1. Lựa chọn thời điểm sinh con
Phụ nữ nên sinh con sau tuổi 20 và trước tuổi 35. Sinh con sớm trước tuổi 20 có nhiều nguy cơ do cơ thể người mẹ chưa trưởng thành hoàn toàn; phụ nữ sinh con sau tuổi 35 có nhiều nguy cơ dị tật bào thai. Khoảng cách giữa các lần sinh nên từ 3 đến 5 năm.
2. Khám sức khỏe
Chuẩn bị kết hôn và trước khi mang thai, người phụ nữ và chồng tương lai cần đi khám kiểm tra sức khỏe, để được tư vấn về phòng tránh nguy cơ sinh con bị bệnh tật bẩm sinh và các bệnh lây truyền từ cha mẹ sang con.
Nếu đã có quan hệ tình dục, nên khám phụ khoa định kỳ 6 tháng một lần để được điều trị các bệnh viêm nhiễm đường sinh sản và bệnh lây truyền qua đường tình dục nếu có.
3. Chủ động tiêm vắc-xin phòng bệnh
Trước khi kết hôn người phụ nữ cần tiêm phòng theo hướng dẫn của cán bộ y tế (tiêm phòng uốn ván ở độ tuổi 15-35; tiêm phòng cúm, rubella trước khi mang thai ít nhất 3 tháng; tiêm vắc-xin HPV phòng ung thư cổ tử cung ở độ tuổi 9-26, trước khi có quan hệ tình dục).
4. Dinh dưỡng và kiểm soát cân nặng
Ăn uống theo chế độ dinh dưỡng hợp lý đủ 4 nhóm thực phẩm (gồm đạm, mỡ, đường, vitamin và muối khoáng), uống viên sắt- axít folic và vi chất ít nhất 3 tháng trước khi mang thai, sử dụng muối và gia vị có i-ốt hàng ngày.
Cân nặng của bạn có vai trò quan trọng trong quá trình chuẩn bị mang thai. Chỉ số khổi cơ thể lý tưởng nhất của bạn trước khi mang thai nên ở trong khoảng 18,5-24.
5. Các biện pháp tránh thai đang dùng
Nếu chưa có kế hoạch mang thai ngay, vợ chồng cùng nhau thảo luận và tham vấn cán bộ y tế để lựa chọn và quyết định sử dụng biện pháp tránh thai phù hợp.
6. Tránh sử dụng các chất kích thích và tránh tiếp xúc với các hoá chất độc hại
Các chất kích thích có ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe, trước khi mang thai chị em nên tránh sử dụng các chất gây kích thích như thuốc lá, rượu, cà phê…
Chị em cũng cần tránh các hoá chất độc hại như thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ… Những hoá chất này có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ của mẹ và thai nhi, thậm chí có thể gây sảy thai hoặc dị tật ở bào thai.
7. Cẩn trọng khi dùng thuốc
Chị em cần cẩn trọng khi dùng thuốc. Với những người đang dùng các loại thuốc điều trị bệnh mãn tính dài ngày như bệnh đái đường, tim mạch, tâm thần và một số bệnh toàn thân khác (Lupus hoặc bệnh lý tuyến giáp…) thì cần tham khảo ý kiến của bác sĩ đang điều trị cho mình về ý định sẽ mang thai.
Mọi thứ thuốc dùng trước khi mang thai đều phải hỏi ý kiến của thầy thuốc, kể cả thuốc thông thường, các loại vitamin, thuốc bổ, kháng sinh, các loại thuốc đông y, thực phẩm chức năng…
8. Thực hiện chế độ sinh hoạt điều độ, khoa học
Chị em cần hình thành thói quen tập thể dục thường xuyên để tăng cường sức khỏe, tránh béo phì, giảm stress, ít bị bệnh mạn tính, những điều này đều có tác dụng tích cực đến việc mang thai.
9. Chuẩn bị về tài chính
Chị em cũng cần có kế hoạch chuẩn bị về tài chính để sẵn sàng chi trả các khoản chi tiêu trong quá trình mang thai, sinh nở và nuôi con.
* Tài liệu tham khảo: Cẩm nang Hành trình Mang thai và nuôi con mạnh khỏe (Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế)
An AnBạn đang xem bài viết 9 điều cần chuẩn bị trước khi mang thai, nhiều chị em đang quên điều số 9 tại chuyên mục Chuẩn bị mang thai của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].