Ngày 22/09/2024, tại Hà Nội, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội (AF HANOI) tổ chức thành công “Hội thảo khoa học lần thứ 5”. Đây là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động hướng đến kỷ niệm 15 năm thành lập Bệnh viện.
Hội thảo là dịp để các chuyên gia, bác sĩ cùng nhau thảo luận về thực trạng điều trị vô sinh nam dưới góc nhìn thực tiễn đa chiều. Đây cũng là dịp để các báo cáo viên trình bày những kết quả nghiên cứu mới, cập nhật và chia sẻ kiến thức trong chẩn đoán, phân loại từng trường hợp, từ đó tìm ra các phương pháp điều trị hiệu quả cho bệnh nhân.
Tại Hội thảo, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội tham gia 3 báo cáo với các chủ đề có ý nghĩa thực tiễn cao như: Vô sinh nam từ góc nhìn thực hành tại Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội của ThS.BS Đinh Hữu Việt – Trưởng khoa Nam học; Chuẩn bị mẫu tinh trùng bất thường nặng trong hỗ trợ sinh sản của ThS.Nguyễn Minh Đức – Trưởng Labo Hỗ trợ sinh sản; Xét nghiệm di truyền trước chuyển phôi trong vô sinh nam: Khi nào cần thiết? do TS.BS Bùi Thị Phương Hoa, chuyên ngành di truyền trình bày.
Đây là 3 đề tài được các bác sĩ, chuyên gia phôi học tổng hợp, nghiên cứu trình bày tại hội thảo với mong muốn chia sẻ kiến thức, lắng nghe góp ý của các thầy cô, chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực di truyền, nam khoa và hỗ trợ sinh sản. Đồng thời cung cấp góc nhìn mới về điều trị vô sinh nam từ khía cạnh di truyền, phôi học trong thực tế điều trị tại Bệnh viện.
40% đàn ông Việt Nam vô sinh do nhiều nguyên nhân
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ vô sinh cao trên thế giới, trong đó 50% số ca mắc nằm ở độ tuổi dưới 30. Ở Việt Nam, mỗi năm có khoảng 1 triệu cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn chiếm tỉ lệ khoảng 7,7%. Tỉ lệ vô sinh do nam giới chiếm 40%, do nữ giới chiếm 40%, 10% do cả hai vợ chồng và 10% không rõ nguyên nhân. Điều này cho thấy nguyên nhân gây vô sinh hiếm muộn xuất phát từ hai phía cả nam và nữ. Những năm gần đây nhóm nguyên nhân về vô sinh nam bắt đầu được chú ý nhiều hơn giai đoạn trước.
Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội có lợi thế thăm khám điều trị hàng nghìn trường hợp vô sinh hiếm muộn do nam giới, các bác sĩ đã đưa ra các nhóm nguyên nhân có thể gây vô sinh nam như: vô sinh do không có tinh trùng, bất thường về di truyền: Đột biến mất đoạn AZF trên nhiễm sắc thể Y, bệnh Klinefelter; do bệnh lý (Viêm tinh hoàn, teo tinh hoàn do quai bị, tắc nghẽn đường dẫn tinh; giãn tĩnh mạch thừng tinh; xuất tinh ngược dòng; bệnh lý do nhiễm trùng…); nguyên nhân do yếu tố di truyền; thói quen lối sống không khoa học ảnh hưởng đến chất lượng và số lượng tinh trùng…
Nghiên cứu các giải pháp điều trị tình trạng vô sinh nam
Cũng từ lợi thế thăm khám điều trị hàng nghìn trường hợp vô sinh hiếm muộn do nam giới, các bác sĩ chuyên khoa nam học của Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội đã thực hiện và tham gia báo cáo nghiên cứu về nội dung vô sinh nam ở các hội thảo lớn trong nước và quốc tế.
Một trong những nội dung nổi bật ở các báo cáo khoa học được trình bày tại hội thảo là vấn đề liên quan đến xuất tinh vẫn có tinh trùng nhưng số lượng tinh trùng ít, chất lượng tinh trùng kém và đặc biệt là có trường hợp tỷ lệ tinh trùng dị dạng bất động 100%. Những trường hợp này, sau thời gian thực hành nghiên cứu chuyên sâu, các bác sĩ Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội đã đưa ra được giải pháp ưu việt kết hợp điều trị nội khoa bằng thuốc và có thể can thiệp phẫu thuật, thủ thuật tìm đủ số lượng và chất lượng tinh trùng, góp phần thực hiện hỗ trợ sinh sản thành công cho bệnh nhân.
