1. Thiếu tôn trọng
Sự thiếu tôn trọng hiện diện theo nhiều cách, có thể rõ ràng hoặc không, nhưng một khi đã xảy ra thì sẽ để lại nỗi đau không thể nào quên. Nó cũng có thể làm bạn dần mất đi sự tự tin, tự trọng của bản thân.
Nếu bạn thường xuyên chịu đựng sự thiếu tôn trọng từ nửa kia, bạn đang cho họ một tấm vé để chà đạp lên cảm xúc của mình.
2. Xâm phạm giới hạn
Giới hạn của mỗi người là ranh giới vô hình đánh dấu vùng an toàn trong mối quan hệ để đảm bảo cả bạn và người ấy tôn trọng nhau và cho nhau không gian riêng.
Nhưng nếu đối phương luôn phớt lờ và xâm phạm giới hạn của bạn thì sao? Bạn có thể sẽ đánh mất bản thân khi phá vỡ ranh giới của mình để nhường nhịn đối phương.
Hành vi chịu đựng như vậy không phải dấu hiệu của tình yêu, mà là của sự thiếu tự tin và thiếu lòng tự trọng.
3. Liên tục chỉ trích
Những lời chỉ trích cũng giống như con dao hai lưỡi. Một mặt, nó có thể giúp chúng ta phát triển, cải thiện bản thân thành phiên bản tốt hơn. Nhưng mặt khác, những lời chỉ trích liên tục và đầy tính sát thương sẽ khiến chúng ta nghi ngờ giá trị, năng lực của chính mình.
Trong một mối quan hệ, bạn cần nhớ bị chỉ trích khi sai là bình thường, nhưng liên tục bị hạ thấp bởi nửa kia thì không phải điều bình thường.
4. Thao túng cảm xúc
Thao túng cảm xúc có thể bắt đầu từ những việc nhỏ nhặt, ảnh hưởng quyết định và cảm giác của bạn. Dần dần, đối phương sẽ thao túng cảm xúc, hành động của bạn, biến bạn thành con rối của anh ta.
Nếu bạn nhận thấy mình luôn cố gắng hạ mình để chiều lòng đối phương, hoặc nghi ngờ bản thân chỉ vì một phản ứng hay lời bình luận của anh ta, thì rất có thể bạn đang bị thao túng tâm lý.
Một mối quan hệ lành mạnh cần có sự tôn trọng và thấu hiểu lẫn nhau, chứ không phải là kiểm soát và thao túng.
5. Không trung thực
Tính trung thực là xương sống của mọi mối quan hệ. Không có trung thực thì niềm tin sẽ tan vỡ và tình yêu sẽ úa tan.
Nếu bạn chấp nhận sự thiếu trung thực của nửa kia, phớt lờ các dấu hiệu cảnh báo và những lời nói dối nhỏ nhặt, có thể bạn đang quá sợ hãi không dám đối chất với nửa kia của mình.
Chỉ khi dũng cảm đối diện với vấn đề, bạn mới nhận ra những lời nói dối "nhỏ nhặt" đó có thể gây tổn thương lớn tới nhường nào.
Phớt lờ sự thiếu trung thực cũng giống như cho đối phương cơ hội để phản bội lòng tin của bạn.
6. Liên tục xin lỗi
Xin lỗi thường được cho là tốt, đó là dấu hiệu của việc hối lỗi và sẵn sàng sửa đổi. Nhưng nếu bạn liên tục chịu đựng những lời xin lỗi của nửa kia, thì chưa chắc đó đã là dấu hiệu tốt.
Khi câu nói "xin lỗi" thành câu cửa miệng trong mối quan hệ, nó sẽ mất đi giá trị và chỉ còn là một cách chống chế để đối phương tiếp tục hành vi không phù hợp của mình.
Xin lỗi mà không sửa đổi là một dạng thao túng. Nếu bạn thường xuyên nhận được những lời xin lỗi trống rỗng, vô nghĩa như thế, hãy tự hỏi lại bản thân về giá trị và lòng tự tin của mình.
7. Hành vi tồi tệ
Biện minh cho hành vi tồi tệ của nửa kia cũng giống như dán băng cá nhân lên một vết thương sâu. Nó có thể che giấu, nhưng không chữa lành được vấn đề.
Nếu bạn thường xuyên biện minh cho những hành vi tồi tệ của đối phương, đó có thể là vì bạn tự tin và thiếu tự tôn.
Bạn có thể nghĩ là mình đang thấu hiệu hoặc kiên nhẫn, song thực tế bạn chỉ đang chấp nhận cho hành vi không phù hợp của họ tiếp diễn.
8. Người không xứng đáng
Điều quan trọng nhất cần nhớ là bạn xứng đáng với sự tôn trọng, chân thành và tình yêu trong mối quan hệ. Bạn không bao giờ nên chấp nhận một người bạn đời không xứng đáng, người không tôn trọng bạn, nói dối bạn, cư xử tệ với bạn.
Bạn xứng đáng với người biết trân trọng giá trị của bạn, tôn trọng giới hạn của bạn và đối xử với bạn bằng sự tử tế cùng tình yêu thương.
Đừng bao giờ quên giá trị của bản thân và để bất cứ ai làm bạn cảm thấy mình đang đòi hỏi quá nhiều, trong khi tất cả những gì bạn muốn là những gì bạn xứng đáng được nhận.
(Theo Hackspirit)
Hoàng NguyênBạn đang xem bài viết 8 điều người phụ nữ tự tôn không bao giờ chịu đựng khi yêu tại chuyên mục Giải mã Tình yêu của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].