1. Nhân cách cao thượng
Nhân cách của con người được ví như vàng vậy, độ thuần càng cao thì phẩm vị càng cao. Không nói một người có trí tuệ cao bao nhiêu, thông minh như thế nào, năng lực lớn đến đâu, điều kiện hoàn cảnh tốt ra sao, nếu người ấy không hiểu cách làm người thì nhân phẩm sẽ kém cỏi.
Một người có đạo đức thấp kém thì cuộc đời người ấy cũng sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều, người khác cũng khó lòng tôn trọng.
Một người đàn ông có nhân phẩm tốt nhất định là một người đàn ông tinh tế và thông minh. Họ làm việc theo đạo lý, nói chuyện có chừng mực, lấy nhu thắng cương, lặng lẽ giải quyết vấn đề.
Họ sẽ biết nghĩ cho người khác, cảm thông với người khác, có tấm lòng đồng cảm. Vẻ đẹp của họ đến từ nội tâm, ngôn từ ấm áp, từ trong ra đến ngoài đều toát lên một vẻ đẹp cao quý khiến người khác phải nể trọng.
2. Tướng mạo bất phàm
Tướng mạo bên ngoài là điều tạo ấn tượng đầu tiên đối với người khác. Cổ nhân rất coi trọng về tướng mạo, vẻ bề ngoài của một người. Nhưng vẻ bề ngoài trong mắt của cổ nhân không phải lấy đẹp xấu luận anh hùng mà là chú ý đến thần sắc, thần thái của khuôn mặt mới là đứng đầu.
Thời Tam Quốc, có một lần khi Tào Tháo tiếp kiến sứ giả của dân tộc Hung Nô, cảm thấy bản thân mình dáng người thấp bé, tướng mạo không khôi ngô xuất chúng, cho nên đã lệnh cho Thôi Quý Khuê có tướng mạo cao lớn giả mạo chính mình. Bản thân Tào Tháo cầm một cây đao đứng bên cạnh.
Lúc sứ giả của Hung Nô ra về, Tào Tháo sai người hỏi sứ giả: “Ngươi thấy Ngụy vương thế nào?”.
Sứ giả trả lời: “Đại vương dung mạo đoan chính, cử chỉ nho nhã, nhưng người đứng bên cạnh cầm đao mới là anh hùng”.
Trong sách sử cũng có ghi lại rằng, Tào Tháo tuy là người có tướng mạo thấp bé, nhưng toát ra thần thái của một người làm được đại sự lớn lao.
Danh thần Tăng Quốc Phiên triều Thanh từng nói: “Khí khái bất phàm thể hiện công danh của một người, tinh thần bất phàm thể hiện phú quý của một người.”
Bởi vậy, nếu muốn để lại ấn tượng tốt cho người khác, trước tiên người đàn ông cần phải dưỡng tốt tinh khí thần, thần thái của bản thân, tu dưỡng hành vi cử chỉ của bản thân một cách nghiêm khắc.
3. Tính cách ôn hòa
Trong “Kịch Dịch” có viết rằng: “Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu. Thủy lưu thấp, hỏa tựu táo”, nghĩa là những người và vật giống nhau thường thu hút lẫn nhau, nước chảy xuống thấp, lửa bén tới chỗ khô. Các sự vật cùng loại thì sẽ cảm ứng lẫn nhau. Con người cũng thế, có cùng tính cách thì dễ dàng hòa hợp với nhau.
Một người có thể hòa hợp được với tất cả mọi người thì cần phải có tu dưỡng, tính khí ôn hòa cẩn thận. Đúng như lời nói của cổ nhân: “Trông xa thấy trang nghiêm, đến gần thấy ôn hòa.”
Có những người đàn ông tuy dung mạo chỉ bình thường, không có mấy điểm đặc biệt xuất chúng nhưng lại có phẩm chất đặc biệt. Đó là tính cách lôi cuốn hấp dẫn, khiến cho người ta cảm thấy thoải mái, khiến cho người ta muốn tiếp cận.
Khi tiếp xúc với những người như vậy khiến đối phương cảm thấy giống như nghe được một khúc nhạc nhẹ nhàng, tựa như uống được một ly trà nóng, hay ngắm được một đóa hoa đang nở, trong bất tri bất giác mà nội tâm được thản nhiên vui sướng.
4. Thiện lương bác ái
Mạnh Tử có nói: “Bậc quân tử không có gì lớn lao hơn việc thiện đãi người”. Thiện lương trong tâm chính là làm điều tốt giúp đỡ mọi người, người có tấm lòng thiện sẽ mang lại hạnh phúc cho người khác và cho chính bản thân mình.
Có một câu chuyện như thế này. Có một vị nhạc gia nổi tiếng vẫn thường lên lớp giảng bài. Một lần, đang trong giờ học, có một học trò ngồi dưới không chú ý nghe giảng mà xem sách giải trí, một học trò khác thì gây mất trật tự. Vị nhạc gia biết điều đó nhưng ông vẫn giữ im lặng không nhắc nhở gì ngay trước lớp.
Sau khi tan học ra về, ông gọi hai người học trò kia ở lại, bằng giọng điệu nhẹ nhàng, ôn hòa, ông nhắc nhở hai trò lần sau ngồi học không nên có hành vi như vậy nữa. Khi hai cậu học trò của ông bắt đầu biện giải lý do, ông bèn hướng người về hai trò khom lưng cúi đầu một cách rất nghi lễ. Hành động này khiến hai học trò lúc đó bất ngờ và đỏ mặt xấu hổ vô cùng.
Thiện lương ẩn chứa một loại sức mạnh tác động sâu sắc đến con người. Đối mặt với sự thiện lương thì hết thảy mọi thứ giả dối sẽ bị chùn bước, chỉ có một thứ có thể mang ra để dùng, đó chính là sự tôn trọng.
Khang NhiBạn đang xem bài viết 4 phẩm chất làm nên một người đàn ông đáng nể trọng tại chuyên mục Sống chậm của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].