9 dấu hiệu của cha mẹ bao bọc con quá mức

Mọi cha mẹ đều muốn bảo vệ con, tuy nhiên bao bọc con quá mức có thể cản trở con bạn phát huy toàn bộ tiềm năng.

Dưới đây là một số dấu hiệu cho thấy bạn đang bao bọc con quá mức.

1. Quản lý mọi chuyện của con

Việc cha mẹ quản lý mọi khí cạnh trong cuộc sống của con dù là nhỏ nhất không tốt cho cả con và bạn.

Quản lý quá nhiều có thể khiến con mất động lực và ngăn con tìm thấy sở thích mà chúng muốn theo đuổi.

2. Không cho con thất bại

Không ai muốn thất bại. Đôi khi chúng ta hoài nghi bản thân vì mong muốn trở nên hoàn hảo khiến chúng ta nghĩ rằng mình đang thất bại trong việc làm cha mẹ.

Nỗi sợ thất bại đó có nghĩa là chúng ta đôi khi cố gắng đảm bảo con mình không thất bại.

Tuy nhiên, thực tế con bạn sẽ phải thất bại, và điều đó là bình thường.

Hãy để con trải qua thất bại và nhìn con đứng lên. Có thể con sẽ làm bạn ngạc nhiên.

Nếu con không được nhận vào đội bóng đá, con có thể tập luyện chăm chỉ hơn và trở thành ngôi sao bóng đá trong mùa giải mới.

Nếu con không làm bài tập về nhà vì không có bạn ở bên thúc giục, con sẽ phải đối mặt với giáo viên và tìm cách tự hoàn thành bài tập.

3. Không dạy con về trách nhiệm

Bạn dọn giường, quét phòng, cất quần áo cho con, làm hết mọi việc thay con.

Có thể sẽ dễ dàng và tiết kiệm thời gian hơn khi để bạn tự làm tất cả. Nhưng bạn cũng cần dạy con về trách nhiệm.

Ngay cả trẻ nhỏ cũng có thể phụ giúp việc nhà và học được những bài học đầu đời về trách nhiệm.

Hãy dành thời gian dạy con cách dọn dẹp phòng, phân công việc nhà phù hợp lứa tuổi cho mọi thành viên trong gia đình.

4. An ủi con quá nhiều

9 dấu hiệu của cha mẹ bao bọc con quá mức 0

Ban sẽ đau lòng khi thấy con mình khó chịu dù là do con bị đau hay bị bạn bè trêu chọc.

Bạn muốn khắc phục những cảm giác tổn thương đó và bạn có thể bù đắp quá mức để an ủi cho con.

Bạn vô tình chiều hư con để làm con dễ chịu hơn và không để con tự giải quyết cảm xúc và xoa chịu bản thân.

Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là bạn không thể an ủi con. Hãy hôn con, ôm con và tâm sự với con.

Tuy nhiên đừng nuông chiều con quá đà như mua kem, mua đồ chơi, cho con đi xem phim và ăn bỏng ngô thỏa thích chỉ vì một sự cố nhỏ.

5. Quản lý tình bạn của con

Bạn thấy A là cậu bé tốt và bạn nghĩ con bạn nên chơi thân với cậu bé đó. Thật tuyệt nếu bạn có thể chọn bạn cho con. Tuy nhiên nếu bạn không mong cha mẹ chọn bạn thay mình thì đừng làm điều đó với con.

Dù việc giúp con giới thiệu với những trẻ khác không có hại gì nhưng điều đó không có nghĩa là cha mẹ có thể bắt con với đứa trẻ nào đó.

Tuy nhiên cha mẹ có thể can thiệp khi cần thiết nếu tình bạn đó có hại, ví dụ đứa trẻ đó gây tổn thương cho con bạn về thể chất hay tinh thần, thì bạn cần chỉ ra cho con biết ngay lập tức.

6. Liên tục nhắc nhở con về các mối nguy hiểm

Giữ an toàn cho con bạn luôn phải là ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, đừng dọa con sợ hãi với mọi việc nhỏ mà con làm.

Nếu bạn nhận thấy mình liên tục nói với con "đừng", "dừng lại!" thì đừng làm thế và hãy dừng chính bạn lại.

Tất cả những gì con nghe thấy là sự tiêu cực đến từ mọi hướng và mọi thứ mà con định làm.

Nếu con đang chơi giữa đường phố, chắc chắn bạn cần nhắc con dừng lại. Tuy nhiên nếu con đang leo bậc thang ở khu trò chơi của trẻ em tới lần thứ 100 thì bạn có thể nghỉ ngơi, cẩn thận quan sát và biết rằng con có thể làm được.

7. Ngăn con làm điều mới

Năm nay con muốn chơi bóng chày thay vì môn bóng đá sở trường. Con muốn vào câu lạc bộ môn Toán với bạn thân dù con giỏi Địa lý. Con muốn đi trại hè khác với trại hè mà con đã đi 4 năm qua.

Đôi khi cha mẹ vô thức ngăn cản con làm điều mới. Dù con không giỏi bóng chày thì cũng không sao cả nếu con thực sự muốn thử. Con muốn vào câu lạc bộ toán vì bạn bè cũng không sao. Con muốn đi trại hè khác để khám phá điều mới cũng được.

Hãy để con bạn tự quyết định theo sở thích và đam mê của mình.

Con sẽ tận hưởng tự do và trở nên tự lập hơn, điều mà tất cả cha mẹ  đều muốn cho con.

8. Liên tục kiểm tra con

Bạn thường xuyên gọi cho giáo viên của con để cập nhật tình hình của con ở lớp. Con không thể đến nhà bạn chơi mà không nhận điện thoại của bạn mỗi giờ. Bạn luôn hỏi con có ổn không và có thể làm gì cho con hay không.

Cha mẹ nhiều khi quan tâm con quá mức, dù chúng ta chỉ muốn đảm bảo con đang ổn nhưng điều đó có thể làm con thấy ngột ngạt và làm bạn sợ hãi khi con ngoài tầm mắt bạn.

Bạn nên giảm thiểu số lần kiểm tra con ở mức vừa phải để không khiến bản thân và những người xung quanh khó chịu.

9. Đặt con trong một quả bong bóng tách biệt với thế giới thực

Cuộc sống không chỉ toàn ánh dương và màu hồng. Trẻ em ngày nay chơi những trò chơi điện tử mà chúng ta từng không thể nghĩ tới. Chúng đối mặt với những nguy hiểm mà chúng tôi từng không phải lo lắng và nhìn thấy trên TV những hình ảnh mà trước đây chúng ta chỉ có thể xem trên kênh trả phí sau nửa đêm.

Cha mẹ muốn bảo vệ con càng lâu càng tốt khỏi những thứ có hại và xấu xa. Tuy nhiên để con sống trong một quả bong bóng tách biệt với thế giới thực là điều không tưởng.

Tốt hơn là bạn nên dạy con về một số thực tế khắc nghiệt của thế giới hiện đại để con có thêm kinh nghiệm sống mà không phải học hỏi từ bạn bè hay phải chạy theo đám đông vì không hiểu chuyện gì đang xảy ra.

Quả bong bóng đó chỉ có thể bảo vệ con bạn nhất thời và cái bạn nên truyền cho con là những kinh nghiệm sống sẽ theo con suốt cuộc đời.

(Theo Verywellfamily)

Hoàng Nguyên

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính