1. Tại sao con người lại yếu đuối đến vậy?
‘Nếu bạn cạo bỏ lớp lông trên mình một con tinh tinh, chụp ảnh nó kể từ cổ trở xuống eo – lướt nhìn qua chắc nhiều người nhầm tưởng đó là một con người’ – Kevin Hunt, giám đốc của phòng thí nghiệm về Nguồn gốc con người và sự tiến hóa linh trưởng (Đại học Indiana, Hoa Kỳ) cho biết.
‘Xét về cấu trúc cơ, loài tinh tinh và con người khá giống nhau, nhưng không hiểu vì sao, loài tinh tinh thường khỏe gấp 2 – 3 lần so với con người’ – Hunt nhận xét.
Chưa có lý do rõ ràng nào giải thích tại sao chúng ta lại yếu đuối nhiều hơn đến vậy so với ‘người họ hàng’ thân cận với chúng ta như vậy. Có thể do điểm kết nối của các các cơ cũng như mật độ các sợi cơ của con người khác so với loài tinh tinh.
2. Tại sao đa số thuận tay phải mà không là tay trái?
9/10 người trong số chúng ta thuận tay phải. Bí ẩn hơn là, các nhà khoa học còn có giả thuyết là ngay từ giai đoạn đầu của tiến hóa đã có hiện tượng này.
Tại sao chỉ cần một tay với kỹ năng vận động hàng đầu, thay vì cả hai tay đều khéo léo ngang nhau?
Một lý thuyết cho rằng, đa số mọi người thuận tay phải là do hệ thống dây thần kinh phía bên não trái – hệ dây thần kinh chỉ đạo khả năng vận động, nói – phức tạp hơn.
Tuy nhiên, lý thuyết này lại bị phản biện bằng thực tế không phải tất cả những người thuận tay phải đều kiểm soát ngôn ngữ bởi bán cầu não trái, trong khi ½ những người tay trái lại theo kiểu đó. Thật là khó hiểu!
3. Ai sở hữu bầu sữa mẹ?
Giống như tất cả các con linh trưởng giống cái, bầu vú của con người chứa đầy sữa trong thời gian nuôi con.
Thế nhưng, bầu ngực của những phụ nữ độc thân cũng cương lên trong nhiều tình huống khác. Các nhà khoa học vẫn tiếp tục tranh cãi về vấn đề: bầu ngực phụ nữ phát triển là vì mục đích gì.
Rất nhiều nhà sinh học cho rằng bầu ngực phụ nữ hướng đến việc hấp dẫn đàn ông. Đàn ông nghĩ (một cách sai lầm) rằng những phụ nữ ngực to sẽ nuôi con tốt hơn, do đó bị hấp dẫn một cách bản năng bởi bầu ngực lớn.
Thực tế là, ngực phụ nữ chứa các mô mỡ, chứ không phải sữa (sữa nằm trong tuyến sữa, tương tự như các tuyến mồ hôi).
Trong khi đó, các nhà nhân chủng học thì cho rằng bầu ngực liên quan đến chức năng nuôi con chứ không phải hấp dẫn giới tính. Họ nhấn mạnh rằng ở nhiều nền văn hóa, đàn ông không đánh giá phụ nữ ngực lớn là sexy.
4. Khó lý giải về hệ ‘vi ô lông’
Hóa ra vấn đề này cũng không hề đơn giản. Một số nhà khoa học thì cho rằng ‘rừng rậm’ ở các bộ phận trên cơ thể nam và nữ nhằm mục đích thu hút về giới tính. Đây là dấu hiệu rõ ràng cho sự trưởng thành về mặt giới và chứa rất nhiều phân tử mùi.
Trong khi đó, một số ý kiến lại cho rằng đây là bộ phận giúp bảo vệ cho những phần ‘quý giá’ của cơ thể được ấm áp.
Một luồng ý kiến khác lại cho rằng đó là những vùng đệm, giảm bớt sự chà xát trong khi sex. Dù lý do là gì, thì nhiều người vẫn muốn hệ ‘vi ô lông’ biến mất.
5. Những vi khuẩn ngoại lai chiếm tới gần 2kg trong cơ thể
Bạn có tin là một vài thứ trong cơ thể bạn thực ra lại... không phải là cơ thể bạn.
Với mỗi tế bào trong cơ thể, có tới 10 vi khuẩn cư trú ở đó – tổng trọng lượng của chúng chiếm từ 1 – 3% trọng lượng cơ thể bạn. Tức là nếu 1 người nặng 60kg thì trọng lượng vi khuẩn họ mang trong người là 1.8 kg.
Một số ‘vị khách’ trong ngôi nhà cơ thể giúp làm sạch da của chúng ta, trong khi số khác giúp tiêu hóa thức ăn. Cũng có những vi khuẩn giúp cho cơ thể thực hiện các chức năng theo cách bí ẩn.
Con người rõ ràng là đã ký kết vào một bản hợp đồng ‘cộng sinh’ và không có ý tưởng gì về việc bước ra khỏi thỏa thuận.
6. Ruột thừa có tác dụng gì?
Anh bạn ruột thừa cũng mặc kẹt vào những câu hỏi về tác dụng giống như răng khôn, dái tai... những dấu vết về tiến hóa của con người chúng ta. Sự ‘vô dụng’ của cơ quan này dường như được chứng minh bởi thực tế là nó có thể bị cắt bỏ mà không có bất kỳ tác hại rõ ràng nào.
Tuy nhiên, các nhà sinh vật học gần đây đã bắt đầu đặt vấn đề ngược lại.
Một số gợi ý rằng nó có thể giúp đào tạo hệ thống miễn dịch trong quá trình phát triển của bào thai. Các nghiên cứu khác chỉ ra rằng cơ quan này hoạt động như một ‘ngôi nhà an toàn’ cho các vi khuẩn tiêu hóa, giúp phục hồi hệ vi khuẩn khi ruột bị ‘tàn phá’ sau mỗi lần tiêu chảy.
7. Sự kỳ diệu của não bộ
Làm cách nào mà 100 nghìn tỷ nơ ron thần kinh trong bộ não của chúng ta làm việc cùng nhau để tạo nên cảm giác về sự sống.
Rất nhiều nhà tư tưởng xem rằng nhận thức là bí ẩn lớn nhất – không phải chỉ của cơ thể người mà là bí ẩn lớn nhất của cả vũ trụ này.
V.S. Ramachandran, nhà thần kinh học người Ấn, hiện làm việc tại Mỹ, cho rằng: ‘Ngay cả những bộ não đơn lẻ, như bộ não của bạn, được hình thành từ những nguyên tử tạo thành ở một ngôi sao xa cách tồn tại hàng tỷ năm trước.
Với sự xuất hiện của con người, có thể nói, vũ trụ đột ngột trở nên có nhận thức về chính nó. Điều này thực sự chính là bí ẩn vĩ đại nhất’.
Phương PhươngBạn đang xem bài viết 7 bí mật khó lý giải về cơ thể người tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].