1. Để điện thoại trên bàn ăn
Để điện thoại trên bàn ăn có thể giúp bạn dễ theo dõi các thông báo, nhưng lại là hành vi kém lịch sự.
Vì nó làm bạn mất tập trung khỏi những người bạn đang cùng dùng bữa và tạo nên trải nghiệm bữa ăn không được dễ chịu cho tất cả mọi người, kể cả chính bạn.
Xem thêm: 7 quy tắc lịch sự khi dự đám cưới ai cũng cần biết
2. Bắt chuyện bằng những chủ đề gây tranh cãi
Chúng ta đang sống trong thời đại mà mọi người chia sẻ quá mức, và nói chuyện quá thẳng thắn không có nghĩa là phù hợp.
Việc mở đầu câu chuyện bằng những điều gây sốc sẽ chỉ làm bạn trông càng thiếu trưởng thành.
Bạn nên tránh nói chuyện về tôn giáo, chính trị, sắc tộc,... Thay vào đó, hãy tập trung vào những chủ đề an toàn như bạn bè,gia đình, sở thích, phim ảnh, đồ ăn, thể thao,...
3. Dùng biểu tượng cảm xúc trong email công việc
Nhiều người coi email công việc như là tin nhắn. Tuy nhiên bạn không nên viết email quá suồng sã.
Email công việc vẫn cần có giới thiệu trang trọng, tiêu đề thư phù hợp, lời chào và kết thư đầy đủ.
4. Đăng mọi thứ bạn làm trên mạng xã hội
Tuổi "teen" có thể đăng mọi thứ trên mạng xã hội từ khi ăn sáng tới lúc đi ngủ, nhưng với người trưởng thành, bạn nên thanh lọc trang cá nhân của mình.
Từ rủi ro bị đánh cắp thông tin, đến quyền riêng tư, tới những vấn đề liên quan đến công việc, có nhiều lý do để bạn thận trong khi chia sẻ trên mạng xã hội.
Bất cứ điều gì bạn đăng, ngay cả khi bạn xóa đi sau đó, đều có thể tồn tại trên mạng suốt đời.
Ngay cả khi bạn không đăng chế độ công khai thì người khác vẫn có thể chụp màn hình và phát tán cho mọi người.
5. Ngồi khi được giới thiệu với người khác
Thông thường, cả hai bên đều nên đứng dậy khi lần đầu được giới thiệu với nhau.
Ví dụ khi bạn đang ngồi ở bàn làm việc hoặc bàn tiệc và gặp gỡ một người mới, hãy dành chút thời gian đứng dậy và bắt tay với họ.
Cử chỉ nhỏ này cho thấy bạn tôn trọng cuộc gặp gỡ. Đó là phép lịch sự mà tất cả mọi người đều nên tuân thủ.
6. Mang thêm khách không mời mà đến
Trừ những bữa tiệc không chính thức mà mọi người đều được chào đón hoặc bạn có thể mang thêm "tệp đính kèm" cùng với mình, nếu không bạn phải hiểu rằng bữa tiệc đó chỉ dành cho những người được mời.
Nếu thiệp mời không kèm thêm một người khác thì bạn đừng tự ý mang theo vị khách không mời nào tới.
Nếu bạn có thay đổi trong tình trạng mối quan hệ, hãy hỏi chủ bữa tiệc xem liệu bạn có thể mang thêm vợ/chồng mình đến hay không.
7. Không gửi lời cảm ơn
Một lỗi nhiều người mắc phải, đó là quên cảm ơn người tặng quà cho mình.
Với những món quà lớn, như quà cho sinh nhật hay đám cưới, thì chỉ một lời nói "cảm ơn" có thể là không đủ, bạn nên gửi một tấm thiệp hoặc thư cảm ơn tới người tặng.
8. Đeo tai nghe khi nói chuyện với người khác
Đeo tai nghe khi đang nói chuyện với người khác là một hành vi vi phạm nghiêm trọng về phép xã giao.
Điều này có thể khiến người khác cảm thấy bạn không quan tâm đến những gì họ nói và bạn không thực sự lắng nghe.
Hãy luôn tháo tai nghe khi nói chuyện với người khác, kể cả khi tai nghe không phát âm thanh.
(Theo Rd)
Hoàng NguyênBạn đang xem bài viết 8 lỗi lịch sự bạn nên ngừng mắc phải sau tuổi 30 tại chuyên mục Kỹ năng sống của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].