Các nhà nghiên cứu đã tìm ra rằng, dưa chua cà muối là một món ăn có lợi cho sức khỏe vì chúng chứa rất nhiều các lợi khuẩn probiotic sinh ra trong quá trình lên men. Những lợi khuẩn này giữ cho thực phẩm lên men ít bị hư hỏng và tăng cường lợi khuẩn tốt cho đường ruột của cơ thể.
Ở khía cạnh khác, do chứa hàm lượng muối (natri) cao nên dưa chua có ảnh hưởng không tốt đến tim mạch và có liên quan đến bệnh ung thư dạ dày. Dưới đây là những đối tượng nên hạn chế ăn dưa chua, cà muối:
Đau dạ dày
Không cần tuyệt đối gạt dưa cà muối ra khỏi thực đơn, nhưng những người bị dạ dày cũng nên hạn chế món ăn này nếu nhận thấy có kích thích tại vùng thượng vị.
Khi bị viêm dạ dày cấp, người bệnh có biểu hiện đau vùng thượng vị dữ dội, cồn cào, nóng rát, khó tiêu, ợ hơi, ợ chua, buồn nôn, hoặc nôn nhiều, miệng hôi, sốt 39 – 40 độ C, thường kèm theo viêm ruột, tiêu chảy…
Bên cạnh việc dùng thuốc theo đúng chỉ định, bác sĩ khuyến cáo, người bệnh cần lưu ý ngừng ngay việc sử dụng các chất gây tổn thương niêm mạc dạ dày để bảo vệ niêm mạc dạ dày, dùng những thức ăn giảm tiết dịch vị, giảm tác dụng của acid tiết ra lên niêm mạc dạ dày để tránh tái phát do niêm mạc bị phá huỷ liên tiếp dẫn đến viêm mạn tính hoặc loét dạ dày.
Cao huyết áp
Trả lời trên Zing.vn, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, Phó Giám đốc viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, người cao huyết áp phải hạn chế ăn thức ăn chứa nhiều muối. Do dưa cà muốn lên men phải dùng nhiều muối nên món này khá mặn và có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của người cao huyết áp.
Bác sĩ Lâm cho biết muối sẽ làm tăng tính thấm của màng tế bào đối với natri, gây co mạch, dẫn đến tăng huyết áp. Vì vậy, không chỉ dưa cà muối, các món ăn mặn như cá khô, nước mắm, trứng, thịt muối… cũng phải hạn chế đối với người tiền sử cao huyết áp.
Người bị suy thận
Thận có rất nhiều chức năng như đào thải các chất cặn bã; cân bằng nội môi gồm nước - điện giải, toan - kiềm; sản xuất renin góp phần điều chỉnh huyết áp… Khi bị suy thận, các chức năng này của thận bị giảm dần, từ từ không hồi phục và ngày càng nặng. Do đó, nguyên tắc chung là ăn hạn chế muối và các loại dưa cà muối.
Người bị bệnh về tiêu hóa
Những người bị bệnh về tiêu hóa cũng không nên ăn dưa cà muối, nhất là dưa cà muối xổi mặc dù nhiều người nghĩ, ăn dưa cà muối có nhiều men vi sinh, tốt cho sức khỏe.
Thực tế, dưa cà muối xổi thường làm để ăn ngay trong ngày, sử dụng một lượng đường, muối vừa phải pha với nước và có thể kết hợp với một ít dấm thanh hoặc nước cốt chanh để tạo chua. Các nguyên liệu (như cà pháo, cà tím, rau cải bắp, su hào, cà rốt, đu đủ xanh…) thường thái thật mỏng để ngấm đều gia vị trong thời gian ngắn, khoảng 1 - 2 ngày.
Những loại rau, củ, quả dùng làm dưa muối thường có sẵn nhiều loại vi khuẩn, trong đó có vi khuẩn lên men lactic, vi khuẩn gây bệnh và ký sinh trùng. Trong môi trường muối dưa, vi khuẩn gây bệnh sống được khoảng 9 giờ, các ký sinh trùng không sống được quá 10 ngày.
Những người có đường tiêu hóa kém khi ăn các thực phẩm này vào sẽ dễ mắc bệnh truyền nhiễm đường tiêu hóa như tiêu chảy, lỵ trực khuẩn, tả, thương hàn….
Phụ nữ mang thai
Nếu ăn dưa muối xổi, nitrit kết hợp với các gốc amin trong thịt, cá... để tạo thành nitrosamin, một trong những chất gây ung thư. Nếu bà bầu ăn nhiều sẽ không tốt cho thai nhi .
Nếu quả cà, rau cải đã bị nhiễm hóa chất bảo vệ thực vật, dụng cụ muối bị nhiễm bẩn, hoặc có dùng chất phụ gia chống thối (chống tạp khuẩn lên men thối) quá liều lượng quy định khi muối… thì khi đó món cà muối, dưa muối sẽ trở thành món ăn vô cùng độc hại, không chỉ phụ nữ mang thai mà mọi người cũng cần tránh ăn.
Người mới ốm dậy
Theo Đông y, cà pháo có tính hàn (thậm chí rất hàn), vì vậy kiêng dùng đối với người hư hàn, thận trọng khi phối hợp với các thức ăn hàn, nên ăn kèm các gia vị có tính ôn như: tỏi, ớt, sả… người mới đau dậy, suy nhược không nên ăn cà, cà không nên ăn sống.
Khi cơ thể vừa mới khỏi bệnh, hoặc đang bị bệnh (cảm, tiêu chảy…) ăn cà, bệnh sẽ nặng hơn.
Ăn dưa chua, cà muối đúng cách an toàn cho sức khỏe?
Cách tốt nhất để bảo đảm an toàn với sức khỏe là không nên ăn quá nhiều dưa, cà muối. Mỗi người chỉ nên ăn khoảng 50gr dưa muối và ăn 2-3 lần/tuần. Đặc biệt, không ăn dưa, cà muối khi đói.
- Không ăn dưa muối khi con hăng, cay, có vị ngai ngái vì chúng còn nhiều nitrosamin có thể gây ung thư. Cũng không nên ăn dưa đã quá chín, quá chua, dưa đổi màu, bị nhớt…
- Vệ sinh sạch sẽ các dụng cụ muối dưa, không muối dưa vào thùng sơn, nhựa tái chế…
- Trước khi ăn nên rửa sạch dưa nhiều lần để giảm độ mặn và độ chua của dưa.
Linh HàBạn đang xem bài viết 6 đối tượng không được ăn dưa chua, cà muối tại chuyên mục Cẩm nang của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].