Theo BS. Nguyễn Thị Diệu Linh, Khoa Nội A - Lão khoa - Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An, những triệu chứng này ảnh hưởng lớn tới chất lượng cuộc sống, tăng nguy cơ té ngã, giảm khả năng lao động của người bệnh và đặt ra những yêu cầu về việc dự phòng cũng như chăm sóc điều trị.
1. Biểu hiện của rối loạn tiền đình
- Biểu hiện chóng mặt: người bệnh mắc rối loạn tiền đình có cảm giác như bị chao đảo, quay cuồng, khó khăn trong việc đứng lên ngồi xuống, thậm chí có người không thể đứng lên được.
- Mất thăng bằng: cảm thấy lâng lâng, lúc muốn di chuyển được phải bám víu vào người hoặc vật khác.
- Mất ngủ, rối loạn lo âu, nhận thức: Người bệnh rối loạn tiền đình khó tập trung, lo lắng quá mức, giảm khả năng chú ý, đầu óc người bệnh thường trong trạng thái lâng lâng, mơ hồ, hay bị mất tập trung và có cảm giác sợ ngã.
- Ngoài ra còn bệnh nhân có thể có hoa mắt, giảm thị lực, nhạy cảm với ánh sáng, ù tai, tim đập nhanh, hồi hộp, đánh trống ngực, buồn nôn, nôn, tăng huyết áp hoặc huyết áp thấp.
- Ở một số trường hợp, người bệnh còn bị run rẩy, tê bì chân tay, đau đầu,…
2. Các yếu tố làm tăng nguy cơ rối loạn tiền đình
- Tuổi tác: người cao tuổi thường dễ mắc cảm giác mất thăng bằng hoặc các bệnh lý gây ra hiện tượng chóng mặt.
- Tiền sử bị chóng mặt: những ai trước đây từng bị chóng mặt thì cũng có nhiều khả năng tương lai sẽ tái diễn tình trạng này.
- Sử dụng các chất kích thích như rượu, bia
- Rối loạn lo âu, rối loạn giấc ngủ, tình trạng căng thẳng
3. Điều trị rối loạn tiền đình
- Điều trị bao gồm: điều trị nguyên nhân gây ra rối loạn tiền đình, điều trị triệu chứng chóng mặt và nôn, điều trị phục hồi chức năng tiền đình.
- Phục hồi chức năng: Các bài tập rèn luyện não bộ, kích thích sự vận động, nhạy bén của hệ thống tiền đình có hiệu quả rất lớn trong phục hồi chức năng cho bộ phần đầu, cơ thể, thị giác.
- Tập luyện thể thao: Tập luyện ở mức độ phù hợp với tình trạng sức khỏe sẽ giúp người bệnh tăng cường sức khỏe, và hỗ trợ phục hồi hệ thống tiền đình một cách nhanh chóng.
- Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh: Đây được coi là “chìa khóa vàng” trong việc cải thiện sức khỏe đáng kể cho người bệnh và hạn chế các triệu chứng.
- Sử dụng thuốc kê toa: Tùy thuộc vào tình trạng bệnh lý của mỗi người, bác sĩ sẽ đưa ra phương án phù hợp về thời gian, liều lượng dùng thuốc.
- Một số phương pháp điều trị khác: Nghiệm pháp tái định vị sỏi tai (Epley maneuver) trong điều trị chóng mặt tư thế kịch phát lành tính hoặc phẫu thuật nhằm phục hồi chức năng của tai trong khi có chỉ định.
4. Phòng tránh rối loạn tiền đình
Để phòng tránh rối loạn tiền đình, BS Linh khuyên mọi người nên thực hiện những điều sau đây.
- Luyện tập thể dục đều đặn và hợp lý.
- Tránh tình trạng căng thẳng lo lắng.
- Tránh đọc sách báo khi ngồi trên các phương tiện đang di chuyển như ô tô, máy bay,…
- Có chế độ dinh dưỡng cân bằng, lành mạnh, uống đủ nước.
- Hạn chế sử dụng chất kích thích như bia, rượu, thuốc lá…
- Đối với những người bị rối loạn tiền đình, cần thận trọng khi hoạt động vùng đầu cổ. Không nên quay cổ đột ngột hoặc thay đổi tư thế đứng lên ngồi xuống quá nhanh.
- Khi có dấu hiệu của bệnh, nên đi khám chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.
BS. Nguyễn Thị Diệu Linh
Khoa Nội A - Lão khoa - Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An
Bạn đang xem bài viết 7 việc nên làm để phòng tránh rối loạn tiền đình tại chuyên mục Các bệnh của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].