Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, biến động hậu Brexit... được coi là những yếu tố địa chính trị có thể ảnh hưởng đến giá vàng trong ngắn hạn. Thông thường, khi có căng thẳng địa chính trị, giá vàng sẽ được đẩy lên cao, do vàng là kênh đầu tư ổn định và an toàn hơn so với chứng khoán, USD hay bất động sản.
Nhu cầu chế tác trang sức: Vàng không chỉ là một kênh đầu tư mà còn phục vụ mục đích chế tác trang sức. Vì vậy, khi nhu cầu mua sắm trang sức dịp cuối năm tăng cao, giá vàng trên thế giới cũng có thể tăng nhẹ. Dịp cuối năm thường là thời điểm nhu cầu vàng trang sức ở các thị trường Châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ tăng cao nhất hàng năm.