Người ta thường đổ lỗi cho stress và lịch làm việc bận rộn khiến cho giấc ngủ không sâu và khi thức dậy có cảm giác mệt mỏi mà không biết rằng, chính những thói quen xấu mới là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này.
Dưới đây là 8 lý do khiến bạn luôn cảm thấy thiếu sức sống vào mỗi buổi sáng.
8. Sinh hoạt không điều độ
Cuộc sống của chúng ta vận hành theo một nhịp độ hàng ngày (hay còn gọi là đồng hồ sinh học) – một chu kỳ ngủ-thức đều đặn.
Nếu bạn không ngủ vào một khung giờ cố định mỗi đêm, bạn sẽ phá vỡ nhịp độ này, gây ra hiện tượng lờ đờ, mệt mỏi.
Hãy sống khoa học, thiết lập thời gian biểu hàng ngày và đi ngủ đúng giờ, đó là bước đầu để có một ngày làm việc hiệu quả.
7. Ngủ bù vào cuối tuần
Với nhiều người, cuối tuần là thời gian ngủ bù vì ngày thường chỉ được ngủ 5 – 6 tiếng mỗi ngày.
Tuy nhiên, các chuyên gia sức khỏe khuyến cáo, điều này hoàn toàn phản khoa học vì như vậy sẽ làm rối loạn đồng hồ sinh học.
Hậu quả là, ngoài chứng rối loạn giấc ngủ, bạn có thể tăng nguy cơ béo phì, tiểu đường tuýp 2 và các bệnh về tim mạch.
Để tránh điều này, cố gắng chỉ ngủ nhiều hơn 1 tiếng vào ngày nghỉ.
6. Ấn nút ‘Snooze’ (hoãn báo thức)
‘Chèo kéo’ thêm 15 phút báo thức không hề có lợi cho bạn. Khi ngủ tiếp, bạn có thể rơi vào trạng thái ngủ sâu và cảm thấy mệt mỏi hơn khi thức dậy.
Tốt nhất là hãy đặt chuông vào đúng thời điểm bạn phải dậy – đó cũng là một cách để rèn luyện ý chí.
5. Quá nhiều ánh sáng trong phòng
Nếu mắt bạn cảm nhận được ánh sáng, cơ thể sẽ hạn chế sản sinh hoocmon ngủ melatonin, có thể gây ra chứng rối loạn giấc ngủ.
Phản ứng này xảy ra cả với ánh sáng tự nhiên và nhân tạo, bao gồm ánh sáng từ nút bấm điều khiển tivi hoặc màn hình điện thoại, vì thế tốt nhất là hãy tắt tất cả các thiết bị điện khi đi ngủ.
4. Bỏ bữa sáng
Bữa sáng là thời điểm đồng hồ sinh học bắt đầu đếm ngược cho tới lần nghỉ ngơi tiếp theo của cơ thể.
Nếu khoảng thời gian sau khi thức dậy đến khi ăn bữa đầu tiên trong ngày quá dài, cơ thể sẽ tăng lượng hoocmon stress cortisol khiến bạn mệt mỏi, căng thẳng.
3. Ăn tinh bột và đồ ngọt trước khi đi ngủ
Ăn trước khi ngủ không chỉ có hại cho cơ thể mà còn khiến bạn ngủ không ngon, nhất là với những loại đồ ăn chứa nhiều tinh bột vì lượng cortisol trong cơ thể sẽ tăng đột biến.
Tốt nhất là trước khi đi ngủ 5 tiếng, bạn đừng nên ăn pizza, bánh ngọt hoặc khoai tây mà thay bằng những thức ăn nhẹ hơn như sữa chua hoặc thịt nạc.
2. Phòng ngủ bừa bộn
Theo các nhà nghiên cứu, phòng ngủ bề bộn khiến bạn ngủ không ngon vì luôn có cảm giác vẫn chưa hoàn thành xong các công việc trong ngày.
Ngược lại, phòng ngủ sạch sẽ và ga trải giường mới tinh kích thích bạn đi ngủ sớm hơn và ngủ ngon giấc hơn.
Vì vậy, hãy luôn dọn dẹp và lau chùi phòng ngủ để có một giấc ngủ sâu.
1. Tắm nước nóng trước khi ngủ
Tắm nước nóng sẽ giúp bạn thư giãn và ngủ ngon nhưng phải một lúc lâu sau khi tắm bạn mới có thể ngủ được.
Lý do là vì khi đến giờ ngủ, cơ thể sẽ phát ra tín hiệu – làm giảm thân nhiệt và nếu bạn tắm nước nóng, tín hiệu này sẽ bị nhiễu.
Vì vậy, các chuyên gia khuyên hãy tắm nước nóng ít nhất 1 tiếng rưỡi – 2 tiếng trước giờ ngủ.
Quỳnh AnhBạn đang xem bài viết 8 thói quen cần loại bỏ ngay để có một giấc ngủ ngon và thức dậy tràn trề năng lượng tại chuyên mục Tin y tế của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].