Bộ GD&ĐT hiện đang dự thảo hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo. Nếu thực hiện xong, lần đầu tiên nhà giáo nói chung sẽ được một Luật riêng điều chỉnh về tiêu chuẩn, chính sách lương và phụ cấp, trợ cấp, tuyển dụng…
Trong đó, đáng chú ý là đề xuất 05 chính sách dưới đây để phát triển đội ngũ nhà giáo vững mạnh hơn:
Đề xuất 1: Định danh, tiêu chuẩn, quy chuẩn, quyền, nghĩa vụ nhà giáo
Hiện nay, tiêu chuẩn, quyền, nghĩa vụ của nhà giáo đang được quy định rải rác tại Luật Giáo dục, Luật Giáo dục nghề nghiệp, tiêu chuẩn của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông đang được quy định tại chùm 04 Thông tư 01, 02, 03 và 04 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Do đó, để quy định một cách thống nhất, Luật Giáo dục dự kiến sẽ xác định cụ thể khái niệm, vị trí, vai trò, quyền lợi và nghĩa vụ của nhà giáo một cách đầy đủ, rõ ràng.
Đặc biệt, mặc dù 04 Thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của giáo viên các cấp nhưng chưa đầy đủ mà mới chỉ có 04 cấp học (mần mon, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông).
Đồng thời, ngoài 04 Thông tư, những quy định về chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, tiêu chuẩn về bằng, cấp của giáo viên cũng đang gặp nhiều thắc mắc đến từ đội ngũ nhà giáo và hiện Bộ Giáo dục mới giải thích thông qua Công văn giải đáp.
Đề xuất 2: Tuyển dụng, sử dụng, quản lý nhà giáo
Hiện nay còn tồn tại nhiều bất cập trong tuyển dụng, sử dụng và quản lý nhà giáo bởi những tiêu chuẩn về giáo viên các cấp hiện đang còn nhiều hiểu lầm. Do đó, đề án luật mới sẽ nêu cụ thể tiêu chuẩn tuyển dụng nhà giáo, quy trình tuyển dụng, bổ nhiệm và chế độ làm việc của giáo viên.
Đồng thời, quy định các vấn đề khác như: Thuyên chuyển công tác; điều kiện, quy trình đánh giá, xếp loại, thay đổi chức danh nghề nghiệp; điều kiện người chưa qua đào tạo sư phạm trở thành nhà giáo…
Đề xuất 3: Quy hoạch, đào tạo, phát triển nghề nghiệp nhà giáo
Ở đề xuất này, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ nêu rõ trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền khi xây dựng quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo cũng như các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo; cơ sở nào được phép thực hiện công việc nêu trên.
Không chỉ vậy, hiện chính sách, cơ chế liên quan đến việc để nhà giáo ra nước ngoài giảng dạy, nghiên cứu và trao đổi học thuật hiện vẫn chưa được quy định cụ thể. Do đó, trong dự thảo Luật Nhà giáo, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã bổ sung về vấn đề này.
Đề xuất 4: Đãi ngộ, tôn vinh nhà giáo
Trước tình trạng giáo viên các cấp vì áp lực công việc nên hàng loạt người xin nghỉ việc, chuyển sang công việc khác làm… Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa quy định về các đãi ngộ, tôn vinh nhà giáo vào dự án Luật Nhà giáo.
Theo đó, Bộ xác định các vấn đề xung quanh việc lương, thưởng, trợ cấp, phụ cấp, tăng lương, hưu trí, khám chữa bệnh, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội cho nhà giáo. Qua đó, nhằm thu hút nhân tài và tạo động lực cho nhà giáo đã cống hiến, tận tâm với nghề.
Không chỉ vậy, về trợ cấp, phụ cấp dành cho nhà giáo, Bộ Giáo dục bổ sung các quy định về chế độ cho nhà giáo có tính đến yếu tố đặc thù của ngành, nghề; hỗ trợ nhà ở công vụ cho nhà giáo công tác, giảng dạy ở vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn.
Đồng thời, bổ sung các tiêu chí, danh hiệu thi đua cùng mức khen thưởng với nhà giáo có thành tích xuất sắc trong công tác, giảng dạy.
Đề xuất 5: Quản lý Nhà nước về nhà giáo
Đề xuất này cơ bản hướng đến hệ thống quản lý Nhà nước về nhà giáo. Cụ thể, khắc phục bất cập trong hệ thống này, tạo sự thống nhất, phân cấp từ Trung ương đến địa phương. Qua đó, xác định rõ vai trò, trách nhiệm của Bộ, ngành, địa phương trong quản lý, phát triển đội ngũ nhà giáo.
V.LinhBạn đang xem bài viết 5 chính sách mới về giáo viên đang được đề xuất: Bổ sung những chế độ đãi ngộ gì? tại chuyên mục Đời sống của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].