Lâu lâu uống một cốc trà sữa thì không sao, nhưng nếu uống trà sữa mỗi ngày, nhất là với trẻ nhỏ thì sẽ không tốt. Vậy điều gì xảy ra với sức khỏe khi trẻ thường xuyên uống trà sữa?
Theo bác sĩ Đào Thị Cẩm Thùy, khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, trà sữa là thức uống yêu thích của mọi lứa tuổi. Nếu giản đơn trà sữa chỉ dừng lại như một thức uống giải khát, lâu lâu uống một lần thì không sao.
Nhưng nếu uống trà sữa thường xuyên, ví như uống sau mỗi bữa ăn trưa, sau mỗi chiều làm việc, uống sau mỗi buổi tan trường… thì lúc đó trà sữa không còn là chuyện đơn giản nữa, nó sẽ gây hại cho cơ thể, nhất là trẻ nhỏ.
Phân tích kỹ hơn về những tác hại của trà sữa đối với sức khỏe, bác sĩ Cẩm Thùy chỉ rõ, nguyên liệu để làm một ly trà sữa gồm cốt trà, bột kem sữa, đường cát, thêm trân châu, bánh pudding, thạch …
Với một cốc trà sữa thông thường trên thị trường có dung tích trung bình 400ml (bao gồm 200ml cốt trà, 50 gam bột kem sữa, 40 gam đường, 200 gam đá xay), có thành phần dinh dưỡng chung như sau:
Đối với trẻ nhỏ, nếu uống trà sữa thường xuyên, năng lượng lớn trong ly trà sữa sẽ gây ra một số vấn đề về sức khỏe như:
Thừa cân béo phì tăng nặng: Trẻ thừa cân sau khi uống 1 cốc trà sữa, muốn tiêu hao 400 kcal thì trẻ cần đi bộ nhanh (8 km/giờ, tức là đi nhanh gấp 2 lần so với đi bộ thông thường) liên tục trong 60 phút.
Nhưng thực tế hầu hết các trẻ thừa cân béo phì không làm được điều này. Chính vì vậy mà nếu hàng ngày nạp vào cơ thể từ 400 – 800kcal (1 đến 2 cốc trà sữa) sẽ làm gia tăng nguy cơ thừa cân béo phì rất nhanh ở trẻ vì trẻ chưa có ý thức rõ về việc vận động rèn luyện cơ thể.
Suy dinh dưỡng: Năng lượng trong trà sữa tuy nhiều (400 kcal), nhưng lại là “năng lượng rỗng”, nghĩa là 1 ly trà sữa chỉ cung cấp năng lượng thuần túy chứ không đảm bảo thành phần dinh dưỡng cân đối đủ 4 nhóm thực phẩm (đạm – đường – béo – xơ).
Thành phần sữa trong 1 ly trà sữa trân châu so với sữa bò lại thiếu hụt về canxi, các nhóm vitamin B, vitamin A.
Thêm nữa, trà sữa còn chứa lượng đường lớn không tốt cho sức khỏe. Loại năng lượng rỗng này sẽ làm trẻ biếng ăn, thậm chí bỏ ăn vì “ngang miệng” trước bữa ăn chính và hẳn nhiên làm tình trạng suy dinh dưỡng nặng hơn lên.
Ngộ độc thực phẩm: Nguyên liệu làm trà sữa từ nhiều nguồn khác nhau, có thể tự làm bằng tinh trà và sữa, hạt trân châu làm trân châu từ bột năng, bột lọc, rau câu từ rong biển. Nhưng phổ biến hiện nay là hầu hết nguyên liệu làm trà sữa được mua ở chợ, tiệm tạp hóa nhưng nguồn gốc và xuất xứ thì không in trên bao bì (không rõ nguồn gốc). Những nguyên liệu làm sẵn, không rõ nguồn gốc này thường có chứa những chất phụ gia công nghiệp, hóa chất nên sẽ không tốt cho sức khỏe, thậm chí có thể gây ngộ độc thực phẩm.
Hơn nữa, một số quán bán trà sữa lại không đảm bảo sạch sẽ, nguyên liệu được đựng trong hộp không có nắp đậy, bảo quản không đúng cách… Nếu chẳng may uống những cốc trà sữa không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm như vậy thì tình trạng đau bụng, tiêu chảy do ngộ độc thực phẩm rất dễ xảy ra.
Nguy cơ hóc dị vật đường thở: Trong trà sữa thường có các hạt trân châu, hạt thạch, đi kèm với ống hút (đường kính lớn). Dưới áp lực hút mạnh, những hạt trân châu với đường kính khá lớn có thể chui tọt vào và mắc lại ở hầu họng, khí quản của trẻ gây ra tình trạng dị vật đường thở. Nếu không cấp cứu kịp thời, trẻ có thể tử vong vì suy hô hấp. Vì vậy, khi trẻ sử dụng trà sữa trân châu cần có sự giám sát của người lớn cũng như chọn loại trân châu hạt nhỏ, nếu hạt to thì nên cắt nhỏ rồi hãy cho bé uống.
Qua những khía cạnh đã phân tích trên có thể thấy trà sữa không phải là thực phẩm xấu, nhưng trà sữa sẽ trở thành kẻ phá hoại sức khỏe nếu chúng ta không học cách lựa chọn và cách uống trà sữa một cách khoa học.