Báo Điện tử Gia đình Mới

88% sinh viên khá giỏi thế hệ gen Z muốn trở thành quản lý sau 2 năm ra trường

Một cuộc khảo sát mới đây do Anphabe tiến hành cho thấy, mức lương kỳ vọng trung bình mà gen Z (Những bạn trẻ sinh từ năm 1997 trở về sau) mong muốn cho công việc chính thức đầu tiên sau ra trường là 8,4 triệu/tháng. 88% sinh viên khá giỏi chia sẻ rằng họ mong muốn trở thành quản lý trong vòng 2 năm.

Kết quả trích xuất từ khảo sát Thương hiệu nhà tuyển dụng hấp dẫn với sinh viên Việt Nam 2022 do Anphabe tiến hành với sự tham gia của 13,667 sinh viên thuộc 10 khối ngành từ 120 trường đại học lớn trên toàn quốc cho thấy gen Z (những bạn trẻ sinh từ năm 1997 trở về sau) là thế hệ hứa hẹn tạo nên nhiều đột phá và trở thành nhân tố quan trọng của nguồn nhân lực Việt trong tương lai. Dự báo đến năm 2025, trung bình cứ 4 người đi làm sẽ có 1 đại diện gen Z. So với các thế trước, đây là thế hệ tự tin và có tư duy độc lập từ rất sớm.

88% sinh viên khá giỏi thế hệ gen Z muốn trở thành quản lý sau 2 năm ra trường 0

Top 5 ngành nghề được Gen Z yêu thích

Cụ thể, Anphabe ghi nhận 52% gen Z đã thực tập hoặc đi làm ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, trong đó 40% bắt đầu trong vòng hai năm đầu đại học. Đáng chú ý, dù còn đi học, có tới 91% gen Z tự tin là họ biết rõ mình thích hoặc không thích làm việc trong lĩnh vực nào.

Trong đó, top 5 ngành nghề được gen Z yêu thích nhất đều là những ngành đang có nhiều chuyển đổi và nhu cầu nhân lực cao như: Ẩm Thực & Nghỉ dưỡng; Quảng cáo/ Truyền thông; Internet/ Thương mại điện tử; Đầu tư tài chính và Bất động sản.

Khi đi tìm định hướng nghề nghiệp, thế hệ trẻ gen Z ngày nay coi “Internet là chân ái” và ưu tiên các yếu tố cá nhân như năng lực bản thân hay sở thích cá nhân nhiều hơn 3-4 lần so với việc tham khảo ý kiến từ cha mẹ, người thân, rất khác với các thế hệ trước.

Tư duy độc lập này càng được củng cố hơn khi 2 năm đại dịch Covid-19 vừa qua, nếu như hầu hết người đi làm có kinh nghiệm có nhiều thay đổi về định hướng công việc, thì 60% gen Z cho rằng Covid-19 không tác động nhiều đến định hướng của các bạn, hoặc nếu có chỉ xoay quanh việc chậm trễ thời điểm ra trường hay một số môn học.

Ngoài độc lập trong suy nghĩ, gen Z luôn hướng tới sự tự do trong hành động. Đây cũng là lý do khi lựa chọn nghề nghiệp, gen Z có xu hướng “mở” hơn nhiều so với các thế hệ trước như: Thay vì xin việc tại các công ty đã ổn định, 32% gen Z cởi mở tham gia các công ty khởi nghiệp.

Có tới 7% gen Z chọn làm việc tự do (Freelance) hoặc tự kinh doanh ngay khi ra trường chứ không chờ đi làm công sở để tích lũy tiền và kinh nghiệm như lẽ thường. Với các gen Z đã đi làm công sở, trong nhóm nghỉ việc, có tới 47% gen Z chia sẻ rằng họ muốn tìm kiếm một công việc tự do hơn về giờ giấc và địa điểm làm việc.

Hơn thế, Gen Z không quá kén chọn loại hình công ty để bắt đầu sự nghiệp. Tỷ lệ gen Z chọn doanh nghiệp đa quốc gia và doanh nghiệp Việt tương ứng là 70% và 60%, không quá khác biệt. Điều này rất khác với thế hệ Y trước đó. Cụ thể, khảo sát của Universum năm 2015 cho thấy tỷ lệ người trẻ gen Y khi mới đi làm thích doanh nghiệp đa quốc gia hơn gấp 5 lần tỷ lệ thích làm cho doanh nghiệp Việt.

Với nhiều lợi thế, kiến thức rộng và tư duy cởi mở, gen Z tất nhiên có nhiều kỳ vọng khi đi làm. Cụ thể, mức lương kỳ vọng trung bình mà gen Z mong muốn cho công việc chính thức đầu tiên sau ra trường là 8,4 triệu/tháng. 88% sinh viên khá giỏi chia sẻ rằng họ mong muốn trở thành quản lý trong vòng 2 năm.

Ngoài kỳ vọng về Thu nhập và Phát triển, gen Z cũng mong muốn  các mục tiêu nghề nghiệp đa dạng khác như: “Mở rộng các mối quan hệ”, “Trải nghiệm thú vị, đa dạng” và“Cân bằng công việc – cuộc sống”.

