Thủ tướng đề nghị 2 Bộ trưởng gặp nhau để xem xét phụ cấp cho giáo viên

Tại Hội nghị triển khai năm học mới 2023-2024, Thủ tướng Chính phủ chỉ ra 6 vấn đề cần tập trung quan tâm của ngành giáo dục, 7 bài học kinh nghiệm và những việc cần làm.

 Chiều 18/8, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị Tổng kết năm học 2022 - 2023 và triển khai nhiệm vụ năm học mới 2023-2024. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến dự và chỉ đạo hội nghị. 

Sau khi nghe báo cáo tổng kết, các tham luận tại Hội nghị, Thủ tướng ghi nhận các kết quả ngành GD đã đạt được cũng như chỉ ra những hạn chế phải thẳng thắn nhìn nhận để khắc phục.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến dự và chỉ đạo hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học mới 2022 - 2023.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến dự và chỉ đạo hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học mới 2022 - 2023.

7 bài học kinh nghiệm

Thứ nhất, công tác phát triển GD-ĐT phải được đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý điều hành của Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và có sự chung tay, đồng lòng, đoàn kết của toàn dân.

Thứ hai, các văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản chỉ đạo, điều hành phải được thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn phát triển của đất nước và nhu cầu của người học.

Thứ ba, công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, quản trị các nhà trường cần được chú trọng; chủ động phát hiện vấn đề nảy sinh để có giải pháp giải quyết kịp thời, hiệu quả; bám sát thực tiễn hoạt động;

Đồng thời nắm bắt, dự báo những diễn biến mới để xác định, điều chỉnh một số chủ trương, chính sách, nhiệm vụ và giải pháp cho phù hợp trong quá trình triển khai. Kết hợp hợp lý giữa giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn.

Thứ tư, ưu tiên công tác phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, bảo đảm đội ngũ có đủ năng lực đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, đào tạo, có khả năng thích ứng với sự thay đổi;

Chủ động, tích cực tự học và tham gia bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; nêu cao tinh thần trách nhiệm, tâm huyết và tận tụy với nghề, thực sự là tấm gương cho học sinh noi theo.

Thứ năm, đầu tư thỏa đáng, sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách nhà nước đầu tư cho giáo dục, đào tạo; tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút nguồn lực xã hội; ưu tiên đầu tư nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm để bảo đảm khả thi, tránh lãng phí về nguồn lực và nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành.

Thứ sáu, công tác truyền thông chính sách, tuyên truyền cần phải được đẩy mạnh, chủ động, tạo sự đồng thuận của toàn xã hội, trước hết là của các thầy giáo, cô giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp.

Công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát và xử lý kiến nghị phải được thực hiện thường xuyên để phòng ngừa, ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng; kịp thời thanh tra, kiểm tra các vụ việc bức xúc xã hội liên quan đến giáo dục và đào tạo.

Thứ bảy, phải đẩy mạnh phong trào thi đua xã hội học tập, học tập suốt đời. Thủ tướng cho rằng phong trào xã hội học tập rất phù hợp, góp phần nâng cao tri thức, trí tuệ cho cả dân tộc và cho mỗi người, mỗi gia đình.

6 vấn đề cần quan tâm, hiệu quả

Thứ nhất, phải kiên quyết, kiên trì không cho ma túy, tệ nạn xã hội vào học đường, xâm hại đến sức khỏe, đạo đức và nhân cách của học sinh, sinh viên.

Thứ hai, phải khắc phục bằng được tình trạng bạo lực trong học đường, bảo đảm an ninh, an toàn trường học cho học sinh, giáo viên trong mọi hoàn cảnh.

Thứ ba, hệ thống sách giáo khoa cần được đổi mới nhưng phải bảo đảm chuẩn mực, có tính ổn định tương đối, phát triển.

Thứ tư, chú trọng nâng cao chất lượng hơn nữa giáo dục đại học, cao đẳng, giáo dục thường xuyên.

Thứ năm, rà soát lại việc dạy và học môn học giáo dục công dân trong trường học phổ thông, bảo đảm chất lượng, thực chất, hiệu quả.

Thứ sáu, có giải pháp nhanh chóng khắc phục tình trạng thiếu giáo viên mầm non, các trường học ở khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo.

Những việc cần làm

Thủ tướng yêu cầu Bộ GD&ĐT rà soát kỹ, lựa chọn phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 thực sự hiệu quả, phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển của đất nước, hoàn cảnh cụ thể của từng khu vực và sớm công bố để định hướng dạy, học, ôn thi, tạo sự yên tâm cho phụ huynh, học sinh.

Đổi mới phương thức thi, công nhận tốt nghiệp THPT theo hướng gọn, nhẹ, giảm áp lực, giảm tốn kém cho phụ huynh, học sinh, gia đình và xã hội nhưng phải bảo đảm chất lượng.

Đối với các bộ, ngành, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính phối hợp với Bộ GD&ĐT và các bộ, ngành liên quan có giải pháp tài chính hỗ trợ giáo viên vùng sâu, vùng xa, giáo viên mầm non. "Đề nghị 2 Bộ trưởng gặp nhau khẩn trương để xem xét về phụ cấp cho giáo viên" - Thủ tướng nhấn mạnh.

Bộ Nội vụ, Bộ GD&ĐT và các địa phương phối hợp kiểm tra, rà soát tình hình tuyển dụng biên chế giáo viên bổ sung cho các địa phương giai đoạn 2022-2026, bảo đảm nguyên tắc "có học sinh phải có giáo viên đứng lớp" nhưng phải phù hợp.

Thủ tướng nêu rõ, mỗi cán bộ, công chức, viên chức ngành giáo dục phải phát huy tinh thần tự lực, tự cường, vươn lên từ bàn tay, khối óc của mình để chăm lo sự nghiệp GD-ĐT.

Năm học 2022 - 2023, giáo dục trở lại bình thường mới sau dịch COVID-19, Bộ GD&ĐT đã tham mưu Chính phủ, ban hành chính sách hỗ trợ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học ngoài công lập gặp khó khăn do đại dịch COVID-19...

 Kỳ thi Olympic khu vực, quốc tế đạt kết quả cao với 11 huy chương vàng, 14 huy chương bạc, 12 huy chương đồng và 5 Bằng khen.

 Tỷ lệ tốt nghiệp THPT chung toàn quốc đạt 98,88%, được đánh giá khách quan kết quả học tập của các thí sinh và chất lượng dạy học ở các địa phương.

 Nhờ những nỗ lực trên, Bảng xếp hạng các quốc gia tốt nhất về giáo dục 2022 đánh giá Việt Nam xếp thứ 59 thế giới (tăng 5 bậc so với năm trước).

V.Linh

Tin liên quan

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính