1. Bạn cảnh cáo quá nhiều
Đếm từ 1 đến 3 nhiều lần, hỏi "Bố/Mẹ phải nhắc con bao nhiêu lần nữa đây?" hoặc nói "Đây là cảnh cáo cuối cùng dành cho con đấy" không phải cách hiệu quả để khiến con trẻ lắng nghe.
Trên thực tế, việc cảnh cáo quá nhiều sẽ khiến con bạn không học cách lắng nghe ngay khi bạn nói, vì trẻ biết bạn sẽ còn lặp lại ít nhất 5 lần nữa. Khi bạn lặp lại nhiều lần, trẻ sẽ bắt đầu phớt lờ lời nói của bạn.
Thay vào đó, bạn chỉ nên nhắc nhở 1 lần. Nếu trẻ không nghe lời, hãy cảnh cáo và đưa ra hình phạt nếu con không làm theo.
2. Bạn nói những lời đe dọa vô nghĩa
Những lời đe dọa như "Mẹ sẽ không bao giờ cho con ra ngoài chơi nữa nếu con không dọn dẹp phòng ngay bây giờ" hoặc "Con mà không xếp gọn đồ chơi vào thì mẹ sẽ vứt hết đi đấy" sẽ không hiệu quả.
Mặc dù bạn có thể nói ra những lời này vì quá bực bội, nhưng trẻ sẽ nhanh chóng nhận ra rằng bố mẹ sẽ không thực hiện những hình phạt quá mức như thế.
Ngoài những lời đe dọa quá mức, đôi khi nhiều bố mẹ còn mắc sai lầm khi đưa ra những lời đe dọa khiến trẻ thích thú.
Ví dụ như: "Nếu các con còn cãi nhau thì bố/mẹ sẽ quay xe đi về đấy" chưa chắc đã là lời đe dọa, mà thậm chí còn là phần thưởng với trẻ, tùy thuộc vào điểm đến bạn đang định tới.
3. Bạn đôi co với trẻ
Phụ huynh có thể vô tình rơi vào cuộc đôi co với con cái mà không nhận ra. Việc đôi co càng kéo dài thì trẻ càng thành công trì hoãn không nghe theo lời bạn.
Ví dụ, bạn bảo con đi dọn dẹp phòng và rồi bạn với con đôi co về chuyện này trong 20 phút, thì có nghĩa là trẻ vừa trì hoãn được việc bạn yêu cầu thêm 20 phút.
Đừng bị phân tâm bởi cuộc đôi co. Thay vào đó, hãy đưa ra hình phạt nếu trẻ không nghe lời.
4. Bạn không thực hiện hình phạt
Những hình phạt có thể dạy trẻ biết đưa ra những lựa chọn tốt hơn trong tương lai.
Nhưng nếu bạn không thực hiện hình phạt một cách nhất quán thì con bạn sẽ không học được điều đó.
Chỉ đe dọa xong rồi thôi hay nhượng bộ khi trẻ nài nỉ, xin xỏ thì việc phạt con sẽ không mang lại hiệu quả. Bạn cần có cách phạt hợp lý và nhất quán như một bài học cuộc sống dành cho trẻ.
Hãy cho con biết rằng bạn đã nói như thế nào thì sẽ làm như vậy. Và chỉ đưa ra lời cảnh cáo nếu có một hình phạt phù hợp, công bằng khi con không nghe lời.
5. Bạn lớn tiếng
Khi trẻ không nghe lời, nhiều bố mẹ có xu hướng quát tháo, to tiếng.
Tuy nhiên, việc quát tháo sẽ không mang lại kết quả tích cực. Trẻ sẽ học cách phớt lờ bạn.
Ngoài ra, nghiên cứu cho thấy bố mẹ quát tháo, la hét có thể gây hại giống như đòn roi. Nó sẽ làm tổn hại đến mối quan hệ của bố mẹ với con cái, càng làm giảm khả năng trẻ sẽ lắng nghe sau này.
(Theo Verywell)
Hoàng NguyênBạn đang xem bài viết 5 lý do vì sao trẻ không nghe lời bố mẹ tại chuyên mục Dạy con của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].