1. Trẻ tìm kiếm sự chú ý
Trẻ có thể la hét, ăn vạ chỉ để tìm kiếm sự chú ý. Khi trẻ muốn được bạn chú ý nhiều hơn, trẻ sẽ làm bất cứ điều gì có thể, và chúng nhận ra rằng la hét là một cách hiệu quả.
Cách xử lý: Phớt lờ hành vi này của trẻ. Đây là cách hữu hiệu nhất khi trẻ la hét, ăn vạ mà không có vấn đề gì về thể chất. Cách này đôi khi có thể hạn chế trẻ lặp lại hành vi đó.
2. Trẻ thử khả năng của bản thân
La hét, gào khóc thường xảy ra đỉnh điểm ở trẻ từ 18 tháng tuổi đến 2 tuổi. Trẻ thử xem chúng có thể la hét to đến đâu.
Với trẻ, đây là một năng lực mới phát hiện khiến mọi người xung quanh ngừng lại và nhìn vào trẻ.
Cách xử lý: Cho trẻ sự chú ý tích cực. Nếu trẻ nhỏ la hét, bạn có thể bế con lên, vỗ về và nói chuyện nhẹ nhàng để làm con bình tĩnh lại.
3. Trẻ đang cố giao tiếp với bạn
Khi trẻ đang học cách giao tiếp với cha mẹ và bạn không thể hiểu con, trẻ sẽ dùng cách la hét. Đó là cách duy nhất để cha mẹ hiểu rằng trẻ đang có vấn đề gì hoặc ít nhất là cha mẹ sẽ đoán cho đến khi đúng.
Cách xử lý: Biến nó thành trò chơi. Nếu bạn đang sống ở nơi yên tĩnh như nhà riêng, bạn có thể biến nó thành trò chơi, thi xem ai la hét to nhất trong thời gian ngắn, rồi lại thi xem ai có thể thì thầm nhỏ nhất.
4. Trẻ thể hiện cơn giận dữ, mệt mỏi, đói bụng
Một lý do khác khiến trẻ la hét có thể là do đói bụng, mệt mỏi hay tức giận chuyện nào đó.
Ví dụ, khi trẻ không thể nhận được thứ mình muốn, trẻ có thể sẽ la hét. Trẻ vẫn còn quá nhỏ nên không biết cách xử lý cơn tức giận hay tỏ ra kiên nhẫn, thấu hiểu. Trẻ cần thêm thời gian để phát triển các kỹ năng đó.
Cách xử lý: Thay vì la hét lại với con, bạn nên thể hiện cho con cách tiếp cận bình tĩnh hơn, dạy con nói chuyện nhẹ nhàng, lịch sự.
5. Trẻ lo âu, không thoải mái
Trẻ có thể la hét vì không thoải mái hoặc lo âu trong một số tình huống nhất định, hoặc khi trẻ ở một môi trường mới và xa lạ.
Đó có thể là nơi ồn ào, nhiều người lạ hoặc xa ngôi nhà quen thuộc với những món đồ chơi yêu thích của trẻ. Điều đó khiến trẻ khó chịu.
Đó là lý do vì sao chúng ta thường nghe tiếng trẻ nhỏ la hét ở nơi đông người như nhà hàng, máy bay,...
Cách xử lý: Đánh lạc hướng trẻ. Dỗ trẻ bằng một thứ gì đó trẻ muốn, rủ trẻ tham gia một hoạt động mới (ví dụ như hát). Cách này có thể hiệu nghiệm vì trẻ có khả năng tập trung kém.
6. Trẻ nhiều năng lượng
Đôi khi trẻ la hét do đang vui chơi, có thể là chơi một mình hoặc với các bạn, và trẻ có quá nhiều năng lượng.
Kiểu la hét này là hoàn toàn bình thường và lành mạnh. Trẻ đang học cách thể hiện cảm xúc vui vẻ hoặc không vui khi chơi cùng bạn bè.
Tiếng hét của trẻ có thể mang những ý nghĩa khsac nhau tùy theo giọng điệu, độ cao.
Cách xử lý: Khen thưởng khi trẻ cư xử tốt, ngoan ngoãn. Đây là một trong những cách hiệu quả nhất để dạy trẻ hành vi đúng.
(Theo Bright Side)
Hoàng NguyênBạn đang xem bài viết 6 lý do vì sao trẻ la hét và cách xử lý thích hợp tại chuyên mục Dạy con của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].