1. Disney là người vẽ nên chuột Mickey
Cho đến nay, mỗi khi nhắc đến chú chuột Mickey nổi tiếng, nhiều người nghĩ ngay tới tên của Walt Disney. Nhưng ông không phải người đầu tiên tạo nên biểu tượng kinh điển của Disney này, mà người đó lại là Ub Iwerks - người đàn ông đứng sau rất nhiều thành tựu của Walt Disney nhưng lại chẳng mấy ai hay biết.
Ub Iwerks (1901 - 1971) là người bạn thân thiết và cũng là một cộng sự luôn kề vai sát cánh với Walt Disney, ngay từ trước khi Mickey ra đời, hai người đã cùng nhau thực hiện bộ phim về chú thỏ Oswald khá nổi tiếng bấy giờ.
Bộ phim đầu tiên về chuột Mickey ('Chiếc máy bay điên rồ') đã được Ub Iwerks thực hiện một mình và hoàn toàn bí mật.
Ban ngày, ông đặt những bản vẽ thỏ Oswald lên trên để không ai biết mình đang làm gì. Đêm đến, ông miệt mài vẽ, trung bình khoảng 600 - 700 bức vẽ mỗi đêm.
Ông cũng là người đầu tiên phát minh ra kỹ thuật Multiplane camera (kỹ thuật trong hoạt hình truyền thống khi kéo các tranh qua lại trước máy quay ở nhiều tốc độ và khoảng cách xa gần khác nhau để tạo cảm giác 3D).
Tuy nhiên, khi Iwerks thực hiện nó với 'Valiant Tailor', bộ phim không mấy thành công. Sau này, Disney đã áp dụng kỹ thuật này cho 'Nàng Bạch Tuyết và 7 chú lùn', thành công đến nỗi nhiều người tưởng rằng Disney là người đầu tiên áp dụng kỹ thuật này.
2. Napoleon rất lùn
Người ta vẫn truyền tai nhau về chiều cao khiêm tốn của Napoleon, đến nỗi nhiều người khi hình dung về ông là nghĩ đến thân hình 'ngắn một mẩu'.
Thậm chí, tên ông đã được đặt cho một hội chứng tâm lý - 'phức cảm Napoleon' - chỉ những người đàn ông mang mặc cảm tự ti về ngoại hình thiếu nam tính sẽ thường bù đắp điều đó bằng những hành vi gây hấn, bạo lực hay tham vọng quyền lực.
3. Mozart bị Salieri ganh ghét vì luôn 'trên cơ' Salieri
Antonio Salieri (sinh ngày 18 tháng 8 năm 1750 tại Legnago - mất ngày 7 tháng 5 năm 1825 tại Viên) là nhà soạn nhạc, nhạc trưởng, nhà sư phạm người Ý.
Lâu nay, nhiều người vẫn cho rằng Antonio Salieri và Wolfgang Amadeus Mozart là những kỳ phùng địch thủ căm ghét nhau đến nỗi nhà soạn nhạc Italia đã rắp tâm giết hại thần đồng âm nhạc Áo.
Tuy nhiên, trong thực tế có rất ít bằng chứng cho thấy mối quan hệ giữa hai nghệ sĩ tài danh này đặc biệt gay gắt. Bên cạnh đó, Salieri cũng có sự nghiệp vô cùng thành công, nên việc Salieri ghen ghét với Mozart vì cảm thấy mình thua kém cũng chỉ là võ đoán.
Mặc dù Mozart công khai đả kích Salieri nhưng các ghi chép từ thời đại của hai người dường như chỉ ra rằng Salieri ủng hộ công việc của Mozart. Các bằng chứng hiện tại cho thấy Mozart chết vì bệnh tật thì đúng hơn so với việc Mozart chết vì bị sát hại.
4. Magellan là người đầu tiên đi vòng quanh thế giới
Nhà thám hiểm người Bồ Đào Nha Ferdinand Magellan thường được cho là người đầu tiên đi vòng quanh thế giới qua đường biển, nhưng trên thực tế thì hành trình của ông hơi phức tạp một chút.
Magellan khởi hành vào tháng 9 năm 1519 với nỗ lực lớn nhằm tìm ra một tuyến đường biển đi từ phương Tây tới vùng Đông Ấn giàu hương liệu, mà ngày nay là vùng Indonesia.
Mặc dù đã đưa thành công thủy thủ đoàn của mình vượt qua Đại Tây Dương, đi qua eo biển phía nam Nam Mỹ và vượt qua vùng biển Thái Bình Dương rộng lớn, song ông đã chết khi mới đi được nửa hành trình trong một trận giao chiến với thổ dân trên đảo Mactan thuộc Philippines.
Cái chết của Magellan nghĩa là cá nhân ông đã không đi được trọn vòng quanh thế giới, nhưng thủy thủ đoàn của ông đã tiếp tục hành trình mà không có ông. Vào tháng 9 năm 1522, một con tàu trong đoàn đã trở về Tây Ban Nha an toàn sau khi đi trọn vẹn một vòng quanh thế giới.
Trong số 260 thủy thủ ban đầu của đoàn thám hiểm, chỉ có 18 người còn sống sót sau chuyến hành trình gian khổ kéo dài ba năm.
5. Cleopatra là người Ai Cập
Nhiều người nghĩ rằng Cleopatra là người Ai Cập đơn giản vì bà là... Nữ hoàng Ai Cập.
Thực tế, Cleopatra - Nữ Pharaoh của Ai Cập cổ đại - là thành viên cuối cùng của nhà Ptolemaios, vì thế bà là nhà cai trị người Hy Lạp cuối cùng ở Ai Cập. Bà cai trị với tư cách Nữ vương trong giai đoạn năm 51 TCN tới khi qua đời ở tuổi 39 vào năm 30 TCN.
Theo văn hóa và ngôn ngữ, Cleopatra là một người Hy Lạp, là thành viên đầu tiên trong gia đình (trong giai đoạn cầm quyền 300 năm của họ tại Ai Cập) đã học tiếng Ai Cập.
Cleopatra nổi tiếng vì sắc đẹp mê hoặc, giọng nói có sức hút và sự thông thái của bà. Theo Plutarch, Cleopatra có thể nói 9 thứ tiếng và rất thành thạo trong giao tiếp. Bà đã được hưởng một nền giáo dục toàn diện, được trao quyền và bộc lộ tài lãnh đạo từ rất sớm.
6. Khi còn nhỏ, Einstein dốt toán
Chúng ta vẫn thường bị huyễn hoặc rằng, Albert Einstein - một người tiên phong trong lĩnh vực vật lý hiện đại, cha đẻ của thuyết tương đối và một trong những bộ óc vĩ đại nhất của mọi thời đại, học dốt toán khi còn nhỏ.
Thực tế không phải vậy. Theo thú nhận của chính Einstein, ông từng cân nhắc trở thành nhà toán học thay vì muốn làm chuyên gia vật lý. Vậy sự lầm tưởng bắt nguồn từ đâu?
Tiến sĩ Karl S. Kruszelnicki, một nhà bình luận khoa học nổi tiếng trên kênh phát thanh và truyền hình Australia, nhận định nó có thể đơn giản xuất phát từ hệ thống cho điểm khi Einstein còn đi học.
Thời điểm Einstein còn ngồi trên ghế nhà trường, hệ thống đánh giá xếp hạng học sinh theo một thang điểm từ 1 đến 6, trong đó 1 là mức điểm cao nhất và 6 là thấp nhất.
Không lâu sau khi Einstein rời trường, hệ thống chấm điểm này bị đảo ngược với 6 là mức điểm cao nhất mà một học sinh có thể giành được. Do đó, bất kỳ ai nhìn vào bảng điểm của Einstein sau sự thay đổi này có thể có ấn tượng rằng ông là một học sinh kém theo hệ thống chấm điểm hiện đại hơn.
7. Edison là người phát minh ra bóng đèn
Đây là một hiểu lầm phổ biến, cũng như một số 'phát minh' thường được gán cho Edison dù ông chỉ là người phát triển hoặc mua lại nó:
Thứ nhất, là ông chỉ là người cải tiến bóng đèn điện để nó có thể dùng được lâu hơn, tin cậy và dễ sản xuất hàng loạt hơn chứ không phải người phát minh ra nó.
Thứ hai, điểm đáng chú ý của ông không phải là việc sản xuất ra sản phẩm (ví dụ như bóng đèn) mà làm thế nào để kiếm tiền từ nó. Ông đã thành lập công ty chiếu sáng mang tên mình (Edison Illuminating Company), và mở trạm phát điện (điện một chiều - DC) đầu tiên ở New York vào năm 1882.
Nhưng có lẽ vì phương pháp tiếp cận của Edison thiên về thực hành nhiều hơn là học lý thuyết nên ông gặp thất bại nhiều lần trước khi thành công.
Do đó Nicola Tesla cũng có nhận xét về Edison như sau: 'Nếu như Edison phải tìm một cái kim trong đống rơm thì ông ấy sẽ cần mẫn làm việc như một con ong, ông sẽ lần tìm từng cọng rơm để tìm ra bằng được cái kim. Tôi từng là nhân chứng đáng buồn cho những việc làm này của ông và biết rõ rằng, với một chút lý thuyết và tính toán ông ta có thể tiết kiệm được 90% công sức đã bỏ ra'.
8. Một quả táo rơi trúng đầu là 'nguồn cảm hứng' để Newton tìm ra định luật vạn vật hấp dẫn
Trong thực tế, chẳng có quả táo nào rơi trúng vào Newton cả. Tuy nhiên, quan sát một hiện tượng tự nhiên như táo rụng và sự vận hành của các hành tinh đã khơi nguồn cảm hứng đầu tiên để Newton cho ra đời các định luật Newton mà chúng ta được biết đến sau này.
Mai HoaBạn đang xem bài viết 8 hiểu lầm kinh điển về các nhân vật nổi tiếng trong lịch sử tại chuyên mục Muôn màu của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].