Canxi là một loại khoáng chất có vai trò rất quan trọng trong cơ thể người.
Canxi chiếm 1,5 - 2% trọng lượng cơ thể người. 99% lượng canxi tồn tại trong xương, răng, móng và 1% trong máu.
Trong cơ thể người, thành phần cơ bản cấu tạo nên xương và răng là canxi kết hợp với phospho, làm cho xương và răng chắc khỏe.
Ngoài ra, canxi còn cần cho quá trình hoạt động của thần kinh cơ, hoạt động của tim, chuyển hoá của thế bào và quá trình đông máu.
Vì vậy tình trạng thiếu hụt có thể gây ra nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng, bao gồm cả xương, cơ, răng và sức khỏe tinh thần.
Theo Medical News Today, nếu nguyên nhân thiếu hụt canxi là do chế độ ăn uống, thường sẽ không có triệu chứng sớm.
Về lâu dài, bạn có thể bị giảm mật độ xương, nếu không điều trị có thể dẫn đến loãng xương.
Tuy nhiên, chế độ ăn thường không phải là nguyên nhân chính gây thiếu canxi.
Tình trạng thiếu canxi chủ yếu là do các vấn đề sức khỏe hoặc việc điều trị, chẳng hạn như suy thận, phẫu thuật cắt dạ dày hoặc sử dụng một số loại thuốc như thuốc lợi tiểu.
Dưới đây là các triệu chứng cụ thể cảnh báo cơ thể bạn đang thiếu canxi.
1. Các vấn đề về cơ
Người bị thiếu canxi có thể gặp các vấn đề như:
- Đau nhức, chuột rút và co thắt cơ
- Đau đùi và cánh tay khi đi lại hoặc vận động
- Tê và ngứa ran ở bàn tay, cánh tay, bàn chân, chân và xung quanh miệng
Những triệu chứng này có thể xuất hiện và tự biến mất, nhưng chúng thường không biến mất khi vận động
Thiếu canxi nặng hơn có thể dẫn đến:
- Co giật
- Rối loạn nhịp tim
- Tử vong
2. Mệt mỏi nghiêm trọng
Nồng độ canxi thấp có thể gây mệt mỏi nghiêm trọng, dẫn đến thiếu năng lượng và cảm giác uể oải toàn thân. Nó cũng có thể dẫn đến mất ngủ.
Mệt mỏi liên quan đến thiếu canxi cũng có thể gây chóng mặt, choáng váng và sương mù não - biểu hiện đặc trưng là mất tập trung, hay quên và lú lẫn.
3. Triệu chứng ở móng, da
Thiếu canxi kéo dài có thể dẫn tới:
- Da khô
- Móng tay khô, giòn, dễ gãy
- Tóc dày, rễ tre
- Rụng tóc từng mảng (alopecia)
- Chàm hoặc viêm da có thể dẫn đến các mảng ngứa hoặc khô
- Bệnh vẩy nến
4. Loãng xương
Xương dự trữ canxi rất tốt, nhưng chúng cần hàm lượng canxi cao để duy trì độ cứng.
Khi nồng độ canxi tổng thể giảm, cơ thể có thể lấy một phần canxi từ xương, khiến xương trở nên giòn và dễ bị tổn thương.
Theo thời gian, thiếu canxi quá mức có thể làm giảm mật độ khoáng chất trong xương.
Điều này có thể dẫn đến bệnh loãng xương, khiến xương mỏng, dễ gãy, đau và các vấn đề về tư thế.
Mất nhiều năm để loãng xương và các biến chứng khác của thiếu canxi phát triển.
5. Hội chứng tiền kinh nguyệt nặng
Mức canxi thấp có thể làm hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS) nặng hơn.
Những người tham gia một nghiên cứu năm 2017 cho biết tâm trạng của họ được cải thiện và giảm nguy cơ tích nước sau khi uống 500 mg canxi mỗi ngày trong 2 tháng.
Trong một nghiên cứu năm 2019, các nhà nghiên cứu kết luận rằng mức vitamin D và canxi thấp trong nửa sau của chu kỳ kinh nguyệt có thể góp phần gây ra các triệu chứng của PMS.
Nhóm nghiên cứu đề xuất rằng việc bổ sung canxi có thể giúp giảm bớt các triệu chứng.
6. Vấn đề về răng miệng
Khi cơ thể thiếu canxi, nó sẽ lấy canxi từ các nguồn khác như răng. Điều này có thể dẫn đến các vấn đề về răng miệng, bao gồm:
- Sâu răng
- Răng giòn
- Nướu bị kích thích
- Chân răng yếu
Ngoài ra, thiếu canxi ở trẻ sơ sinh có thể ảnh hưởng đến quá trình phát triển răng.
7. Trầm cảm
Một số bằng chứng cho thấy thiếu canxi có thể liên quan đến các rối loạn tâm trạng, trong đó có trầm cảm. Tuy nhiên, cần thêm nghiên cứu để xác nhận điều này.
Nếu bạn nghi ngờ tình trạng thiếu canxi đang góp phần vào các triệu chứng của bệnh trầm cảm, hãy tham vấn ý kiến bác sĩ ngay.
Sau khi đo nồng độ canxi của bạn, bác sĩ có thể khuyên dùng các thuốc bổ sung canxi.
Hoàng NguyênBạn đang xem bài viết 7 dấu hiệu cho thấy cơ thể cần canxi tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].