62% sinh viên thế hệ gen Z nhảy việc trong năm đầu ra trường

Tuy vậy, khảo sát trên nhóm gen Z đã ra trường và đi làm trong vòng 1-2 năm qua cũng cho thấy nhiều bạn trẻ thế hệ Z cũng có dấu hiệu “rơi đà” và chông chênh khi bước chân vào chốn công sở. Cụ thể:

95% gen Z khi ngồi trên ghế nhà trường tin rằng nếu có công việc chính thức đầu tiên sau tốt nghiệp, các bạn sẽ gắn bó ít nhất 1 năm, nhưng thực tế sau khi ra trường chỉ có 38% các bạn hiện thực hóa niềm tin đó. 62% các bạn nhảy việc ngay trong năm đầu tiên, nhiều bạn thậm chí còn nhảy vài lần trong 1 năm.

88% sinh viên khá giỏi thế hệ gen Z muốn trở thành quản lý sau 2 năm ra trường 1

Lương thực tế không cao như kỳ vọng, 65% các bạn chia sẻ rằng mức lương đầu tiên nhận về khá khiêm tốn, dao động từ 4-8 triệu/tháng, chủ yếu là mức 6-7 triệu/tháng. Giấc mơ “lên sếp” sau 2 năm cũng tan tành vì nhiều lý do, trong đó chủ yếu là vì “độ chênh” giữa cách gen Z tự đánh giá về mình và cách công ty đánh giá về những gì gen Z làm được và chịu trách nhiệm được.

Gen Z đánh giá cao việc mình có ý tưởng và công sức đã bỏ ra, nhưng các sếp thì đánh giá nhân viên dựa vào tính khả thi của ý tưởng và kết quả cuối cùng. Với thói quen mọi thứ sẽ có “chỉ sau một chạm”, dễ hiểu rằng gen Z có nhu cầu “ngay và luôn” trong mọi thứ, bao gồm cả tốc độ thăng tiến trong sự nghiệp hay quyết định chuyển việc, trong khi doanh nghiệp thì lại cần những nhân viên chuyên môn có sự tích lũy sâu và cam kết dài theo thời gian.

Một lý do khác khiến Gen Z luôn cảm thấy chênh vênh là vì những định kiến, “nhãn mác” khác biệt từ các đồng nghiệp ở thế hệ trước. Nếu gen Z đánh giá mình tự tin, năng động, cá tính, đa nhiệm và nhiều ý tưởng, thì trong mắt các thế hệ khác họ dễ bị “gán những chiếc tag” như tự cao, yếu bản lĩnh, kém sức bền, quái tính, ít tập trung và thiếu thực tế. Điều này dẫn đến những sự “đụng độ thế hệ” không cần thiết chốn công sở.

Những thách thức này khiến nhiều gen Z “tan tành giấc mộng lành”, “cột sống luôn ở tình trạng bất ổn ”, và kết quả là gen Z cứ rơi vào vòng lẩn quẩn của chán việc - nghỉ việc - nhảy việc.

“Thực tế thì thế hệ nào cũng có điểm mạnh, điểm yếu riêng. Để giảm bớt thực trạng nguồn nhân lực bất ổn do gen Z “đau cột sống là nhảy việc”, bản thân các sếp có thể thay đổi cách làm việc và quản lý gen Z. Không phải ngẫu nhiên mà các công ty hấp dẫn nhân sự trẻ như Coca-Cola, FWD hay Lixil đều dùng nền tảng truyền thông và tương tác nội bộ hiện đại của Workplace by Meta để tạo trải nghiệm nhân viên dễ chịu và tăng tốc độ ra quyết định.

Hãy tin rằng gen Z là những viên ngọc thô đầy tiềm năng mà công ty nào nhanh chân mài dũa và đầu tư để thích ứng thì sẽ là người thắng cuộc trong cuộc chiến nhân tài trẻ đang diễn ra vô cùng mạnh mẽ hiện nay.” – bà Thanh Nguyễn, giám đốc điều hành  & truyền cảm hứng Hạnh phúc Anphabe chia sẻ.

Top 50 Thương hiệu Nhà tuyển dụng hấp dẫn với sinh viên Việt Nam năm 2022 tập hợp nhiều tên tuổi lớn thuộc cả khối doanh nghiệp nội và khối ngoại như: Công ty TNHH Nước Giải Khát Coca-Cola Việt Nam, Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ FWD Việt Nam, Nestlé Việt Nam, Ngân Hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank), Công ty TNHH Kuehne + Nagel, Viettel Group, Masan Group, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Unilever Việt Nam, Suntory PepsiCo Việt Nam, Công Ty Cổ Phần Tập Đoàn Xây Dựng Hòa Bình…

88% sinh viên khá giỏi thế hệ gen Z muốn trở thành quản lý sau 2 năm ra trường 2

Những tên tuổi mới xuất hiện trong Top 50 Thương hiệu Nhà tuyển dụng hấp dẫn với sinh viên Việt Nam năm 2022 có: One Mount Group, Lazada Việt Nam, CÔNG TY TNHH LIXIL VIỆT NAM, L'Oréal Việt Nam, Công Ty Cổ Phần Dược Phẩm Pharmacity, Công ty TNHH AEON Việt Nam, Manulife Việt Nam, Công ty Cổ phần Marico South East Asia, FrieslandCampina Việt Nam, Mondelez Kinh Đô Việt Nam, Công ty TNHH ABB Automation & Electrification Việt Nam, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB)...

K.Thoa/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO