Theo TS.BS Nguyễn Quang Bảy, Trưởng Khoa Nội tiết - Đái tháo đường, BV Bạch Mai, với những người bị đái tháo đường, những thay đổi nhỏ về lối sống hoặc lơ là điều trị đều có nguy cơ gây rối loạn đường, khiến người bệnh gặp các biến chứng nặng và phải nhập viện cấp cứu. Do đó, để có thể đón Tết cổ truyền vui vẻ, an toàn, người bệnh cần lưu ý những điều sau.
1. Tránh uống nhiều rượu
- Rượu, nhất là các loại rượu mạnh (Whisky, Cognac hay rượu tự nấu) có tác dụng ức chế gan sản xuất glucose nên những người bị đái tháo đường uống nhiều rượu có nguy cơ cao bị hạ đường huyết nặng.
- Uống rượu say nên quên uống thuốc đái tháo đường, trong khi lại ăn nhiều nên bị đường huyết quá cao.
- Nhiều người bệnh mải uống rượu mà quên ăn nên bị hạ đường huyết.
- Uống các loại rượu ngâm với động vật, rễ cây lạ gây ngộ độc, thậm chí suy thận cấp
Để tốt cho sức khỏe mà vẫn vui vẻ dịp Tết cổ truyền, người bị đái tháo đường chỉ nên uống 1 - 2 ly rượu vang khi ăn cơm Tết, cần biết từ chối khi bị mời/ép uống rượu, nhất là những loại rượu lạ.
2. Tránh uống nhiều nước ngọt
Nhiều người bệnh, nhất là trẻ em, trẻ vị thành niên thường rất thích uống nước ngọt. Ngày thường họ bị cấm đoán hoặc nhắc nhở thường xuyên nhưng những ngày Tết thì nhà ai cũng có sẵn nước ngọt và vì tâm lý để cho trẻ thoải mái hoặc nể khách nên trẻ sẽ uống khá nhiều nước ngọt, hậu quả là đường huyết tăng rất cao và rất nhanh.
Trong những trường hợp này, có thể chuẩn bị sẵn một số chai nước ngọt dành riêng cho người bị đái tháo đường, hoặc sử dụng các loại đường không làm tăng đường huyết khi uống cà phê hay ăn chè.
3. Tránh để bị ốm
Ngày Tết cổ truyền là dịp để mọi người gặp mặt, vui chơi nhưng dự báo thời tiết ngày Tết thường khá lạnh ở miền Bắc và khá nóng ở miền Nam.
Người bị đái tháo đường, nhất là những người kiểm soát đường huyết kém hoặc đã có nhiều biến chứng, thường có sức đề kháng giảm nên rất dễ bị các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp, rối loạn tiêu hóa... và đáng ngại nhất hiện nay là COVID-19.
Vì vậy, người bị đái tháo đường cần lưu ý ăn mặc đủ ấm, tránh để bị cảm lạnh. Những người đi lễ chùa hay đi du lịch nên tránh những chỗ quá đông người, cần uống đủ nước và nhớ kiểm tra bàn chân thường xuyên. Với người bình thường thì cảm sốt, tiêu chảy hay vết loét nhỏ ở chân là không đáng ngại nhưng với người bị đái tháo đường thì họ sẽ rất dễ bị nhiễm khuẩn nặng, loét chân lan rộng... đe dọa tính mạng hoặc phải nhập viện.
4. Tránh để bị hạ đường huyết
Hạ đường huyết (nồng độ glucose trong máu thấp < 4,0 mmol/L) là biến chứng khá phổ biến ở người bị đái tháo đường, chủ yếu do nguyên nhân ăn ít, ăn chậm hay bỏ ăn hoặc vận động quá sức.
Đường huyết thấp dẫn đến hôn mê và làm nặng thêm các biến chứng tim mạch, thần kinh... nên đây là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất khiến người bệnh đái tháo đường phải nhập viện cấp cứu trong dịp Tết. Tuy nhiên, đây là biến chứng hoàn toàn có thể phòng ngừa được và nếu người bị đái tháo đường tuân thủ tốt việc dùng thuốc và duy trì chế độ ăn uống theo khuyến cáo của bác sĩ.
Cách phòng ngừa sớm là nên thả lỏng mục tiêu đường huyết trong những ngày Tết, không nên để đường huyết xuống dưới 5,6 mmol/L, nhất là ở những người lớn tuổi, người bị đái tháo đường đã lâu hoặc đã có nhiều biến chứng.
Khi đi chơi, đi lễ hay đi du lịch thì người bị đái tháo đường nên thông báo cho 1-2 người bạn, hoặc người thân biết là mình bị đái tháo đường và luôn mang theo kẹo, bánh ngọt để ăn ngay khi đường huyết xuống thấp hoặc khi có các biểu hiện của hạ đường huyết như đói, run chân tay, hồi hộp đánh trống ngực...
An AnBạn đang xem bài viết 4 điều người bị đái tháo đường nên tránh để ăn Tết vui vẻ, an toàn tại chuyên mục Tư vấn chuyên gia của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].