ThS.BS Đinh Hữu Việt, Trưởng khoa Nam học – Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội cho biết: "Trước đây với những bệnh nhân không có tinh trùng, thông thường chúng ta chỉ dừng lại ở các xét nghiệm nội tiết, xét nghiệm chỉ số sinh học, xét nghiệm nhiễm sắc thể, xét nghiệm gen AZF, siêu âm tinh hoàn…thì bây giờ chúng ta còn có những bộ xét nghiệm gen chuyên sâu hơn để sàng lọc những gen gây ảnh hưởng đến tinh trùng cho nam giới, từ đó giải trình tự gen để tìm thêm những nguyên nhân dẫn đến không có tinh trùng mà trước đây chúng ta chưa biết.
Một số trường hợp bị đột biến gen, mặc dù gen đó rất nhỏ thôi nhưng vẫn có khả năng gây ra tình trạng không có tinh trùng. Mặc dù vẫn còn nhiều tranh luận về nội dung này, tuy nhiên có thể thấy rằng việc thực hiện những xét nghiệm chuyên sâu về gen là hướng đi mới, gợi mở để các bác sĩ lâm sàng đánh giá tỷ lệ tìm thấy tinh trùng cho bệnh nhân trước mổ là bao nhiêu phần trăm, từ đó đưa đến quyết định có nên thực hiện phẫu thuật tìm tinh trùng cho bệnh nhân hay không".
Chuẩn bị và xử lý mẫu tinh trùng là một trong những khâu quan trọng của phương pháp Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) đặc biệt là đối với những bất thường tinh trùng nặng khi chất lượng và số lượng tinh trùng rất hạn chế, thậm chí số lượng tinh trùng còn có thể đếm được, điển hình như vô tinh không bế tắc (non-obstructive azoospermia) hoặc từ vi phẫu tinh hoàn (Micro TESE) - Phương pháp hiện nay có thể coi là “cứu cánh" cuối cùng dành cho bệnh nhân vô tinh. Tại Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, những ca vô sinh từ yếu tố nam chiếm tỷ lệ cao và những ca khó như vậy không phải hiếm gặp. Chính vì vậy, đề tài báo cáo “Chuẩn bị và xử lý mẫu tinh trùng cho những ca bất thường nặng về tinh trùng” do ThS. Nguyễn Minh Đức – Trưởng Labo Hỗ trợ sinh sản trình bày mang lại cái nhìn từ tổng quan đến chi tiết các bước thu nhận, chuẩn bị, lựa chọn tinh trùng và các chiến lược trong quá trình điều trị cho các trường hợp khó theo y văn cập nhập cho đến nay. Những kiến thức được chia sẻ trong bài báo cáo phần nào giúp các chuyên gia, bác sĩ cùng nhau xây dựng một cộng đồng điều trị hiếm muộn ngày một mạnh hơn về cả kiến thức và kỹ thuật, qua đó góp phần mang những em bé khỏe mạnh đến với các gia đình hiếm muộn mong con một cách sớm nhất.
Ngoài ra bài báo cáo với chủ đề: Xét nghiệm di truyền trước chuyển phôi trong vô sinh nam: Khi nào cần thiết? do TS.BS Bùi Thị Phương Hoa, chuyên ngành di truyền - Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội cũng là đề tài cấp thiết trong lĩnh vực điều trị vô sinh nam đến từ nhóm nguyên nhân gặp bất thường về di truyền.
Hội chứng Klinefelter là tình trạng bất thường nhiễm sắc thể (NST) gây nên thiểu năng sinh dục và vô sinh ở nam giới. Với nam giới bình thường, bộ NST sẽ có 46 NST với cặp NST giới tính là XY. Với nam giới có hội chứng Klinefelter có 2 hoặc nhiều hơn nhiễm sắc thể X trong bộ NST (XXY). Bệnh nhân Klinefelter thường gặp tình trạng vô sinh do không có tinh trùng, vì vậy những trường hợp này cần thực hiện phẫu thuật Micro-TESE trong điều trị hỗ trợ sinh sản. Bệnh nhân Klinefelter với bất thường nhiễm sắc thể có tăng nguy cơ bất thường ở thế hệ sau không, vẫn chưa có số liệu thống kê nhiều và hướng dẫn cụ thể. Do đó, chỉ định sàng lọc phôi hiện nay vẫn còn chưa rõ ràng.
