Ngày 8/3, nhiều bác sĩ chia sẻ suy nghĩ của mình về một nửa thế giới.
Bác sĩ Trần Quốc Khánh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức
Điều gì làm nên sự “khác biệt” của người phụ nữ?
Các Anh ạ, điều gì đến thì cuối cùng cũng phải đối mặt thôi. 8/3 đến rồi, người tặng Hoa, người tặng quà, người cafe… "Cây nhà lá vườn", bác sĩ chẳng có gì nhiều nên đành xin gửi tặng Chị Em bài viết:
“20 ĐIỀU LÀM NÊN SỰ VĨ ĐẠI CỦA NGƯỜI PHỤ NỮ THEO Y HỌC”
Bác sĩ Khánh trân trọng gửi đến Chị Em…
1. Người phụ nữ chứa tế bào lớn nhất của cơ thể con người, đó là tế bào trứng. Lúc mới sinh, mỗi buồng trứng chứa đến hàng trăm ngàn cái trứng, một số lớn bị thoái hóa trước tuổi dậy thì. Suốt cuộc đời người phụ nữ thường chỉ có 400 trứng rụng và nếu tất cả đều được thụ tinh thành công, thì người phụ nữ sẽ có tối đa khoảng… 400 người con. Đàn ông ngược lại: chứa tế bào… bé nhất cơ thể, đó là tinh trùng.
2. Trong cuộc đời mình, đàn ông sẽ mãi mãi bị buộc tội vì không chịu lắng nghe phụ nữ. Ngày nay, các nhà khoa học đã… minh oan cho chúng ta. Theo một cuộc khảo sát của chính phủ Mỹ, nam giới thực sự nghe kém hơn phụ nữ.
Các nhà khoa học cũng phát hiện ra rằng những người da đen có thính lực khá hơn những người da trắng & da vàng.
3. Một nghiên cứu gần đây ở nước Anh phát hiện phụ nữ có ngón tay áp út dài hơn ngón trỏ (thường là đặc điểm của nam) thì giỏi các môn thể thao như chạy, quần vợt, bóng đá... hơn những phụ nữ khác. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu của Úc, họ cũng có nguy cơ cao bị hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS - Polycystic ovary syndrome) - một nguyên nhân phổ biến dẫn đến vô sinh. Các nhà khoa học cho rằng những đặc điểm này đều xuất phát từ việc họ có quá nhiều hormone nam giới trong người.
4. Theo nghiên cứu của trường đại học California, bang Berkeley, mồ hôi nam giới có thể là một chất kích thích đối với phụ nữ, vì chúng có chứa chất Androstenedione, một chất thường được cho vào nước hoa - nước thơm như một chất kích thích giới tính. Ngoài ra mồ hôi nam còn giúp cải thiện tâm trạng và thậm chí tác động đến sự rụng trứng của giới nữ.
Những nghiên cứu nói trên của trường California là nghiên cứu đầu tiên cho thấy lượng tiết hormone nữ giới, sự kích thích giới tính và tậm trạng của phụ nữ chịu sự chi phối của chất Androstenedione trong mồ hôi nam giới.
5. Tỷ lệ phụ nữ dưới 40 tuổi mắc ung thư da tế bào đáy đã tăng gấp 3 lần trong 30 năm qua, và tỷ lệ mắc ung thư da tế bào sừng đã tăng gấp 4 lần => Dự phòng: Tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời từ 10h sáng -> 4h chiều, tránh đèn cực tím và máy giúp làm da rám nắng, thoa kem chống nắng 2h/1 lần khi phơi nắng, mặc áo dài tay - đeo kính râm và đội nón khi ra nắng, thoa kem chống nắng có chỉ số SPF-Sun Protection Factor 30 hoặc cao hơn, kem chống nắng có kháng sinh phổ rộng (Broad-spectrum). Những loại kem này sẽ bảo vệ da chống lại tia tử ngoại UVA lẫn UVB.
6. Trong nhiều nền văn hoá, đôi môi đầy đặn và đỏ hồng được xem là rất gợi cảm. Các nhà khoa học cũng đã chứng minh, những phụ nữ có đôi môi như vậy có khả năng… sinh đẻ, duy trì nòi giống tốt hơn.
7. Gần 1/3 số phụ nữ và trẻ em trên thế giới bị thiếu iốt - nguyên nhân phổ biến gây bệnh bướu giáp. Đây cũng là nguyên nhân hàng đầu gây chậm phát triển trí tuệ.
