Thận là cơ quan quan trọng của cơ thể, có hình hạt đậu, đảm nhiệm nhiều chức năng quan trọng. Nó phụ trách việc lọc máu, loại bỏ chất thải qua nước tiểu, sản xuất hormone, cân bằng khoáng chất và duy trì cân bằng chất lỏng. Có nhiều yếu tố nguy cơ gây bệnh thận.
Những người bị bệnh thận nên hạn chế các chất sau trong chế độ ăn hàng ngày:
Natri
Đây là khoáng chất được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm, là thành phần chính của muối ăn. Natri có ảnh hưởng đến huyết áp, tham gia vào việc duy trì sự cân bằng nước trong cơ thể. Thận khỏe mạnh sẽ giữ cho nồng độ natri trong máu ở mức kiểm soát.
Nhưng khi bị bệnh thận mạn tính, việc thêm natri và chất lỏng tích tụ trong cơ thể có thể gây ra một số vấn đề như sưng mắt cá chân, huyết áp cao, khó thở, tích tụ dịch xung quanh tim, phổi,...
Lượng natri trong khẩu phần ăn hàng ngày nên ít hơn 2g. Một số cách đơn giản để giảm lượng natri trong chế độ ăn hàng ngày như là:
- Hạn chế sử dụng muối ăn và gia vị có natri cao như nước tương, muối biển, muối tỏi,...
- Hạn chế sử dụng các thức ăn nhanh: bởi hầu hết chúng đều có nhiều natri.
- Hãy thử sử dụng các loại gia vị và thảo mộc mới thay cho muối.
- Tránh sử dụng thực phẩm đóng gói.
- Đọc kỹ nhãn sản phẩm trước khi mua, lựa chọn thực phẩm có chứa hàm lượng natri thấp.
- Rửa sạch các loại thực phẩm đóng hộp (thịt, cá, rau, đậu,..) trước khi sử dụng.
Kali
Kali là khoáng chất giúp cho các dây thần kinh và cơ bắp hoạt động một cách ổn định. Những bệnh nhân bị bệnh thận mạn tính, cơ thể sẽ không thể lọc được lượng kali dư thừa. Khi nồng độ kali trong máu tăng cao có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng liên quan đến tim. Lượng kali trong khẩu phần ăn hàng ngày nên ít hơn 2g.
Kali được tìm thấy trong nhiều loại trái cây và rau như chuối, bơ, dưa, khoai tây,... Người suy thận nên hạn chế các loại trái cây và rau này, nên sử dụng các thực phẩm chứa lượng kali thấp như là: táo, việt quất, dâu tây, quả mâm xôi, mận, dứa, cải bắp, súp lơ,...
Phốt pho và canxi
Đây là hai khoáng chất rất cần thiết để giữ cho xương chắc khỏe. Tuy nhiên khi thận bị suy yếu sẽ không thể loại bỏ được lượng phốt pho dư thừa trong máu. Khi đó người bệnh sẽ có nguy cơ mắc các bệnh tim. Lượng canxi trong máu giảm, cơ thể sẽ lấy canxi từ trong xương ra, điều này khiến cho xương bị yếu và dễ bị phá vỡ hơn.
Lượng phốt pho trong chế độ ăn hàng ngày của người suy thận nên ở mức dưới 800 - 1.000 mg, bằng cách:
-Lựa chọn thực phẩm có chứa hàm lượng phốt pho thấp.
-Ăn nhiều trái cây tươi và rau.
-Chọn ngũ cốc là gạo, ngô.
-Uống soda có màu sáng.
-Giảm thịt, cá và gia cầm.
- Hạn chế các sản phẩm từ sữa.
- Các thực phẩm có chứa nhiều canxi cũng có xu hướng chứa nhiều phốt pho. Do đó, bác sĩ sẽ khuyên bệnh nhân suy thận nên giảm thực phẩm giàu canxi.
Protein
Đây là một chất dinh dưỡng mà bệnh nhân suy thận có thể sẽ phải hạn chế. Bởi vì thận đã bị tổn thương không thể loại bỏ các chất thải sinh ra từ quá trình chuyển hóa protein. Tuy nhiên, những bệnh nhân đang lọc máu lại có nhu cầu protein cao hơn.
V.LinhBạn đang xem bài viết Nên hạn chế ăn 4 chất sau kẻo thận sinh bệnh tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].