Nhiều cha mẹ nghĩ rằng bổ sung rau củ trong cháo, súp, bột của trẻ sẽ giúp trẻ có đủ vitamin và chất xơ, phòng ngừa táo bón. Nhưng đây lại là sai lầm dẫn đến trẻ bị suy dinh dưỡng.
Thấy cậu con trai hơn một tuổi luôn gặp phải tình trạng táo bón, 2 – 3 ngày mới đi đại tiện một lần, đi ngoài phân cứng nên chị Ngô Thị Hoa (ở Đông Anh, Hà Nội) thường cho thêm rau, củ tươi vào xay lẫn cơm nấu cháo cho con.
Theo như chị Hoa giải thích, làm như vậy mới bổ sung được vitamin từ rau, củ cho trẻ, đồng thời bổ sung chất xơ giúp giảm tình trạng táo bón. Mặc dù rất cầu kỳ chuẩn bị khẩu phần ăn dặm cho con đủ chất nhưng con chị Hoa ăn hoài không lớn, thậm chí có dấu hiệu suy dinh dưỡng, thiếu vi chất. Điều đáng nói là dù chị Hoa cho con ăn nhiều rau củ nhưng câu bé vẫn luôn gặp phải tình trạng táo bón.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Có rất nhiều cha mẹ đang gặp sai lầm trong việc bổ sung rau củ cho con ăn dặm. Có trường hợp mẹ đưa con đến khám chia sẻ rằng vì muốn bổ sung vitamin trong rau củ cho con, bổ sung chất xơ giúp con giảm táo bón nên mẹ tăng cường rau củ vào chế độ dinh dưỡng của con.
Kết quả là sau một thời gian phải ăn quá nhiều rau trẻ bị suy dinh dưỡng, thiếu vi chất. Các mẹ phải biết rằng, dạ dày của trẻ rất nhỏ nên trẻ chỉ ăn được một lượng cháo, bột nhất định. Khi mẹ tăng cường rau, củ trong bát cháo, bát bột, đồng nghĩa với việc giảm số lượng thực phẩm có nguồn gốc động vật, giảm tinh bột và như vậy bữa ăn của trẻ sẽ không đủ chất.
Nếu trẻ phải ăn trong thời gian dài bát cháo, bát bột chỉ thấy màu xanh của rau, màu vàng đỏ của củ quả, thiếu các dưỡng chất cơ bản như đạm, đường… thì tình trạng thiếu vi chất, suy dinh dưỡng rất dễ xảy ra.
Hơn nữa, bổ sung rau xanh, củ quả trong bữa ăn của trẻ chỉ có tác dụng trị táo bón một phần. Ăn quá nhiều rau có thể gây quá tải đường tiêu hóa làm cho trẻ đi đại tiện nhiều, không hấp thu được dinh dưỡng trong thức ăn, trẻ bị đầy hơi, chướng bụng, khó chịu…”.
Ngoài ra, bác sĩ Dũng cũng chỉ ra một số sai lầm mà cha mẹ thường gặp khi cho con ăn dặm dẫn đến con suy dinh dưỡng, thiếu vi chất như:
Trộn quá nhiều thực phẩm trong một bữa ăn: Nhiều cha mẹ cứ nghĩ bát cháo, bát bột của con càng đa dạng thực phẩm thì càng tốt, trẻ sẽ không bị thiếu vi chất. Suy nghĩ này hoàn toàn sai lầm, nên cho con ăn đa dạng thực phẩm, thay đổi các loại thực phẩm trong bữa ăn chứ không phải bữa nào cũng giống nhau và trộn tất cả các loại thực phẩm vào xay nhuyễn. Làm như vậy trẻ sẽ nhanh chán, sinh ra lười ăn thiếu chất. Đó là còn chưa kể đến có những thực phẩm kỵ nhau, trộn chung, nấu chung như vậy sẽ sinh ra chất độc gây hại cho trẻ.
Cho trẻ uống sữa thay ăn, uống thay nước: Thấy con uống được sữa cha mẹ cứ nghĩ trẻ uống được càng nhiều càng tốt, sữa có nhiều chất nên không cần ăn các thực phẩm khác, không cần uống nước. Đây cũng là quan niệm sai lầm, bởi, sữa cũng chỉ là một loại thực phẩm và không thể thay thế các loại thực phẩm khác. Hơn nữa, sữa là sữa mà nước là nước, không thể cùng là chất lỏng mà cho trẻ uống sữa thay nước. Ăn uống như vậy trẻ không những thiếu chất mà còn dễ gặp phải tình trạng táo bón do trong sữa có nhiều đường, ít chất xơ.
Không quan tâm cho trẻ uống nước: Cha mẹ cứ nghĩ rằng trẻ nhỏ chỉ cần ăn mà không cần uống hoặc trong đồ ăn dặm của trẻ (cháo, súp, sữa) đã có sẵn nước nên không cần cho trẻ uống thêm nước. Sai lầm này của cha mẹ sẽ làm cho cơ thể trẻ thiếu nước, làm cho hoạt động của các tuyến tiêu hóa, tiết dịch tiêu hóa và nhu động của ống tiêu hóa không bình thường. Tình trạng này kéo dài sẽ làm bộ máy tiêu hóa của trẻ hoạt động không hiệu quả, gây ra tình trạng táo bón kéo dài. Do đó, cha mẹ cần hình thành cho trẻ thói quen uống nước để giúp các cơ quan trong cơ thể hoạt động tốt hơn.