8. Người châu Á & châu Mỹ thường có ráy tai màu xám, giòn và khô (ngược lại với người châu Âu và châu Phi). Phụ nữ có ráy tai ướt dường như có nguy cơ cao hơn bị ung thư vú. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Nhật Bản, phụ nữ Nhật có ráy tai ướt giống châu Âu có tỷ lệ bị ung thư vú cao hơn những người có ráy tai khô kiểu chấu Á.
9. Miệng chúng ta có hơn 6 triệu… vi khuẩn thuộc hơn 600 chủng loại, các chủng vi khuẩn này cũng thay đổi tuỳ theo khu vực sống và cân nặng của cơ thể => “Nụ hôn thần chết” là có thật.
10. Khứu giác là giác quan nhạy bén nhất trong tất cả các giác quan của chúng ta, chúng nhạy gấp 10.000 lần vị giác. Và… phụ nữ có khứu giác nhạy hơn đàn ông, đặc biệt là trong thời kỳ rụng trứng.
11. Gần đây, một nghiên cứu về sức khoẻ của tạp chí Nurse nổi tiếng đã phát hiện ra rằng những phụ nữa bị chứng đau nửa đầu kèm theo các triệu chứng tiền triệu thị giác (Hoa mắt, chảy nước mắt, loé đom đóm..) thì có nguy cơ cao bị nhồi máu cơ tim hay đột quỵ. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu vẫn chưa biết điều này có xảy ra với nam giới hay không.
12. Phụ nữ thường bạc tóc muộn hơn đàn ông, chắc phụ nữ hay dùng… thuốc nhuộm tóc
13. Con gái hay “đong đưa” hơn con trai. Thực ra, con gái thường xuyên nháy mắt nhiều hơn con trai, vậy nên anh em cũng nên “tỉnh táo” trước những “đèn xanh”, có thể chỉ là do cô gái… ngứa mắt mà thôi.
14. Nữ giới "buôn” điện thoại gấp 3 lần so với nam giới và có khả năng ngồi một chỗ lâu hơn (trung bình 20 phút so với 6 phút). Ngoài ra, nữ giới cũng hay thức giấc nhiều hơn nam (44% so với 29%), trong giấc ngủ có nhiều cơn ác mộng hơn (22% so với 15%).
15. Phụ nữ rất giỏi nhớ những tiểu tiết, trong khi đó đàn ông chỉ nhớ những vấn đề lớn. Điều này là do vùng trí nhớ trong não của hai phái là khác nhau. Vùng trí nhớ của phụ nữ rất linh hoạt, dễ dàng nhớ những chi tiết có liên quan đến tình cảm như ngày sinh nhật, ngày cưới...
Trong khi đó, trí nhớ của đàn ông hoạt động tốt hơn khi có điều gì đó kích thích họ, vì vậy họ rất giỏi nhớ những điều liên quan đến tổng hợp, những vấn đề lớn lao.
16. Hơn 60 triệu người Mỹ trưởng thành đã mắc bệnh trào ngược dạ dày - thực quản, và nam giới có nguy cơ mắc bệnh cao gấp hai lần nữ giới.
17. Bé gái cũng ít… đái dầm hơn bé trai…
18. Số đo của hai bên núi đôi của bạn có sự khác biệt, “núi” trái thường lớn hơn “núi” phải. Tuy nhiên, sự khác biệt về kích cỡ này là không lớn, vậy nên bạn không cần phải lo lắng rằng sự khác biệt này quá nhiều.
19. Phụ nữ thường kiên nhẫn hơn nam giới => Xô xát, gây chuyện thường do nam giới mà thôi.
20. 18 - 19% trọng lượng cơ thể một người nam bình thường (từ 20 - 40 tuổi) là mỡ. Trong khi đó, tỷ lệ này ở nữ giới cao hơn rất nhiều: 21 - 33%. Vị trí tích mỡ ở nam giới chủ yếu tập trung ở vùng bụng, phụ nữ lại tích mỡ ở đùi, hông và mông => đàn ông thường…bụng phệ, phụ nữ thường thướt tha.
Bác sĩ Khánh xin chúc mừng Chị Em nhân ngày 8/3!
P/s: Ngày lễ của Chị Em, biết ý, ăn xong tự đi rửa bát trong khu phẫu thuật của bệnh viện.
Bác sĩ Trần Văn Phúc, Bệnh viện Xan Pôn
"TÂM SỰ MÙNG 8 THÁNG 3
Ngồi trước tôi là một cô gái nhìn rất hạnh phúc.
Cô ấy luôn nhẹ nhàng, nhưng cũng hài hước và nhạy cảm. Tôi khẳng định chắc chắn như thế, mặc dù câu chuyện cô gái kể cho tôi, sẽ được tôi chia sẻ một phần sau đây, nó có vẻ ngược lại với khẳng định của tôi.
Sau đây là những lời tâm sự của cô:
"Em quê ở Hải Dương, chồng quê Ninh Bình, cả hai cùng tuổi, yêu nhau từ thời sinh viên, ra trường đi làm 2 năm thì lấy nhau và cùng sống ở Hà Nội".
"Công việc của chúng em ổn định, cả hai cùng kiếm được nhiều tiền, cùng có vị trí xứng đáng trong cơ quan.
Vợ chồng em vẫn về thăm bố mẹ hai bên vào những kỳ nghỉ, vẫn cùng nhau chúc tết họ hàng, vẫn đến nhà bạn bè liên hoan, thỉnh thoảng còn tổ chức đi du lịch xa cả tuần".
"Cuộc sống cứ thế diễn ra trong một ngôi nhà chung, mọi quan hệ được duy trì dựa trên nguyên tắc "win – win" hai bên cùng thắng".
"Nhưng bọn em ngủ riêng biệt và hầu như không nói chuyện, ngay cả trên bàn ăn".
"Đã hơn 2 năm em không quan hệ tình dục với chồng. Chẳng ai muốn quan tâm đến ai. Không có một sự kết nối sâu sắc. Cảm giác cuộc sống như đang bị chảy máu chậm".
"Em thấy cuộc hôn nhân của em rất giống với quan niệm cây mía của Bác sĩ Phúc. Có cây mía ngọt, có cây mía nhạt, nhưng chắc chắn cây nào cũng có vài khúc sâu".
"Thời gian đầu mới cưới, em mải mê tận hưởng những khúc ngọt. Về sau em nhận thấy còn sót lại toàn khúc sâu, nhưng em không đủ dũng cảm vất đi những khúc sâu ấy để đi kiếm một cây mía sâu khác".
"Nhược điểm lớn nhất của chồng em là khi ái ân, anh vội vã mải mê cày cuốc, nhưng thực chất đó chỉ là một anh tá điền vô cùng lười biếng.
Em không thể có được sự thỏa mãn từ sự vụng về, nhưng em vẫn phải giả vờ thỏa mãn để chồng có cảm giác được thỏa mãn".
"Đó là bi kịch, nhưng chưa phải là căn nguyên duy nhất để cuộc hôn nhân của em bị rơi. Sau nhiều lần hồi sức, đã đến lúc em nghĩ thôi thì để mặc hạnh phúc của mình rơi tự do. Và em không muốn tiếp tục phải hồi sức".
"Vợ chồng em đã gặp rắc rối chuyện con cái. Câu chuyện chỉ thực sự bùng nổ khi bé thứ 2 ra đời nhưng vẫn là con gái. Chồng muốn em đẻ tiếp và đẻ tiếp. Muốn biến em trở thành cái máy đẻ. Muốn em trở thành Osin giúp việc trong gia đình".
"Những công việc cơ quan em phải từ bỏ dần để chăm sóc chồng và con. Những niềm đam mê không còn được chồng tôn trọng và em cũng không còn thời gian cũng như sức lực để theo đuổi".
"Để hoàn thành cái mà ở Việt Nam mình người ta đặt cho một cái danh thiêng liêng là "thiên chức người vợ", em thực sự cảm thấy quá vất vả.
Em cảm giác bị hụt hơi, bị đuối sức, bị thua cuộc trước áp lực của chồng. Đây chính là khúc ngoặt để vợ chồng em bước vào giai đoạn thứ hai của cuộc hôn nhân".
"Trong công việc, em đã phải cố gắng học tập, cố gắng phấn đấu để chờ cơ hội thăng tiến. Và cơ hội đã đến với em 3 năm trước đây, khi trưởng phòng về hưu thì em là ứng cử viên sáng giá nhất cho vị trí đó".
"Nhưng em là con gái. Mà ở Việt Nam, một người phụ nữ mà dám giỏi hơn những người đàn ông khác là điều rất khó để những người đàn ông ấy chấp nhận. Và lạ thay là nhiều phụ nữ khác cũng nghĩ như thế".
"Biết được điểm yếu của em là không được sự ủng hộ của đồng nghiệp, nên giám đốc nhiều lần gạ gẫm em quan hệ tình cảm, đổi lại sẽ được tạo điều kiện cho em".
"Chồng đọc được những tin nhắn đó, thay vì cùng em tìm cách tháo gỡ, thì lại coi đó là cái cớ chính đáng để ép em nghỉ việc.
Điều đó đã làm em thật sự thất vọng và mất hẳn niềm tin. Kể từ đó, em quyết định chọn cách sống đơn thân của một người phụ nữ đã lập gia đình"…
Câu chuyện của em còn dài.
Tôi vẫn nghĩ rằng, tình trạng nô lệ của phụ nữ Việt Nam là chuyện ở nửa đầu thế kỷ 20.
Hóa ra bước sang thế kỷ 21 này, thách thức số một vẫn là cuộc đấu tranh chống "chế độ nô lệ", mang lại bình đẳng giới thực sự.
Tôi tin rằng, điều cô gái này cần không phải là một bó hoa ngày 8 tháng 3. Nếu tôi là phụ nữ, tôi sẽ không cần những người đàn ông được nhồi sọ rằng phải tặng hoa tôi vào mùng 8 tháng 3.
Điều tôi cần là cả đàn ông và phụ nữ đều được tự do trong suốt 365 ngày của một năm. Đàn ông tự do để thể hiện sự mạnh mẽ và kiên cường, phụ nữ tự do để yêu thương và tỏa sáng.
================
P/s: Những năm gần đây, Ngày Quốc tế Phụ nữ mùng 8 tháng 3 tôi thường đi nói chuyện với chị em về các chủ đề. Sáng nay, tôi lại nói chuyện với các chị em ở Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức về chủ đề "Người phụ nữ trong thời đại mới".
Tôi xin được gửi lời chúc mừng đến từng chị em và xin được tặng mỗi người một bó hoa!"
Bác sĩ Ngô Đức Hùng, Bệnh viện Bạch Mai
"Phong trào đi ngược tiến hoá
Chị sống rất hoà hợp với thiên nhiên, chị sống trong rừng, uống nước suối đầy trứng sán với vắt. Chị sắp tham gia săn bắt và hái lượm các cô ạ, nếu ngày mai chị chết, thì chị đã đóng góp cho trái đất này ít đất đai màu mỡ.
Chị ăn chay và chị để cho tự nhiên giải quyết. Chị có đầy nguy cơ tắc ruột do u phân, nhiều lần chị vào viện để bọn bác sĩ ngu si ấy thụt tháo cho chị, nhưng tự nhiên là phải thế các cô ạ.
Chị chỉ tiếc rằng chị có 2 chân, chứ chị ao ước mình có đủ 4 chân sẽ làm được nhiều việc hơn các cô ạ.
Chị đẻ bên bờ suối và cắt rốn bằng dao cau các cô ạ. Chị tổ chức lớp hướng dẫn các cô đẻ 15 triệu/khoá, nếu chết chị khuyến mại thêm lọ tro.
Ngày xưa thời bao cấp đói ăn, vẫn có chuyện lấy bánh rau sạch về băm ra tráng trứng ăn, tanh nghoé. Hoặc giờ chó lợn động vật đẻ con, nó ăn hết bánh rau và liếm sạch lông và cái ...ấy. Chị thuận theo tự nhiên, chị cũng làm vậy.
PS: trẻ con không có tội, chúng không được lựa chọn bố mẹ sinh ra chúng. Miếng thịt để ngoài trời 1 ngày thôi đã thối um ra rồi. Để 1 tuần thì cái mũi quả thật hết sức vĩ đại các mẹ ạ."
Được sự đồng ý của các bác sĩ, Gia Đình Mới đăng tải lại những chia sẻ trên Facebook cá nhân như một nhật ký mỗi ngày của những người đang hàng ngày, hàng giờ đang làm công tác cứu người.
Bởi ngày nay, Facebook cá nhân đã trở thành một phương tiện truyền thông mở để các bác sĩ, những người làm ngành y thể hiện quan điểm cũng như kết nối với người bệnh.
Mục Điểm Facebook Bác sĩ được ban biên tập mở nhân dịp 27/2 với hy vọng đem lại nhiều góc nhìn hơn về cuộc sống của bác sĩ, tâm tư, tình cảm cũng như những suy nghĩ về cuộc sống, về cả người bệnh. Mong bạn đọc đón nhận!