1. "Học liên tục 10 tiếng" thay bằng "Học 30 phút/ lần x 20 lần"
Mỗi kì thi hết học kì hay thi cuối năm thực sự là cơn ác mộng đối với bất kì học sinh, sinh viên nào bởi áp lực của những bài kiểm tra khó nhằn đè nặng trên vai.
Vậy là châm ngôn "Nhồi, nhồi nữa, nhồi mãi" được áp dụng một cách triệt để: Ngồi vào bàn học từ sáng sớm, lúc đứng dậy trời đã tối mịt hoặc ngược lại, là ví dụ điển hình của hình thức học này.
Vậy nhưng, khoa học đã chứng minh, thay vì nhồi nhét toàn bộ lượng kiến thức của toàn bộ học kì trong ngày cuối, điều mang lại hiệu quả thực sự lại là chia nhỏ lượng kiến thức ấy thành nhiều phần.
Mỗi ngày bỏ ra 30 phút để học một phần nhỏ của toàn bộ lượng kiến thức ấy sẽ hiệu quả hơn nhiều là nhồi nhét liên tục trong 10 tiếng đồng hồ trước khi thi.
Bằng cách này, não bộ của bạn được hoạt động một cách thảnh thơi và dễ dàng tập trung hơn, từ đó việc ghi nhớ sẽ dễ dàng mang lại kết quả tốt hơn rất nhiều.
2. "Học bất kì thời gian nào có thể được" thay bằng "Học tại một khoảng thời gian cố định trong ngày"
Khối lượng bài tập khổng lồ và những ca học thêm dày đặc gần như choán hết quỹ thời gian vốn dĩ đã vô cùng hạn hẹp của chúng ta.
Vì vậy, để hoàn thành hết công việc được giao, chúng ta thường có thói quen ngồi vào bàn học vào bất kì thời gian rảnh rỗi nào, thậm chí nhịn ăn, nhịn ngủ. Nhưng đây hoàn toàn không phải là cách làm việc khoa học giúp chúng ta học hiệu quả hơn.
Thay vào đó, chúng ta nên sắp xếp học bài vào một khoảng thời gian cố định trong ngày. Nếu lịch học thêm quá dày đặc, chúng ta có thể chọn khung giờ 8-9 giờ tối mỗi ngày để tập trung hoàn thành hết bài tập ngày hôm sau, hoặc bất kì khung giờ nào chúng ta rảnh rỗi nhất.
Bằng cách này, não bộ sẽ hoạt động một cách có tổ chức hơn nhiều so với bình thường. Tuy nhiên, không nên chọn khung thời gian để học từ 12h đêm trở đi vì đó là khoảng thời gian cần thiết để cơ thể nghỉ ngơi lấy sức cho ngày hoạt động dài phía trước.
3. "Bút highlight" thay bằng "Flash cards"
Thông thường, để ghi nhớ một cách hiệu quả hơn, chúng ta thường dùng bút nhấn dòng để làm nổi bật những thông tin quan trọng của bài học.
Tuy vậy, rõ ràng việc nhìn những thông tin được đánh dấu giữa một quyển sách dày đặc chữ sẽ không giúp não của chúng ta ghi nhớ tốt bằng tách hẳn chúng ra thành những ghi chú nhỏ, ngắn gọn riêng biệt rồi xem lại mỗi ngày.
Cách học này còn đặc biệt hiệu quả đối với những bạn cần học từ mới tiếng Anh đấy nhé.
4. "Học" thay bằng "Dạy"
Khoa học đã chứng minh rằng: Khi chúng ta cài đặt não bộ ở chế độ "Học", chúng ta sẽ cố gắng ghi nhớ và hiểu mọi thông tin một cách thụ động.
Tuy nhiên, khi não bộ được cài đặt ở chế độ "Dạy", chúng ta sẽ tự khắc thúc đẩy bản thân tìm ra cách truyền đạt lại thông tin cho người khác theo một cách chủ động, có tổ chức, ngắn gọn, xúc tích và dễ hiểu hơn rất nhiều.
Vì vậy, cách học tốt nhất chính là thường xuyên "dạy" lại cho các bạn xung quanh hoặc cho các em nhỏ tuổi hơn những kiến thức mình cần học. Chúng ta cũng có thể tổ chức những nhóm học tập cùng nhau giảng dạy, bổ sung kiến thức cho lẫn nhau trước mỗi kì thi.
5. "Bỏ headphone ra xa" thay bằng "Nghe nhạc cổ điển"
Chúng ta thường quan niệm rằng nghe nhạc khi học sẽ làm giảm khả năng tập trung và điểm số cũng vì thế mà tụt dốc theo. Nhưng hoàn toàn ngược với quan niệm trên, sự thực là nghe một số loại nhạc, đặc biệt là nhạc cổ điển, sẽ giúp não chúng ta tập trung tốt hơn rất nhiều.
Bởi khi học, chúng ta thường sử dụng não trái để tập trung và xử lí dữ kiện, còn não phải bị bỏ không nên thường tìm cách "phá rối", khiến chúng ta mất tập trung.
Bằng cách nghe nhạc cổ điển, não phải giờ đây cũng được chăm sóc và có việc để làm nên không còn tìm cách gây nhiễu loạn quá trình học tập của chúng ta nữa.
(Theo miah - Ohay)
Bạn đang xem bài viết 5 thay đổi nhỏ giúp bạn học ít hiểu nhiều, nâng hiệu quả học tập đến mức tối đa tại chuyên mục Cha mẹ thông thái của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].