Sau đây là 6 nguyên tắc để giúp con luôn luôn có suy nghĩ lạc quan, tích cực, từ đó phát triển tốt hơn cả về thể chất và tinh thần.
1. Dừng phàn nàn
Melissa Baldauf (Mỹ) thường phát hiện thấy mình than thở về mọi việc trong khi đang lái xe chở 2 cậu con trai, một 2 tuổi và đứa còn lại 4 tuổi, đi học.
Cô phàn nàn những chuyện rất đơn giản như: “Mẹ con mình cứ đi muộn suốt” hoặc “Đi mãi mà không đến nơi thế nhỉ”.
Chú ý vào những suy nghĩ tiêu cực, thất vọng là một lỗi thường gặp của các bà mẹ. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý rằng, bạn càng thường xuyên rên rỉ về những khó khăn trong công việc, các vấn đề tài chính trước mặt con, thì con càng dễ học theo thói quen xấu đó.
Thay vì kêu ca than vãn, hãy nói với con về những điều tốt đẹp nho nhỏ mà bạn gặp phải (ví dụ: “Hôm nay mẹ đã xong một dự án kéo dài ở chỗ làm” hoặc “Chưa bao giờ mẹ gặp một cô thu ngân dễ thương như ở siêu thị hôm nay”).
Jenn McCreary, một bà mẹ ở Philadelphia, đã chơi trò “hoa hồng và gai” với 2 cậu con trai 9 tuổi.
Mỗi thành viên trong gia đình họ sẽ tiết lộ điều tốt nhất (hoa hồng) và tồi tệ nhất (gai) trong ngày với những người còn lại. Jenn McCreary nhận thấy các con cuối cùng sẽ chú ý hơn đến “hoa hồng” so với phàn nàn về “gai”.
Phần cuối của trò chơi mà điều mà cả gia đình McCreary yêu thích: “Chúng tôi chia sẻ về những hi vọng mà mình muốn đạt được vào ngày mai” cô nói.
2. Khuyến khích các con thực hiện những điều tưởng như quá sức
Ngay từ trước khi con mình bắt đầu học mầm non, chị Priscilla Baker (Virginia, Mỹ) đã dán một danh sách “Việc cần làm” (dùng hình vẽ minh họa) trên công tắc phòng ngủ.
Danh sách bao gồm dọn giường ngủ, mặc quần áo, đánh răng và dọn dẹp phòng. “Con sẽ không được xuống ăn sáng cho đến khi con làm xong nhiệm vụ” – bà mẹ này nói với con.
Priscilla cho biết ban đầu, mục đích của việc này chỉ là để cô đỡ quá tải vì việc nhà, nhưng sau đó bà mẹ này nhận thấy hóa ra việc lập lình trình này rất tốt cho con.
“Con tôi sẽ đi xuống cầu thang vào mỗi sáng rất hào hứng và nói: ‘Mẹ ơi, con đã dọn giường rất gọn gàng. Mẹ lên mà xem nhé’. Con cảm thấy vô cùng tự hào” – cô cho biết.
Trẻ sẽ không thể phát triển tính cách lạc quan, thái độ “Tôi có thể làm được”, trừ khi chính bản thân chúng có cơ hội để chứng tỏ giá trị của mình.
“Trao niềm tin cho trẻ về việc chúng có thể hoàn thành nhiệm vụ là yếu tố quan trọng để giúp con tự tin hơn” – nhiều chuyên gia tâm lý khẳng định điều này.
Việc nhà mà trẻ cần làm nên phù hợp với lứa tuổi. Ví dụ: Trẻ 2 tuổi trở lên có thể tự dọn đồ chơi, trẻ 3 tuổi trở lên có thể bỏ quần áo bẩn vào giỏ, trẻ 4 tuổi trở lên có thể mang bát đĩa bẩn vào bồn rửa, trẻ 5 tuổi trở lên có thể đi đổ rác, 6 tuổi trở lên có thể gấp quần áo sau khi giặt...
3. Khuyến khích trẻ thử nghiệm rủi ro một cách hợp lý
Có lẽ mọi bậc cha mẹ đều cố gắng rất nhiều để bảo vệ con không bị (hoặc cảm thấy) tổn thương.
Con sẽ thật là xấu hổ khi bị ngã khỏi bập bênh trước mặt bạn bè, hoặc tham gia vào trò chơi ice – hockey trong khi không biết làm cách nào để trượt ván... Phản ứng tự nhiên của các bậc cha mẹ là “che chắn” để con không rơi vào những tình huống này.
Tuy nhiên, bằng cách không khuyến khích con thực hiện các hoạt động mà con có thể thất bại, bạn sẽ hạ thấp tính tự tin của con, đồng thời làm tăng cảm giác bi quan trong tâm lý bé.
Điều mà cha mẹ cần làm đơn giản chỉ là: buông dây cương.
Hãy để cho đứa con tuổi mầm non tự chơi một mình trong sân sau, để cho bé tham gia một chuyến du lịch với bạn bè trong trường – đây là bước khởi đầu để bé bắt đầu hành trình tự lập.
Theo thời gian, những thử thách sẽ phức tạp hơn, ví dụ như leo trèo trên một bức tường nhân tạo ở khu vui chơi hoặc đi cắm trại qua đêm với bạn bè.
“Bạn không muốn con mình phải sợ hãi thử nghiệm những điều mới mẻ, bạn muốn con đi về nhà và nói: ‘Mẹ ơi, con đã làm được’, phải không?” – Bác sĩ tâm lý Michael Thompson nhìn nhận.
4. Chờ đợi trước khi giúp con
Khi bác sĩ Reivich nghe thấy một đứa bạn của con gái đang học lớp 2 của mình gọi con mình là “béo”, chị định gọi điện cho bố mẹ của em bé kia để phàn nàn – nhưng rồi cô đã tự ngăn mình.
“Tôi muốn dạy Shayna cách tự bảo vệ mình” – cô nói. Do vậy cô đã cùng với con gái Shayna chuẩn bị kế hoạch để đối phó nếu chuyện tương tự xảy ra.
Quả nhiên, lần sau khi nghe bạn chê như vậy, Shayna đã “đọc bài phát biểu” ngay: “Thứ nhất, tớ không béo. Thứ hai, đó là câu cậu không nên nói với bạn bè mình”.
Bạn của Shayna lập tức xin lỗi cô bé, và Shayna kể lại câu chuyện với mẹ với cảm giác rất tự tin.
Ôm ấp con mình là “bản năng” của tất cả các bậc cha mẹ, tuy nhiên đây là là cách cư xử sai lầm.
Một khi con bạn đang có gắng tập nói một từ mới, khó khăn mãi không hoàn thành một trò đố vui, nhiều mẹ sẽ can thiệp để giúp con. Tuy nhiên, cách đúng là hãy chờ đợi.
Việc trẻ cố gắng giải quyết vấn đề mà không có sự trợ giúp của cha mẹ sẽ giúp hình thành cảm giác về “sự hoàn thành”, đồng thời giúp con lạc quan hơn về những gì con có thể làm trong tương lai.
5. Giúp con nhận ra không chỉ mình bé gặp khó khăn
Khi con bạn vật vã mãi không thuộc được bảng cửu chương, bé thường sẽ phàn nàn: “Con học Toán dốt quá!”.
Thật không may, những câu phàn nàn đơn lẻ ấy sẽ có thể hình thành một suy nghĩ lâu dài về sự kém cỏi: “Tôi không thông minh”, “Tôi chơi thể thao tồi”, “Tôi không thể vẽ”...
Để ngăn con khỏi những suy nghĩ tiêu cực này, bạn hãy cố gắng thay đổi thái độ của bé. Hãy hướng con đến thái độ tích cực hơn, ví dụ: “Chơi môn thể thao nào lúc đầu cũng rất khó” hoặc: “Ngày còn bé mẹ cũng rất vất vả để học thuộc được bảng cửu chương”.
Bạn cũng có thể giúp con lạc quan hơn bằng cách đề cập đến một kỹ năng khác mà bé có thể thực hiện tốt, ví dụ: “Nhớ lại xem, lúc trước con học mãi mới biết đọc, thế mà giờ con đã đọc rất tốt rồi đấy!”
6. Lạc quan nhưng vẫn phải thực tế
Khi gia đình Tracy Reinert chuyển từ New Jersey đến Florida (Mỹ), con trai Matt 6 tuổi của cô cứ phàn nàn: “Mẹ ơi con không có bạn nào ở đây cả”.
Tracy Reinert đã nói với con: “Con đã có rất nhiều bạn cũ ở New Jersey, vì vậy khi bọn trẻ ở đây phát hiện ra con là một cậu bé thú vị như thế nào, chúng sẽ nài nỉ để làm bạn với con”.
Nhưng sau đó, cô nhận ra mình đã “tự làm khó mình”. Bé Matt sẽ nghĩ sao nếu mấy tuần liền vẫn chẳng có bạn mới, liệu bé có cho rằng thực sự bé chẳng phải là một cậu bé thú vị.
Không muốn con nhận ra là mình đã “cho con ăn bánh vẽ”, Tracy Reinert đã tìm ra giải pháp thông minh. Cô đã nói chuyện với con một cách chân thành: “Thực ra đến chỗ mới và bắt đầu mọi thứ là không đơn giản. Làm quen với bạn bè sẽ mất thời gian”.
Matt bình tĩnh hơn, ngừng phàn nàn và xin mẹ cho ra chơi ở các sân chơi gần nhà, xin phép đạp xe chơi ở quanh khu nhà để gặp bọn trẻ con hàng xóm. Một vài tuần sau, bé đã có vài cô cậu bạn mới quen.
Lạc quan, thực chất là những suy nghĩ tích cực nhưng thực tế, chứ không phải là mơ mộng viển vông. Đó cũng là cách tốt để con bạn sẵn sàng đối mặt với bất cứ điều gì khó khăn mà bé phải vượt qua.
Phương PhươngBạn đang xem bài viết 6 nguyên tắc giúp con lạc quan, hạnh phúc: Khuyến khích thử rủi ro, điều tưởng quá sức... tại chuyên mục Dạy con của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].