Tại sao cha mẹ nên lắng nghe con thật chăm chú?
Chuyên gia tâm lý và là tác giả cuốn Peaceful Parent, Happy Child (Cha mẹ yên bình, con hạnh phúc), tiến sĩ Laura Markham cho biết việc cha mẹ lắng nghe con cực kỳ quan trọng.
Bởi vì khi cha mẹ không lắng nghe ý kiến của con mà áp đặt giải pháp sẽ khiến trẻ cảm thấy mình không tồn tại, nản lòng và rời bỏ đi mà không có một câu trả lời thỏa đáng.
Trẻ thường rất muốn cha mẹ hiểu chúng nói gì, rằng các con không cô đơn và những lời nói của con có ý nghĩa nào đó với cha mẹ.
Đôi khi, trẻ chỉ muốn nói, bày tỏ quan điểm hoặc cảm xúc nào đó thì cha mẹ lại vội đưa ra những giải pháp của mình mà quên hỏi con rằng con có ý kiến gì về vấn đề đó không, con có giải pháp cho mình chưa, con sẽ làm như thế nào.
Chuyên gia tâm lý tại Raleigh, Bắc Carolina, Emily W. King tiết lộ rằng để lắng nghe con hiệu quả hơn, cha mẹ nên cho con cơ hội bày tỏ chính giải pháp của các con.
Emily nói: "Khi một đứa trẻ nói, bộ não của con sẽ tự kết nối lại để hiểu vấn đề. Khi cha mẹ đưa ra giải pháp ngay, tức là chúng ta đang ngăn cản quá trình giải quyết vấn đề của con."
Nhưng ngay cả khi trẻ chưa có giải pháp cho mình thì trước tiên cha mẹ nên lắng nghe con nói thật thoải mái và khuyến khích con tự giải quyết vấn đề con đưa ra xem sao.
Làm sao để cha mẹ lắng nghe con hiệu quả hơn?
Biết là lắng nghe con rất quan trọng nhưng lỡ cha mẹ có việc bận thì sao? Làm sao lắng nghe con trong khi mình đang dở dang việc gì đó, hay con vừa nói vừa khóc khiến mình cảm thấy mất bình tĩnh?
- Tiến sĩ Markham chia sẻ bí quyết lắng nghe con đó là tự kiểm tra lại bản thân cha mẹ. Hãy xem lúc đó bạn có căng thẳng về điều gì không. Giả sử như con vừa nói vừa khóc thì cha mẹ nên hít một hơi thật sâu để giữ bình tĩnh để lắng nghe con nói.
- Tránh lắng nghe con nói khi bạn đang làm việc khác. Nếu bạn đang dở dang việc gì đó, bạn có thể quay sang nói với con rằng "được rồi con yêu, cha/mẹ sẽ nghe con nói nhưng đợi mẹ một vài phút để mẹ làm xong việc này đã được chứ?".
- Khi lắng nghe con nói chuyện, hãy để con tự bộc lộ cảm xúc mà không làm gián đoạn cảm xúc đó. Ví dụ như con khóc bù lu bù loa về việc bạn chọc ghẹo. Con vừa nói vừa nước mắt lã chã nhưng bạn cứ để con bày tỏ hết. Bạn nên nắm được cảm giác của con và tình huống mà con kể.
- Khi nghe xong chuyện con nói, cha mẹ không nên vội vàng kết luận nó xấu hay tốt, bạn có thể hỏi lại để chắc chắn cảm giác của con lúc này là gì.
- Cha mẹ có thể đề nghị một cái ôm ấm áp để an ủi con. Sau đó là hỏi con có muốn cha/mẹ đưa ra lời khuyên không, con có ý kiến gì về vấn đề đó chưa?...
- Cuối cùng là hãy nói với con rằng nếu có chuyện gì, hãy cứ nói với cha/mẹ vì chúng ta luôn ở đây, sẵn sàng lắng nghe con nói.
(Theo Parents)
Minh TrầnBạn đang xem bài viết 6 cách lắng nghe con cái hiệu quả giúp cha mẹ và con hiểu nhau hơn tại chuyên mục Dạy con của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].