Mới đây, gần 600 học sinh trường iSchool Nha Trang bị ngộ độc thực phẩm khi ăn bán trú tại trường. Nguyên nhân ban đầu được xác định do trong thức ăn có vi khuẩn.
Ngộ độc thực phẩm diễn ra khá nhiều, tuy nhiên, có những trường hợp đưa trẻ tới viện quá muộn khiến trẻ bị nguy hiểm đến tính mạng. Do đó, các phụ huynh tuyệt đối không chủ quan, cần nắm được các nguyên nhân, dấu hiệu của ngộ độc thực phẩm để kịp thời xử lý.
Các nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm
Ngộ độc thực phẩm thường mắc phải sau khi ăn những thức ăn có vi khuẩn, virus, ký sinh trùng, độc tố từ nấm và các độc chất như chất bảo quản, thuốc bảo vệ thực vật, chất ép trái cây chín nhanh, hóa chất, phụ gia…
Trong đó vi khuẩn là tác nhân gây ngộ độc phổ biến nhất.
Vi khuẩn gây nhiễm vào thức ăn có thể không gây ôi thiu rõ rệt, bề ngoài thức ăn có vẻ vẫn an toàn nhưng thực chất đã có chứa lượng lớn vi khuẩn hoặc độc tố nguy hại gây ra ngộ độc.
Các triệu chứng của ngộ độc thực phẩm
Thông thường thời gian ủ bệnh từ 2 giờ cho đến 3 ngày trước khi có biểu hiện triệu chứng, tùy thuộc vào loại độc tố.
Các triệu chứng nhận biết của ngộ độc thực phẩm gồm: Buồn nôn (cảm thấy ốm); Đau bụng và chuột rút; Nôn mửa; Tiêu chảy; Sốt; Đau đầu.
Khi nào cần đưa trẻ bị ngộ độc thực phẩm tới bệnh viện?
Khi thấy con có 1 trong 5 dấu hiệu sau, bố mẹ nên đưa con tới cơ sở y tế uy tín để khám.
Thứ nhất: Nôn ói quá nhiều
Một trong những dấu hiệu của ngộ độc thực phẩm nặng chính là nôn ói quá nhiều. Buồn nôn, nôn là dấu hiệu điển hình của ngộ độc thực phẩm, chứng tỏ hệ tiêu hóa đang gặp phải các tác nhân gây hại trầm trọng.
Nôn ói quá nhiều khiến cơ thể dễ bị mất nước vô cùng nguy hiểm. Do đó, khi trẻ nôn ói quá nhiều cần đưa con tới bệnh viện.
Thứ hai: Đại tiện ra máu
Khi trẻ bị ngộ độc thực phẩm mà đi ngoài ra máu cần được đi thăm khám các bác sĩ càng nhanh càng tốt. Nguyên nhân bởi đây là biểu hiện của việc trẻ nhiễm virus hoặc vi khuẩn. Mà trẻ em lại là đối tượng chưa hoàn thiện hệ miễn dịch, sức đề kháng chưa cao nên khi có dấu hiệu phân có máu chứng tỏ sức khỏe, cụ thể là hệ tiêu hóa của trẻ đang có chuyển biến tiêu cực.
Thứ ba: Sốt cao
Sốt cao khi ngộ độc thực phẩm làm tăng nguy cơ xảy ra các phản ứng quá mẫn, gây sốc, tăng tiêu hủy, dẫn đến giảm kẽm và sắt trong máu. Ngoài ra, sốt cao còn khiến cơ thể bị mất nước, rối loạn chất điện giải, gây ra co giật, rất nguy hiểm đối với trẻ em khi bị ngộ độc thực phẩm. Hơn nữa, sốt cao còn khiến con có thể gặp phải các tổn thương thần kinh như mê sảng, lú lẫn, suy kiệt, mệt mỏi, suy tim, suy hô hấp,...
Vì thế, khi bị ngộ độc thực phẩm mà sốt cao thì cần đưa ngay trẻ vào bệnh viện gần nhất.
Thứ tư: Dấu hiệu mất nước
Triệu chứng mất nước là dấu hiệu cảnh báo của ngộ độc thực phẩm nặng. Khi thấy trẻ đi tiểu ít hoặc không đi tiểu, miệng và cổ họng rất khô đó là biểu hiện của việc mất nước.
Mất nước là vấn đề sức khỏe nguy hiểm. Nếu tình trạng này kéo dài hay trầm trọng có thể dẫn tới các biến chứng nguy hiểm như phù não, động kinh, sốc, suy thận cấp, hôn mê và thậm chí nguy hiểm hơn là tử vong.
Thứ năm: Tiêu chảy kéo dài
Một trong những dấu hiệu của ngộ độc thực phẩm nặng dễ nhận ra là người bệnh bị tiêu chảy kéo dài, cụ thể là tiêu chảy hơn 3 ngày trở lên. Nếu không kịp thời đưa con tới bệnh viện điều trị, việc tiêu chảy kéo dài dẫn đến cơ thể mất nước, rất nguy hiểm.
Trên đây là 5 dấu hiệu của việc ngộ độc thực phẩm nặng, cần kịp thời đưa trẻ tới bệnh viện thăm khám để điều trị kịp thời, tránh việc trẻ bị nguy kịch thậm chí nguy hiểm tới tính mạng.
V.LinhBạn đang xem bài viết 5 biểu hiện nặng của trẻ bị ngộ độc thực phẩm bố mẹ cần đưa tới bệnh viện ngay tại chuyên mục Đời sống của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].