1. Do thời tiết
Nguyên nhân đầu tiên chúng ta nghĩ đến khi bị lạnh chân đó là do thời tiết. Đúng là vào mùa đông, chúng ta thường cảm giác lạnh cóng ở bàn chân.
Một số người còn có triệu chứng rất nghiêm trọng như tê bì ngón tay, chân khi tiếp xúc với nhiệt độ thấp hoặc do quá căng thẳng, lo lắng về một vấn đề nào đó.
2. Do vấn đề lưu thông máu
Những vấn đề lưu thông máu cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến bàn chân bị lạnh. Lưu thông máu kém sẽ khiến máu đến tứ chi ít hơn và khiến chân tay bị lạnh thường xuyên.
Lưu thông máu kém có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau. Ví dụ như do lối sống, ngồi quá nhiều cũng có thể giảm sự lưu thông máu đến chân.
Ngoài ra, hút thuốc lá, nồng độ cholesterol cao, bệnh tim cũng có thể gây ra nguy cơ bàn chân lạnh.
3. Do căng thẳng, lo lắng
Một trong những phản ứng tự nhiên của cơ thể khi bị căng thẳng, lo lắng đó là bơm hormone adrenaline vào máu. Khi lưu thông, adrenaline gây co bóp các mạch máu và giảm sự lưu thông máu đến các cơ quan trong cơ thể. Đó là lý do tại sao bàn chân bị lạnh khi chúng ta căng thẳng.
Vì vậy, để tránh không để bàn chân bị lạnh, chúng ta nên giảm căng thẳng, bớt lo lắng hơn trong cuộc sống cũng như công việc.
4. Tiểu đường
Bàn chân bị lạnh thường xuyên có thể là dấu hiệu của bệnh tiểu đường. Vì nồng độ đường huyết cao có thể làm hẹp các động mạch và giảm sự lưu thông máu đến các tế bào và gây ra hiện tượng bàn chân lạnh.
Một số bệnh nhân tiểu đường nếu không được kiểm soát có thể có biến chứng dây thần kinh ngoại biên gây tổn thương dân thần kinh.
Ngoài ra, chúng ta có thể thấy một số triệu chứng khác như tê bì, đau rát ở chân, bàn chân và dấu hiệu càng rõ rệt khi về đêm.
5. Thiếu máu
Thiếu máu xảy ra khi cơ thể có quá ít các tế bào hồng cầu bình thường trong cơ thể. Nó có nhiều nguyên nhân khác nhau, như thiếu vitamin B12, thiếu sắt, folate, sắt hoặc do bệnh thận mãn tính.
Khi bị thiếu máu, bệnh nhân có thể thấy bàn chân bị lạnh.
6. Suy giáp
Suy giáp xảy ra khi tuyến giáp sản xuất quá ít hormone tuyến giáp và ảnh hưởng đến sự trao đổi chất của cơ thể.
Trong khi đó, sự trao đổi chất ảnh hưởng đến sự lưu thông máu, nhiệt độ cơ thể và nhịp tim. Nên bất kỳ tác nhân nào ảnh hưởng đến chức năng tuyến giáp, nó có thể dẫn đến bàn chân bị lạnh.
Ngoài ra, suy giáp có thể gây ra những triệu chứng như tăng cân, mệt mỏi và gặp vấn đề về trí nhớ.
7. Rối loạn dây thần kinh
Rối loạn dây thần kinh cũng có thể dẫn đến bàn chân bị lạnh. Dây thần kinh bị tổn thương có thể là do chấn thương hoặc do một vài vấn đề về sức khỏe nào đó.
Biến chứng viêm dây thần kinh ngoại biên có thể do bệnh về gan, thận, nhiễm trùng hoặc do gen. Nó có thể gây ra một số triệu chứng khác như ngứa ran, tê bì tay chân.
Cách chữa bàn chân lạnh như thế nào?
Nếu bàn chân bị lạnh và kèm theo những triệu chứng khác như mệt mỏi, sốt, tăng cân, giảm cân bất thường, đau khớp, đau ngón tay, chân hoặc thay đổi về da, chúng ta nên đi khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, một số cách điều trị tại nhà có thể giúp bàn chân ấm và thoải mái hơn.
- Đi tất: Đi tất có thể giúp bàn chân ấm hơn, đặc biệt là vào mùa đông.
- Vận động: Giúp cải thiện vấn đề lưu thông máu và ngăn ngừa bàn chân lạnh. Chúng ta có thể tập thể dục đều đặn mỗi ngày, không nên ngồi quá lâu...
- Ngâm chân: Chúng ta có thể giúp bàn chân ấm hơn bằng cách ngâm chân trong nước ấm mỗi ngày. Liệu pháp này còn giúp chúng ta ngủ ngon hơn vào ban đêm.
(Theo Medical News)
Xem thêm Clip: 6 thực hẩm vàng cho bệnh nhân tiểu đường
Minh TrầnBạn đang xem bài viết 7 nguyên nhân bất ngờ khiến bàn chân lạnh: Không phải chỉ do thời tiết tại chuyên mục Tư vấn chuyên gia của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].