1. Philo Farnsworth: Phát minh TV đầu tiên từ năm 14 tuổi
Bản phác thảo về chiếc TV đã được Philo Farnsworth nghiên cứu từ năm ông mới 14 tuổi. Trải qua 7 năm dày công nghiên cứu, ông đã chính thức mang phát minh của mình đi nộp và lấy bằng sáng chế đầu tiên về chiếc vô tuyến truyền hình.
2. Easton LaChappelle: 14 tuổi chế tạo cánh tay robot
Khi 14 tuổi, Easton đã bắt đầu mày mò, tìm tòi cách chế tạo ra cánh tay robot từ những vật dụng đời thường đơn giản như đồ chơi Lego để làm khung, dây câu và một số linh kiện được tạo ra bởi máy in 3D.
Tiếp tục nghiên cứu với mong muốn có được cánh tay giả tốt và chi phí thấp cho những người khuyết tật, Easton thành công tạo ra cánh tay thế hệ hai,giá chỉ khoảng 350 USD, rất rẻ so với mức giá trung bình trên thị trường.
Nhờ đó, cậu được tham gia triển lãm khoa học do Nhà Trắng tổ chức và gặp Tổng thống Barack Obama. NASA rất hứng thú với phát minh của cậu và đã mời cậu về hỗ trợ nhóm nghiên cứu robot của NASA khi cậu mới 17 tuổi.
3. Louis Braille: 15 tuổi phát minh chữ nổi
Louis Braille người phát minh ra kiểu chữ Braille dành cho người mù và người khiếm thị khi mới 15 tuổi.
3 tuổi, Louis bị thương ở mắt trái do bị dùi đâm phải. Vết thương bị nhiễm trùng và lây sang mắt phải, khiến Braille bị mù hoàn toàn.
10 tuổi, ông giành được học bổng đi học tại Học viện Hoàng gia dành cho Thanh niên mù (ngày nay là Học viện Quốc gia dành cho Thanh niên mù) tại Paris.
Tại đây ông bắt đầu nghiên cứu hệ thống chữ để người mù có thể viết và đọc thật nhanh, chỉ dùng 6 chấm và được ông giới thiệu với bạn bè năm 15 tuổi.
4. Boyan Slat và dự án dọn rác trên biển
Cậu nam sinh 16 tuổi người Hà Lan đã rất sốc khi phát hiện rất nhiều rác thải nhựa trên biển khi đi lặn ở Hy Lạp và quyết định nghiên cứu dự án về ô nhiễm đại dương. Ở tuổi 18, cậu giới thiệu hệ thống sử dụng các dòng biển khiến rác thải nhựa tự gom lại, thúc đẩy việc xử lý rác thải đại dương.
Nhiều công ty, tổ chức ca ngợi sáng chế của Boyan. Cậu cũng là nhà phát minh trẻ tuổi nhất được nhận giải thưởng cao nhất về môi trường của Liên Hợp Quốc.
5. Elif Bilgin: Nữ sinh 16 tuổi biến vỏ chuối thành nhựa
16 tuổi, Elif Bilgin đã nổi tiếng với nghiên cứu biến vỏ chuối thành nhựa sinh học. Điều này sẽ hạn chế ô nhiễm môi trường từ công nghệ sản xuất nhựa thông thường hiện nay.
Năm 2013. tổ chức Khoa học Hoa Kỳ đã trao tặng giải thưởng nghiên cứu khoa học trị giá 50.000 USD cho Bilgin.
6. Anne Frank: Cô gái Do Thái và cuốn nhật ký gây chấn động
Cô bé Anne Frank là một trong những nạn nhân người Do Thái được biết đến nhiều nhất trong cuộc tàn sát Holocaust.
Holocaust
Vào năm 1941, cô bị tước đi tư cách công dân và trở thành người không có quốc tịch. Sau khi Hitler lên nắm quyền vào tháng 1/1933, gia đình Anne Frank rời khỏi Frankfurt đến Amsterdam cuối năm 1933 để thoát khỏi sự truy đuổi của Đức Quốc xã.
Họ sống trốn tránh trong những căn phòng được ngụy trang, khi đó Anne 13 tuổi. Sau 2 năm, gia đình Anne bị phát hiện và đưa tới trại tập trung của Đức Quốc xã. 15 tuổi, cô bé Anne cùng chị gái Margot Frank mất tại trại Bergen-Belsen, chỉ vài tuần trước khi trại giải thể vào tháng 4/1945.
Anne Frank đã viết nhật ký ghi chép lại cuộc đời của cô trong khi ẩn náu lúc quân đội Đức Quốc xã chiếm đóng thời Thế chiến thứ 2. Cuốn nhật ký được cha cô xuất bản năm 1952, dịch sang hơn 60 ngôn ngữ và trở thành một trong những quyển sách nổi tiếng nhất thế giới, gây cảm hứng cho nhiều vở diễn và tác phẩm điện ảnh.
7. Malala Yousafzai: Người trẻ nhất nhận giải Nobel hòa bình
Malaba sống ở một thị trấn nhỏ do Taliban cai trị, trong đó cấm các trẻ em gái tiếp nhận giáo dục hoặc đi học. 11 tuổi, Malala Yousafzai đã viết một blog cho đài BBC địa phương để bày tỏ mong muốn được tiếp tục đi học.
Cô bé bị Taliban bắn vào đầu năm 2012 vì dám yêu cầu quyền tiếp cận giáo dục dành cho tất cả mọi người và may mắn sống sót. Kể từ đó, cô gái người Pakistan đã khiến thế giới đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi liên tục đấu tranh cho giáo dục trẻ em và quyền lợi của các cô gái khắp thế giới, bằng lòng dũng cảm và niềm đam mê vô tận.
Khi phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tháng 7-2013, Malala khẳng định cô sẽ không bao giờ lùi bước trước sự đe dọa của Taliban.
Cô bé được đưa đến một bệnh viện ở Birmingham, Anh. Tại đây, Malala Yousafzai đã phát triển một số dự án giáo dục có ích cho trẻ em.
Ngày 10/10/2014, cô gái 17 tuổi Malala Yousafzai đã trở thành người trẻ nhất trên thế giới và là người Pakistan đầu tiên đoạt giải Nobel hòa bình.
8. Alex Deans: 12 tuổi phát minh thiết bị định vị giúp người mù
Alex sinh năm 1997. Khi mới 12 tuổi cậu đã sáng chế ra iAid, một thiết bị định vị dành cho người mù.
Trong một lần giúp người phụ nữ mù qua đường, Alex nhận ra chưa có thiết bị giúp người mù có thể tự qua đường được khi đi lại hàng ngày.
Cậu bé 12 tuổi đã tự mày mò nghiên cứu và nhanh chóng chế tạo ra iAid, một thiết bị cầm tay dùng GPS và la bàn để định vị chướng ngại vật và giúp người mù xác định đúng phương hướng.
9. Jack Andraka: Tìm ra phương pháp phát hiện ung thư nhanh gấp 168 lần
Jack Andraka sinh năm 1997 trong một gia đình bình thường. Cái chết của một người thân vì ung thư tuyến tụy đã thôi thúc cậu tìm ra phương pháp để xác định bệnh ung thư sớm nhất.
Mới 15 tuổi, Jack Andraka đã phát minh ra một loại cảm biến mới giúp phát hiện tế bào ung thư nhanh hơn 168 lần và chính xác hơn 25-50% so với các xét nghiệm y học.
Gần 200 phòng thí nghiệm đã bác bỏ phương pháp của cậu bé cho đến khi tiến sĩ Anirban Maitra tại John Hopkins đồng ý hỗ trợ và công nhận phát minh của Jack Andraka.
Hoàng NguyênBạn đang xem bài viết 9 đứa trẻ đã làm thay đổi thế giới, bản phác thảo TV đầu tiên là bởi cậu bé 14 tuổi tại chuyên mục Tin tức của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].