Mặc dù cha mẹ thấp lùn nhưng con vẫn có thể cao lớn, khỏe mạnh nếu được bổ sung đầy đủ vi chất, vận động hợp lý và chăm sóc trong môi trường sống tốt.
Cha mẹ “nấm lùn” con vẫn có thể cao
TS.BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho biết, mặc dù cuộc sống đầy đủ hơn nhưng vẫn còn nhiều trẻ em Việt Nam bị thiếu cân nặng, chiều cao.
“Thực tế thăm khám và điều trị dinh dưỡng cho trẻ tôi nhận thấy vẫn còn khá nhiều trẻ bị thiếu về cân nặng, chiều cao so với tiêu chuẩn.
Cứ khoảng 10 trẻ đến phòng khám của chúng tôi thăm khám về dinh dưỡng thì có khoảng 8 trẻ bị thiếu về chiều cao so với chuẩn tăng trưởng.
Chiều cao của trẻ do nhiều yếu tố quyết định, trong đó gene di truyền là yếu tố không thể thay đổi được, còn các yếu tố dinh dưỡng, vận động, môi trường sống là những yếu tố có thể thay đổi để giúp trẻ tăng trưởng chiều cao tối đa” – BS Sơn chia sẻ.
Vậy nên, muốn can thiệp tăng chiều cao cho con, cha mẹ cần bổ sung dinh dưỡng đầy đủ cho trẻ trong tất cả các giai đoạn, từ khi trẻ còn nằm trong bụng mẹ cho đến khi con đến tuổi hết tăng chiều cao (khoảng 18 - 19 tuổi).
Bên cạnh chế độ dinh dưỡng là các bài tập vận động, vui chơi, tập luyện thể dục thể thao phù hợp với độ tuổi, môi trường sống của con trẻ phải đảm bảo sạch sẽ, không lây nhiễm bệnh tật, không lạm dụng thuốc, nhất là thuốc kháng sinh…
Và một điều quan trọng nữa là cha mẹ phải bỏ tâm lý tự ti “cha mẹ thấp lùn thì con cũng thấp lùn” đi, thay vào đó là hình thành thói quen chăm sóc dinh dưỡng, tập luyện, tạo môi trường sống cho con thật tốt thì con mới có thể cao lớn, khỏe mạnh như các bạn đồng trang lứa.
Bộ ba vi chất giúp trẻ phát triển chiều cao
Bác sĩ Trương Hồng Sơn cho biết, không ít cha mẹ tự ý bổ sung canxi cho con vì nghĩ rằng chỉ cần uống nhiều canxi là trẻ sẽ cao lớn, xương chắc khỏe. Điều này là hoàn toàn sau lầm, canxi đưa vào cơ thể phải đúng liều lượng, đúng cách nếu lạm dụng sẽ gây nhiều hậu quả nghiêm trọng.
Canxi là vi chất chủ chốt giúp xương phát triển và trẻ cao lớn hơn. 99% lượng canxi cơ thể nằm ở xương và răng, 1% lưu thông trong máu và cơ quan khác. Thiếu canxi, trẻ em sẽ chậm lớn, chiều cao thấp, còi xương, biến dạng răng - xương, dễ sâu răng.
Nhưng nạp thừa canxi sẽ gây chán ăn cho trẻ. Thừa canxi còn gây ức chế hấp thu sắt, dẫn đến tình trạng thiếu máu ở trẻ.
Người lớn chỉ hấp thu 25% trong tổng số lượng canxi được đưa vào cơ thể. Khả năng hấp thu canxi của trẻ em cao hơn, khoảng 60%. Trong số canxi hấp thu từ ruột vào máu, 60% được đưa tới xương và răng, phần còn lại vận chuyển đến những bộ phận khác vốn cần rất ít canxi.
Muốn hấp thu được canxi cần có những vi chất khác, ví như cần có vitamin D để cơ thể hấp thụ được canxi. Canxi, vitamin D giúp tạo xương, răng, các hoạt động của cơ và thần kinh.
Nếu vitamin D giúp hệ tiêu hóa hấp thu canxi thuận lợi từ thức ăn vào máu, thì vitamin K2 đưa canxi vào xương để cao lớn tối ưu. Và muốn tăng lượng canxi từ máu vào xương, giúp tăng chiều cao, cần vi chất điều dẫn vitamin K2.
Trẻ không chỉ cần vitamin K2 để xương hấp thụ đủ lượng canxi cần thiết; mà còn hạn chế các bệnh lý gan, thận, mạch máu do thừa canxi gây ra.
Vậy nên, bộ ba vi chất canxi, vitamin D, vitamin K2 phối hợp mới giúp hấp thu và chuyển hóa canxi tối ưu tới xương và giúp con cao lớn, khỏe mạnh.
Tuy nhiên, cha mẹ cần tham khảo ý kiến của các bác sĩ nhi khoa, bác sĩ dinh dưỡng để biết tình trạng sức khỏe của con mình và nên bổ sung vi chất với liều lượng bao nhiêu cho phù hợp.
Nếu bé đạt tiêu chuẩn cân nặng, chiều cao thì không nên dùng các loại thuốc, thực phẩm bổ sung cho trẻ, mà nên chú ý thêm đến chế độ ăn uống đủ vi chất để giúp con cao lớn, khỏe mạnh.