Thông tin với báo chí, PGS.TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT thông tin, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 có 41 thí sinh vi phạm quy chế thi (mang điện thoại di động và tài liệu vào phòng thi). Trong số đó, có 1 trường hợp ở điểm thi tỉnh Vĩnh Phúc, một thí sinh đã báo cáo kịp thời với giám thị khi phát hiện bạn cùng phòng mang thiết bị gian lận vào phòng thi.
Cá biệt có 2 trường hợp thí sinh tại Cao Bằng và Yên Bái sử dụng điện thoại di động chụp ảnh đề thi gửi cho người thân nhờ giải đề thi. Hình ảnh sau đó bị lan truyền trên mạng xã hội và báo chí.
Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, Bộ GD&ĐT đã đề nghị Cục An ninh chính trị nội bộ xác minh làm rõ và đình chỉ 02 thí sinh trên.
Thí sinh làm lộ đề xử lý thế nào?
Thiếu tướng Trần Đình Chung, Phó Cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ, Bộ Công an cho biết, Bộ Công an đã phối hợp xác minh và xác định được các đối tượng móc nối.
"Chúng tôi tiếp tục xác minh, điều tra. Qua lời khai của các đối tượng, xác định xem sau khi đề phát tán ra ngoài, có lời giải chuyển vào bên trong phòng thi hay không nhưng chưa phát hiện thấy việc này. Do vậy, việc phát tán đề không ảnh hưởng đến kết quả kỳ thi".
Cũng theo Thiếu tướng Trần Đình Chung, đơn vị này đã xác định được đối tượng mà hai thí sinh kết nối ở bên ngoài, đồng thời đang tiếp tục xác minh, mở rộng điều tra tới các đối tượng có liên quan.
Về câu hỏi phương án xử lý hai đối tượng phát tán đề ra sao, có nên tăng nặng mức độ xử lý thay vì chỉ dừng lại ở mức đình chỉ theo như quy chế thi, Thiếu tướng Trần Đình Chung, cho hay, Công an đang tiếp tục xác minh, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ để xác định mức độ vi phạm.
Trong trường hợp phải xử lý hình sự, sẽ xử lý hình sự theo quy định pháp luật của Nhà nước.
Nếu sau quá trình xác minh, các đối tượng này chỉ dừng lại ở mức độ vi phạm xử lý hành chính, sẽ theo quy định xử lý hành chính.
"Tuy nhiên, trước khi xử lý cần tính đến yếu tố nhân văn. Chúng tôi tiếp tục thẩm tra xác minh về việc thí sinh chụp ảnh đề thi chuyển ra bên ngoài. Khi có kết quả, sẽ được thông tin tới báo chí".
Chỉ có "lộ", không có "lọt"
Trước câu hỏi về việc xác định tính chất hai hình ảnh đề văn, toán kỳ thi tốt nghiệp THPT bị "tuồn" ra ngoài là "lộ" hay "lọt" đề, Thiếu tướng Trần Đình Chung giải thích, từ "lộ" được sử dụng trong Pháp lệnh Bảo vệ bí mật Nhà nước.
Hiện nay đã có Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước, trong đó sử dụng từ "lộ". Như vậy, căn cứ vào luật chỉ có khái niệm "lộ" chứ không có "lọt".
V.LinhBạn đang xem bài viết Vĩnh Phúc: Thí sinh phát hiện bạn cùng phòng sử dụng điện thoại, báo cáo giám thị tại chuyên mục Nhịp sống Gia Đình của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].