Nghiên cứu của nhóm tác giả TS.BS Bùi Thị Phương Hoa được thực hiện trên 148 bệnh nhân mắc hội chứng Klinefelter, phân nhóm thực hiện sàng lọc phôi (PGT-A) và chỉ thực hiện quy trình IVF rồi so sánh kết quả thụ tinh, kết quả phôi, kết quả sàng lọc và kết quả thai kỳ. Số liệu của nghiên cứu sẽ giúp bổ sung thêm thông tin về hiệu quả hỗ trợ sinh sản và chỉ định sàng lọc phôi trên nhóm bệnh nhân mắc hội chứng này.
TS.BS Bùi Thị Phương Hoa, chuyên ngành Di truyền – Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội cho biết: “Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy kết quả sàng lọc phôi 12 bệnh nhân đều có phôi nguyên bội tỷ lệ cao, không có phôi bất thường NST giới tính. Kết quả thụ tinh, kết quả phôi và thai kỳ trên bệnh nhân nghiên cứu đều cho tỷ lệ tốt. Hiệu quả điều trị hỗ trợ sinh sản đạt kết quả 76% bệnh nhân có con sinh sống khỏe mạnh với tỷ lệ thành công của chuyển phôi lần đầu là 54% cao hơn so với các báo cáo quốc tế hiện nay trong khoảng 33.8%. Sàng lọc phôi không thực sự cần thiết cho các bệnh nhân Klinefelter. Tuy nhiên số lượng mẫu nghiên cứu còn hạn chế, chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng phạm vi nghiên cứu với số lượng mẫu lớn hơn trong thời gian tới”.
Nghiên cứu khoa học trong điều trị vô sinh hiếm muộn nói chung và vô sinh nam nói riêng có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần mang lại nguồn tri thức mới để tìm ra phương pháp điều trị tối ưu cho bệnh nhân. Nhiều trường hợp trong thực hành lâm sàng, các bác sĩ đã có những phát hiện mới mà trước đây trong các tài liệu y khoa chưa từng ghi nhận, do vậy nghiên cứu khoa học sẽ tạo điều kiện để giới chuyên môn cùng nhau phân tích, thảo luận và tìm câu trả lời cho những vấn đề này. Thực tế cho thấy có rất nhiều báo cáo nghiên cứu đã được áp dụng thành công trong thăm khám, đem lại hiệu quả điều trị cao cho bệnh nhân tại Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội.
ThS.BS Lê Thị Thu Hiền, Giám đốc Chuyên môn - Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội cho biết: “Bên cạnh hoạt động khám chữa bệnh hàng ngày, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội còn đặc biệt quan tâm đến hoạt động nghiên cứu khoa học. Nghiên cứu khoa học giúp tạo ra những kiến thức mới có độ tin cậy cao; nâng cao chất lượng và an toàn điều trị cho người bệnh, tăng cường hiệu quả với mức chi phí hợp lý. Không những vậy, nghiên cứu khoa học còn tạo điều kiện cho các bác sĩ, nhân viên y tế không ngừng nâng cao kiến thức, kỹ năng khi nhìn nhận vấn đề trong trong công tác chuyên môn với mục tiêu mang đến kết quả tốt nhất cho người bệnh. Chúng tôi đã và đang nỗ lực hết mình cả trong công tác khám chữa bệnh và trong công tác nghiên cứu khoa học, nhằm mang đến những phát kiến mới cho nền y học nước nhà”.
Ngoài 3 đề tài nghiên cứu đến từ Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, hội thảo khoa học lần thứ 5 còn có sự góp mặt của một số đề tài nghiên cứu của chuyên gia đến từ các đơn vị y tế khác như: Báo cáo "Rối loạn phát triển giới tính và chức năng sinh sản", của PGS.TS. BS Vũ Chí Dũng, Giám đốc Trung tâm Nội tiết – Chuyển hóa – Di truyền và Liệu pháp phân tử, Bệnh viện Nhi Trung ương; Báo cáo "Vô sinh nam - Những thách thức hiện tại và hướng đi trong tương lai" của PGS. TS Nguyễn Quang - Chủ tịch Hội Y học Giới tính Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Nam học - Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Các bài báo cáo đã phần nào tập trung làm rõ những thách thức trong chẩn đoán và điều trị vô sinh nam, đồng thời mang đến cái nhìn toàn diện hơn trong thực tế điều trị. Bên cạnh đó các đại biểu tham dự cùng nhau thảo luận sôi nổi, chia sẻ và đề xuất các giải pháp điều trị hiệu quả, góp phần hiện thực hóa giấc mơ làm cha mẹ cho rất nhiều gia đình hiếm muộn mong con.
V.LinhBạn đang xem bài viết 40% đàn ông Việt Nam vô sinh, bác sĩ Nam học miệt mài nghiên cứu tìm giải pháp điều trị tại chuyên mục Đời sống của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].