Ai có nguy cơ mắc bệnh đậu mùa khỉ và làm gì để phòng bệnh?

Bệnh đậu mùa khỉ đang lây lan nhanh ở nhiều quốc gia trên thế giới. Vậy những ai có nguy cơ mắc căn bệnh này và cần làm gì để phòng bệnh?

Những ai có nguy cơ mắc bệnh đậu mùa khỉ?

Theo khuyến cáo của Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM, bất kỳ ai có tiếp xúc gần gũi với người có triệu chứng bệnh đậu mùa khỉ hoặc với động vật nhiễm bệnh đều có nguy cơ nhiễm bệnh cao.

Vậy nên, nhân viên y tế cần tuân thủ các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn để bảo vệ bản thân khi chăm sóc bệnh nhân mắc bệnh đậu mùa khỉ.

Bên cạnh đó, trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và những người bị suy giảm miễn dịch có nguy cơ mắc bệnh với các triệu chứng nghiêm trọng hơn, thậm chí tử vong do bệnh đậu mùa khỉ.

Người đã tiêm vắc-xin phòng bệnh đậu mùa có nhiều khả năng được bảo vệ ở mức độ nhất định trong phòng ngừa nhiễm bệnh đậu mùa khỉ. Tuy nhiên, người trẻ tuổi ít có khả năng là đã tiêm phòng bệnh đậu mùa vì hoạt động tiêm phòng đậu mùa đã chấm dứt trên toàn thế giới sau khi bệnh đậu mùa được “thanh toán” vào năm 1980. Vì vậy, những người đã được tiêm phòng bệnh đậu mùa vẫn nên tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng ngừa để bảo vệ bản thân và những người xung quanh.

Người mắc bệnh đậu mùa khỉ thường có các triệu chứng phổ biến như: sốt, nhức đầu, đau cơ, đau lưng, mệt mỏi, sưng hạch bạch huyết, phát ban, tổn thương ở da.

Các tổn thương da có ban đầu sẽ bằng phẳng, sau đó chứa dung dịch, sau một thời gian sẽ đóng vảy, khô và bong ra.

Số lượng tổn thương da trên một người có thể dao động từ một vài nốt cho đến vài nghìn nốt. Những nốt này có xu hướng tập trung ở mặt, lòng bàn tay và lòng bàn chân. Các tổn thương này cũng có thể gặp ở miệng, bộ phận sinh dục và mắt.

Các triệu chứng của bệnh thường kéo dài từ 2 đến 3 tuần và thường tự biến mất hoặc khi được chăm sóc hỗ trợ, chẳng hạn như sử dụng thuốc giảm đau hoặc thuốc hạ sốt. Bệnh đậu mùa khỉ có thể gây ra các triệu chứng nhẹ hoặc nặng.

Những người có nguy cơ mắc bệnh nặng hoặc biến chứng cao hơn bao gồm phụ nữ mang thai, trẻ em và những người bị suy giảm miễn dịch.

Do đó, khi có các triệu chứng nghi ngờ bệnh đậu mùa khỉ hoặc trong trường hợp có tiếp xúc với người bị bệnh đậu mùa khỉ, hãy liên hệ hoặc đến cơ sở y tế để được tư vấn kịp thời.

  Người mắc bệnh đậu mùa khỉ có thể lây lan cho người khác từ lúc triệu chứng bắt đầu cho đến khi các vết thương trên da lành hoàn toàn. Ảnh minh họa

Người mắc bệnh đậu mùa khỉ có thể lây lan cho người khác từ lúc triệu chứng bắt đầu cho đến khi các vết thương trên da lành hoàn toàn. Ảnh minh họa

Các đường lây nhiễm đậu mùa khỉ

Theo các chuyên gia y tế, bệnh đậu mùa khỉ lây nhiễm qua nhiều con đường như:

- Tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ sang thương da, lớp mài trên da, hay dịch tiết cơ thể. Vậy nên, giai đoạn ban chuyển thành mụn mủ và vỡ ra là giai đoạn dễ lây lan nhất.

- Dịch tiết đường hô hấp, nhưng không phải từ giọt bắn vì thường bệnh nhân bị đậu mùa khỉ không ho, mà phải do tiếp xúc gần mặt với mặt, ôm hôn…

- Chạm vào các vật dụng, quần áo đã từng tiếp xúc với dịch tiết từ vết thương trên da hay dịch tiết cơ thể.

- Lây từ mẹ sang bào thai qua nhau thai.

- Ngoài ra có thể còn bị lây từ động vật nhiễm bệnh qua vết cắn, cào xước, hay ăn thịt động vật nhiễm bệnh.

- Người mắc bệnh đậu mùa khỉ có thể lây lan cho người khác từ lúc triệu chứng bắt đầu cho đến khi các vết thương trên da lành hoàn toàn, thường từ 2 - 4 tuần.

Cách bảo vệ bản thân trước bệnh đậu mùa khỉ

Để phòng chống bệnh đậu mùa khỉ, cần thực hiện những biện pháp sau:

  • Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi;
  • Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay nhanh;
  • Người đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ (Khu vực Trung và Tây Phi) cần tránh tiếp xúc với động vật có vú như: Động vật gặm nhấm, thú có túi, động vật linh trưởng có thể chứa virus đậu mùa khỉ.
  • Tự theo dõi Sức khỏe trong vòng 21 ngày kể từ khi nhập cảnh.
  • Nếu nghi ngờ mắc bệnh cần chủ động đến các bệnh viện quận huyện gần nơi cư trú để được tư vấn;
  • Người có dấu hiệu phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân kèm theo một hoặc nhiều triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh cần đến các bệnh viện quận huyện gần nơi cư trú để được tư vấn và chủ động tự cách ly, tránh quan hệ tình dục;
  • Tránh tiếp xúc gần với người mắc bệnh đậu mùa khỉ. Tránh tiếp xúc trực tiếp với những vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh.
  • Trong trường hợp nơi ở, nơi làm việc có người mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh cần thông báo cho y tế địa phương để được tư vấn và xử trí kịp thời;
  • Thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.
An An

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính