3 sai lầm của cha mẹ tạo ra những đứa trẻ ái kỷ, chỉ biết quan tâm đến bản thân

Cody Isabel, một nhà khoa học thần kinh nghiên cứu về hội chứng rối loạn nhân cách ái kỷ phát hiện rằng gia đình là một trong những yếu tố dự báo quan trọng về xu hướng ái kỷ của một người khi trưởng thành.

Theo Vinmec, bệnh ái kỷ hoặc rối loạn nhân cách ái kỷ hay còn gọi là chứng yêu bản thân thái quá là một bệnh lý tâm thần. Bệnh nhân mắc bệnh lý này chỉ quan tâm đến bản thân, luôn mong muốn người khác ngưỡng mộ và tôn trọng mình nhưng lại thiếu sự đồng cảm với người khác.

tre-ai-ky-01

Chuyên gia Cody Isabel cho rằng, trẻ em và thanh thiếu niên thường có xu hướng ích kỷ hơn (không phải ái kỷ) do vẫn đang trong quá trình phát triển tâm lý.

Vì vậy, việc trẻ kém nhận thức về bản thân là điều bình thường, cho đến khi trẻ học được các kỹ năng quan trọng như điều tiết cảm xúc và sự đồng cảm.

Theo kinh nghiệm của Cody Isabel, những bậc cha mẹ mắc phải 3 sai lầm dưới đây có nhiều khả năng tạo ra những đứa trẻ ái kỷ.

1. Không thừa nhận những hành vi tiêu cực của chính cha mẹ

Trẻ em học bằng cách quan sát và bắt chước, điều này có nghĩa là trẻ có thể học theo những hành động tiêu cực của cha mẹ.

Ví dụ một người phục vụ làm sai món bạn gọi. Thay vì xử lý tình huống một cách nhẹ nhàng, bạn lại xúc phạm và quát tháo người phục vụ. Con bạn quan sát và nghĩ rằng cách phản ứng của bạn là bình thường.

Đây là lý do tại sao bạn cần giáo dục và làm gương cho con về biểu hiện của trí tuệ cảm xúc (EQ) , đặc biệt là về sự đồng cảm.

Một cách tốt để bắt đầu là giúp con nhận diện cảm xúc của mình. Hãy gọi tên cảm xúc mà bạn nghĩ là con đang trải qua. Ví dụ: "Con có cảm thấy đau khổ hoặc thất vọng vì những gì bạn mình đã làm không?"

Rèn luyện EQ sẽ giúp trẻ dễ dàng bày tỏ cảm xúc của mình và quan tâm đến cảm xúc của người khác trong tương lai.

2. Phớt lờ, phủ định cảm xúc của trẻ 

tre-ai-ky-02

Việc cha mẹ phê phán, phớt lờ hoặc phủ định cảm xúc của trẻ đồng nghĩa bạn đang dạy con rằng những cảm xúc của trẻ là sai.

Hậu quả là trẻ sẽ gặp khó khăn trong việc điều chỉnh hành vi của mình, điều này có thể dẫn đến một loạt vấn đề khi họ trưởng thành - từ không nhận thức được về bản thân tới khoác lác về năng lực của mình. Các nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng sự xấu hổ, tự ti và sợ hãi là căn nguyên của chứng ái kỷ.

Là cha mẹ, bạn cần xác nhận và giúp gọi tên cảm xúc của con bạn. Sau đó hãy cho trẻ biết rằng những cảm xúc của trẻ là hợp lý.

Hãy tưởng tượng bạn đến đón con đi học về. Con lên xe và đóng sầm cửa lại với vẻ mặt giận dữ. Thay vì phê phán con vì có thái độ không tốt, hãy xác nhận cảm xúc của con bằng cách nói: “Có vẻ như con đã có một ngày tồi tệ ở trường! Chuyện gì đã xảy ra thế?"

Khi con nói với bạn những chuyện đã xảy ra, hãy xác nhận cảm xúc của con: "Điều đó thật tệ. Bố/mẹ có thể hiểu tại sao con lại buồn."

Điều này không có nghĩa là bạn đồng ý hay không đồng ý với phản ứng cảm xúc của con. Đơn giản là bạn chỉ đang giúp con biết cảm xúc của con là gì và cảm xúc đó là bình thường ra sao.

Theo thời gian, trẻ sẽ tin tưởng hơn vào cảm xúc của mình.

3. Không chỉ ra những hành vi ái kỷ của trẻ

Nếu con bạn quấy khóc ở nơi công cộng vì không có được điều mình muốn, đừng để mặc trẻ  làm như vậy.

Trong trường hợp này, điều quan trọng không phải là mắng mỏ con mà là đưa con thoát khỏi tình huống này.

Bắt đầu bằng cách hỏi ba câu hỏi:

"Chuyện gì đã xảy ra thế?"

"Con cảm thấy thế nào?"

"Con nghĩ phản ứng của con đang khiến người kia (hoặc những người xung quanh con) cảm thấy thế nào?"

Thay vì chấp nhận sự rối loạn cảm xúc của con, bạn hãy giúp con linh hoạt các kỹ năng đồng cảm, nhận thức xã hội và điều tiết cảm xúc - tất cả đều cần thiết để xây dựng trí tuệ cảm xúc.

tre-ai-ky-03

Một câu hỏi nhiều bậc phụ huynh thường đặt ra cho chuyên gia Cody Isabel là: "Làm thế nào tôi có thể biết khi con có biểu hiện ái kỷ?"

Theo nhà khoa học thần kinh, bạn có thể thực hiện nhiều bài kiểm tra khác nhau. Ví dụ khi cha mẹ và con đang cùng xem một bộ phim hay đọc một cuốn sách và có điều xấu xảy ra, hãy hỏi suy nghĩ của trẻ về cảm xúc của các nhân vật.

Nếu trẻ nói: "Họ cảm thấy buồn bã hoặc tức giận" thì có thể mức EQ của con bạn là bình thường. Nhưng nếu trẻ tức giận hoặc nói rằng không quan tâm đến cảm xúc của nhân vật, thì có thể bạn cần lưu ý những biểu hiện này.

Nếu bạn lo lắng con mình có khuynh hướng ái kỷ và cảm thấy mình không có đủ kỹ năng để giúp con, hãy cân nhắc việc tìm đến chuyên gia tư vấn hoặc trị liệu chuyên về rối loạn nhân cách ái kỷ.

Hãy nhớ rằng, những hành vi ái kỷ thường là những thói quen mà chúng ta học được từ thời thơ ấu và có thể không được phát hiện ra.

(Theo CNBC)

Hoàng Nguyên

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính